Cẩn trọng trong từng chi tiết, sai sót nhỏ là "hỏng"
“Chú khắc giúp con dòng chữ này, cẩn thận và chỉn chu, để con gửi tặng người bạn rất thân của con nhé!" - lời dặn dò đến từ khách hàng đang nhắn nhủ cho ông Lê Tiến Dũng (66 tuổi, quê Hải Dương) - thợ khắc chữ lâu năm tại Sài Gòn. Cầm trên tay chiếc hộp trang sức đắt tiền, ông Dũng cẩn thận đo đạc tỉ mỉ, canh tỉ lệ và thực hiện khắc chữ theo yêu cầu của khách hàng.
Bắt đầu cầm chiếc mũi hàn do chính tay mình chế tạo, ông Dũng tập trung cao độ, vẽ những nét chữ đầu tiên. Chỉ trong chớp mắt, dòng chữ do chính tay ông Dũng chạm khắc đã hiện rõ trên chiếc nắp hộp. Sau đó, ông dùng sáp màu nhũ để làm nổi bật cho những con chữ của mình.
Ông Dũng là một trong số rất ít người còn theo đuổi nghề khắc chữ.
Từ một sinh viên của Đại học Kiến Trúc (Hà Nội) sau khi xuất ngũ, ông quyết định chọn Sài Gòn làm nơi lập nghiệp vào những năm 80. Chia sẻ về cơ duyên với nghề khắc chữ, ông Dũng cho biết: “Thời điểm ấy, nghề khắc chữ phổ biến ở khắp nơi, tôi vẫn nhớ học sinh sử dụng chủ yếu là bút máy. Họ thường nhờ các nghệ nhân khắc chữ để tránh đánh dấu tên người sở hữu, tránh sự nhầm lẫn dụng cụ học tập với các bạn chung lớp. Lúc đó, tôi tự nghĩ bản thân có chút vốn liếng về hội hoạ và niềm mê nghệ thuật từ nhỏ nên tôi sắm đồ nghề rồi thực hiện, đến nay cũng hơn 40 năm".
Ban đầu, ông Dũng sử dụng công cụ rất đơn sơ, chỉ là một thanh kim loại với phần đầu nhọn hoắt, một tay giữ sản phẩm, một tay dùng lực mạnh để đè lên đồ vật và khắc chữ. Sau này, ông mới tìm tòi, suy nghĩ, học hỏi trên mạng xã hội để chế tạo tạo ra mũi khắc chạy bằng ắc quy để thuận tiện trong công việc mưu sinh.
Để khắc những nét mềm mại trên bề mặt cứng không phải dễ dàng, ông Dũng phải chăm chút tỉ mỉ, đặc biệt là phải thổi được “hồn” vào từng tác phẩm của mình.
Tuy công cụ được nâng cấp tiên tiến, song yếu tố để tạo ra tác phẩm đẹp mắt là sự tỉ mỉ, bàn tay khéo léo của người nghệ nhân. Đối với ông Dũng, công việc “bán chữ" này đòi hỏi người thợ phải luôn tập trung cao độ, cẩn thận từng li từng tí. Bởi lẽ ông hiểu “sai một ly, đi một dặm". “Đôi khi có những sản phẩm trị giá hàng chục triệu đồng, rất đẹp và tinh xảo. Nếu tôi chỉ cần sai sót thì lập tức phải đền" - ông Dũng trải lòng. Ông Dũng cho biết nếu các con chữ bị sai nét hoặc sai chính tả có thể trang trí bằng những bông hoa để sửa chữa sai lầm. Thế nhưng, trong suốt 40 năm làm nghề, số lần sai sót chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Khách ngoại say mê chữ viết đẹp, vượt nghìn cây số để chiêm ngưỡng
Đa phần vật lưu niệm mà khách hàng mang đến để ông khắc chữ gồm đủ loại như tranh gỗ, ly sứ, hộp gỗ và nhiều nhất là bút máy. Nhận bất kì đồ vật nào từ tay khách, ông Dũng cũng nâng niu xem xét kỹ càng, từ chất liệu, bố cục cho đến màu sắc chủ thể, để khắc kiểu chữ phù hợp nhất.
