Những ngày gần đây, nhiều khu vực ở Hà Nội bị kiến ba khoang tấn công, khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Thậm chí đã có trường hợp phải nhập viện vì độc tố của loài côn trùng này gây nên.
Điển hình như gia đình chị Q.H (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội), cả nhà bỗng nhiên bị nổi mẩn ngứa dưới da, sau đó xuất hiện tình trạng đau rát. Sau gần 2 ngày, những vùng da này phồng rộp, khiến mọi người khó chịu vô cùng.
“Ban đầu tôi không biết lý do vì sao, cứ nghĩ là bị ngứa hay dị ứng. Buổi tối khi bật điện tôi phát hiện có kiến ba khoang ở dưới bóng điện ngay trong phòng ngủ, khi đó mới biết nguyên nhân là do kiến ba khoang tấn công”, chị H cho hay.
Theo chị H, chung cư nơi chị ở phía sau có cánh đồng bỏ hoang, có thể kiến ba khoang từ đó vào nhà và lẩn khuất ở các góc tối, chỉ khi bật điện chúng mới theo ánh sáng ra ngoài.
Tổn thương do kiến ba khoang nếu xử lý không đúng cách có thể gây sẹo. Ảnh minh họa.
Thông tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương, gần đây số lượng người bệnh đến khám vì viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang gia tăng. Có ngày, khoa tiếp nhận hàng chục ca bệnh, trong đó nhiều trường hợp tổn thương nặng do xử lý sai cách.
Ths.BS CK2 Nguyễn Tiến Thành, Thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết, kiến ba khoang là loài côn trùng có độc tố rất mạnh, đa số người bị tổn thương do kiến ba khoang là do tiếp xúc hoặc cọ xát vào kiến ba khoang.
“Khác với các loài côn trùng khác, kiến ba khoang không cắn, đốt mà độc tố của chúng ở trên cơ thể. Theo đó, loài kiến này có chứa độc tố Pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Dù vậy nó sẽ khiến vùng da tiếp xúc tổn thương, bỏng rát”, bác sĩ Thành cho hay.
Theo bác sĩ Thành, sở dĩ nhiều người bị kiến ba khoang tấn công, gây nên tình trạng viêm da tiếp xúc nặng là do bắt, giết kiến ba khoang sai cách hoặc khi bị viêm da do kiến ba khoang, nhưng tự điều trị khiến tình trạng ngày càng nặng hơn.
Cụ thể, nhiều người khi thấy kiến ba khoang vội vàng lấy tay bắt, sau đó không vệ sinh tay và tiếp xúc với các vùng da khác nên gây nên những tổn thương. Hay nhiều người nhầm tưởng viêm da tiếp xúc là bệnh zona, điều trị bằng acyclovir là không đúng, khiến tổn thương lan rộng hơn.
Khi phát hiện ra kiến ba khoang tuyệt đối không dung tay không để bắt hoặc giết. Ảnh minh họa.
Dấu hiệu ban đầu khi bị dính độc tố của kiến ba khoang là hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da, sau 6-12 giờ sẽ thành một đám hơi nề, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều 1-5mm. 1-3 ngày sau sẽ hình thành phỏng nước, phỏng mủ. Lúc này cảm giác đau, rát càng tăng.
Bác sĩ Thành cho rằng, viêm da do kiến ba khoang thường khỏi nhanh trong vòng một tuần nếu xử trí đúng cách, tuyệt đối không nên đắp lá cây hoặc tự ý bôi thuốc theo quan điểm dân gian để tránh bị nhiễm trùng và sẹo.
Để hạn chế nguy cơ, BS Thành đưa ra một số biện pháp phòng ngừa như sau:
- Kiểm tra kỹ quần áo, chăn màn: Sau khi phơi quần áo, cần giũ mạnh để loại bỏ kiến bám vào. Kiểm tra khăn rửa mặt, chăn màn trước khi sử dụng.
- Đóng kín cửa, lắp lưới ngăn côn trùng: Sử dụng rèm cửa, lưới chống côn trùng tại các cửa sổ và lỗ thông khí. Hạn chế bật đèn gần khu vực cửa vào ban đêm.
- Vệ sinh môi trường sống: Phát quang cây cối, bụi rậm xung quanh nhà. Giữ nhà cửa sạch sẽ, không để vật dụng thừa tạo nơi trú ẩn cho côn trùng.
- Xử lý đúng cách khi phát hiện kiến ba khoang: Không dùng tay chạm vào hoặc đập kiến. Thay vào đó, hãy dùng khăn giấy hoặc vật dụng để loại bỏ. Nếu kiến tiếp xúc với da, cần rửa ngay bằng nước sạch, nước muối sinh lý hoặc xà phòng nhẹ để loại bỏ độc tố.
- Thăm khám sớm: Khi vùng da có dấu hiệu đỏ, rát hoặc mụn nước nghi ngờ do kiến ba khoang, cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng cách.