5 thói quen là "áo giáp miễn dịch", giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, ai cũng có thể dễ dàng thực hiện

Google News

Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, không phải lúc nào nó cũng là "bản án" không thể tránh khỏi. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, một lối sống lành mạnh có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư một cách đáng kể. 

Nhịp sống hiện đại hối hả, con người ngày càng bận rộn với công việc, trách nhiệm gia đình và áp lực xã hội. Để chạy đua với thời gian, không ít người vô tình bỏ qua sức khỏe của bản thân, tạo điều kiện cho nhiều căn bệnh nguy hiểm phát triển, trong đó có ung thư. Việc thường xuyên thiếu ngủ, ăn uống thất thường, căng thẳng kéo dài hay ít vận động đang trở thành lối sống “đặc trưng” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cơ thể.

Tuy nhiên, không ai sinh ra đã mang sẵn trong mình nguy cơ mắc ung thư. Chính những thói quen hàng ngày mới là yếu tố quan trọng quyết định đến sức khỏe lâu dài. Một lối sống lành mạnh không chỉ giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh mà còn mang lại sự cân bằng và năng lượng tích cực cho cuộc sống. Dưới đây là 5 thói quen cần thiết để bạn có thể tự xây dựng “bức tường thành” vững chắc, chống lại sự hình thành và phát triển của tế bào ung thư.

Lối sống lành mạnh có thể bảo vệ tế bào khỏi ung thư. (Ảnh minh họa).

1. Tiêu thụ đủ 4 nhóm thực phẩm chính  

Một chế độ ăn uống cân đối là nền tảng để cơ thể chống lại ung thư. Việc cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm chính bao gồm: tinh bột, đạm, chất béo lành mạnh, vitamin và khoáng chất, giúp tế bào hoạt động tối ưu, hạn chế nguy cơ tổn thương. Đặc biệt, các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như: rau xanh, quả mọng hay ngũ cốc nguyên hạt giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do gây ung thư.

Ngoài ra, bạn nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường hoặc dầu mỡ. Thay vào đó, hãy ưu tiên thực phẩm tự nhiên như: cá hồi, các loại hạt, rau củ có màu sắc. Những thực phẩm này không chỉ cung cấp năng lượng mà còn hỗ trợ cơ thể thải độc, giảm nguy cơ hình thành tế bào ung thư.

2. Ngủ đủ giấc 

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phục hồi sức khỏe. Khi ngủ, cơ thể tái tạo năng lượng và tăng cường hệ miễn dịch, đặc biệt là sản xuất cytokine – một loại protein giúp chống viêm và ngăn ngừa ung thư. Thiếu ngủ hoặc giấc ngủ không chất lượng có thể dẫn đến tình trạng suy giảm hệ miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính, bao gồm ung thư.

Để có giấc ngủ chất lượng, bạn cần thiết lập một lịch trình ngủ đều đặn và tạo môi trường ngủ lý tưởng. Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ, đồng thời giữ cho không gian ngủ yên tĩnh và thoáng mát. Một giấc ngủ trọn vẹn từ 7-9 tiếng mỗi đêm không chỉ mang lại năng lượng cho cả ngày hôm sau mà còn là lá chắn mạnh mẽ trước bệnh tật.

Giấc ngủ giúp cơ thể nghỉ ngơi và củng cố hệ miễn dịch. (Ảnh minh họa).

3. Uống đủ nước 

Nước đóng vai trò như một “nhà máy” thanh lọc cơ thể, giúp loại bỏ độc tố, duy trì sự cân bằng của các tế bào và giảm nguy cơ viêm nhiễm. Khi cơ thể thiếu nước, các chất độc có thể tích tụ, làm tăng nguy cơ tổn thương tế bào và tạo điều kiện cho ung thư phát triển.

Bạn nên uống từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày, tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân và cường độ hoạt động. Hãy ưu tiên uống nước lọc, hoặc bổ sung nước từ các loại trái cây mọng nước như: dưa hấu, cam, dưa chuột,... nhưng hạn chế thêm đường.

4. Giữ tâm trạng lạc quan, vui vẻ

Tâm trạng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tổng thể. Khi bạn giữ được sự lạc quan và tinh thần tích cực, cơ thể sẽ sản sinh ra hormone endorphin giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ tổn thương tế bào. Ngược lại, căng thẳng và stress kéo dài làm suy yếu hệ miễn dịch, tăng khả năng viêm nhiễm và tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển.

Do đó, dù làm gì, bạn cũng nên dành thời gian để thư giãn và tận hưởng cuộc sống. Tham gia các hoạt động yêu thích, thực hành thiền hoặc yoga, kết nối nhiều hơn với gia đình, bạn bè để giữ cho tâm trạng luôn vui vẻ. Một tinh thần tích cực chính là "lá chắn vô hình" bảo vệ cơ thể khỏi những tác động tiêu cực của bệnh tật.

Tinh thần lạc quan giúp cải thiện chức năng miễn dịch. (Ảnh minh họa).

5. Tập thể dục đều đặn 

Tập thể dục không chỉ giúp cải thiện vóc dáng mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, trong đó có việc giảm nguy cơ mắc các loại ung thư phổ biến như: ung thư vú, ung thư đại tràng và ung thư phổi. Khi bạn vận động, cơ thể sẽ được kích thích tuần hoàn máu tốt hơn, từ đó tăng khả năng tiêu diệt các tế bào bất thường.

Không cần phải luyện tập cường độ cao, chỉ cần bạn dành ra 30 phút mỗi ngày cho các hoạt động như: đi bộ, chạy bộ, yoga hoặc bơi lội. Điều này không chỉ tăng cường sức khỏe mà còn tạo ra sự cân bằng cho cả cơ thể và tinh thần. Một thói quen tập luyện đều đặn có thể là "lá chắn thép" trước căn bệnh ung thư.

AN THANH

Bình luận(0)