Thông thường, khách chỉ cần ghi rõ dòng chữ cần muốn khắc. Sau đó, nhờ ông tư vấn và chỉ cần 5-10 phút đã có tác phẩm hoàn chỉnh. Với kinh nghiệm lâu năm nên bất cứ khách hàng nào đến đây đều tin tưởng vào tay nghề của ông Dũng. Mỗi tác phẩm được hoàn thành, ông Dũng lấy tiền công từ 20,000-100,000 đồng tuy theo kích cỡ và chất liệu.
Ông cũng từng khắc chữ trên chiếc bút vàng, đính kim cương trị giá hàng chục nghìn USD, mỗi khi nhận "đề bài khó" ông phải nghiền ngẫm rất lâu mới quyết định để đặt bút xuống và khắc lên các đồ dùng những dòng chữ nắn nót.
Trong cuộc đời gắn liền với con chữ, bút máy của mình, ông Dũng nhớ mãi khoảnh khắc nam du khách người Hà Lan đem hết quà lưu niệm mà bản thân đã sưu tầm khi ghé thăm quê vợ tại Việt Nam đến quầy khắc chữ. Trước đó, nam du khách đã nhìn thấy những đoạn phóng sự trên đài truyền hình về sự nghiệp của ông Dũng nên khi có cơ hội, đích thân anh muốn đến gặp gỡ, tận mắt nhìn thấy quá trình nắn nót từng chữ để viết lên các món đồ vật. Sau khi hoàn thành, nam du khách vui mừng như “bắt được vàng". Từ đó, ông Dũng cảm thấy có động lực hơn để bám trụ với công việc này. Ông luôn cảm thấy vui sướng và hạnh phúc khi giúp những khách hàng của mình tạo một dấu ấn cá nhân hay gửi thông điệp yêu thương thông qua những con chữ được khắc trên các món đồ vật.
Đối với ông Dũng, niềm vui lớn nhất trong sự nghiệp là những nụ cười hài lòng của khách hàng khi cầm trên tay thành phẩm.
Tuy đã ở tuổi xế chiều nhưng ông Dũng kiên quyết bám trụ với nghề khắc chữ. Ông tâm sự có thời điểm khó khăn, chật vật để tiền mưu sinh, chăm lo bữa ăn cho cả gia đình nhưng vì đam mê nghệ thuật nên ông muốn dành cả quãng đời để giữ vững công việc khắc chữ truyền thống. Và hơn hết, ông muốn du khách, bạn bè quốc tế nhớ đến nét chữ đầy tâm huyết của mình.
Đứng trước nguy cơ bị mai một, ông Dũng sẵn sàng truyền dạy kinh nghiệm cho nhiều thế hệ trẻ muốn học hỏi, theo đuổi công việc này. Ông Dũng cũng đã ngỏ ý truyền nghề cho con trai và may mắn nhận được cái gật đầu đồng ý. Hiện tại, ông Dũng đang ấp ủ dự định rong ruổi đến các điểm trường, khắc chữ miễn phí cho các học sinh để tuổi thơ của các em thêm phần thú vị.
Với hơn 40 năm kinh nghiệm, gắn bó với Sài Gòn hơn nửa đời người, ông Dũng đã chứng kiến rất nhiều thăng trầm tại mảnh đất này, lặng nhìn những người “đồng nghiệp” phải buông bỏ công việc, rẽ hướng sang ngành nghề khác vì thu nhập bấp bênh. Thế nhưng, đối với ông khi còn đủ sức khoẻ thì vẫn sẽ tiếp tục nắn nót từng chữ để lưu giữ nét đẹp truyền thống đã tạo nên dấu ấn trong mắt của du khách.