Với những đứa trẻ sinh ra ở các miền quê của Việt Nam, cây tầm bóp không còn xa lạ. Ngày trước, những đứa trẻ thường hái quả tầm bóp để chơi đồ hàng. Nhưng ít ai biế được rằng lá và ngọn non của cây tầm bóp có thể làm thành những món ăn ngon và tốt cho sức khoẻ.
Theo đó, tầm bóp có tên khoa học là physalis angulata L, đây là một loại cây họ cà còn được gọi bằng nhiều tên khác như: cây nồng đèn, lu lu cái, thù lù cạnh,... Cây tầm bóp cao 60-70cm, nhiều cành rũ xuống đất, lá cây có hình bầu dục và mọc so le. Đây vốn là cây dại mọc ở bờ bụi, cánh đồng hoang hay những bãi đất trống, bìa rừng. Thời còn nghèo khó, ở một số miền quê, người dân hái rau tầm bóp vào ăn "cứu đói". Chúng được sử dụng như một loại rau ăn thông thường.
Những người từng thưởng thức rau tầm bóp cho biết, rau này có vị đắng nhưng khi chế biến thành món ăn lại vô cùng hấp dẫn. Từ rau tầm bóp có thể luộc chấm mắm, xào tỏi, xào bò, bóp gỏi.
Hiện nay, nhiều nhà hàng ở thành phố còn dùng rau tầm bóp để nhúng lẩu, được người thành phố ưa chuộng vì lạ miệng và có hương vị đặc biệt.
Trên chợ mạng và các sàn thương mại điện tử, rau tầm bóp được bán theo mớ. Nếu tính theo cân, mỗi cân có giá khoảng 70.000 đồng/kg. Người bán giới thiệu tầm bóp hoàn toàn là rau sạch hái trong tự nhiên, đây vốn là cây dại nên có sức sống mãnh liệt và dễ thích nghi với môi trường sống.
Vì rau được ưa chuộng nên nên nhiều nông dân giờ trồng trên các thửa ruộng như một cây rau màu, sau đó thu hoạch bán ở chợ hoặc nhập sỉ cho các thương lái. Để có năng suất cao, bà con bắt đầu gieo trồng từ sau Tết Nguyên đán, thu hoạch theo hình thức cuốn chiếu liên tục từ đó đến hết tháng 4 âm lịch.
Chia sẻ trên Vietnamnet, Lương y Vũ Quốc Trung cho biết tầm bóp trong đông y là cây thuốc có tác dụng chữa bệnh, lá cây tầm bóp dùng làm rau xanh ăn và quả có tác dụng thanh nhiệt tiêu đờm. Vì tính mát của rau nên rau có hiệu quả rất tốt cho việc chữa trị các bệnh dạ dày, giải nhiệt và trị mụn nhọt, tốt cho sức khỏe.
Chất Physalin F và D có hoạt chất diệt tế bào ung thư ác tính. Chất Physalin B, D, F, G tác dụng tốt trong việc ức chế sự phát triển của ký sinh trùng gây bệnh sốt rét.
Những tác dụng của cây tầm bóp:
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Tầm bóp chứa lượng vitamin C dồi dào, chất này tác dụng tốt trong việc chống lại các gốc tự do gây hại cho mạch máu. Nhờ đó nó giúp điều hòa mạch máu, hệ tim mạch khỏe mạnh, cùng với vitamin A trong cây có thể giúp kiểm soát cholesterol trong máu, giúp cải thiện bệnh lý về máu.
Hỗ trợ điều trị ung thư
Một trong những công dụng tuyệt vời của cây tầm bóp là khả năng tiêu diệt tế bào ung thư. Các thành phần trong tầm bóp, nhất là vitamin C có thể hỗ trợ điều trị ung thư khá hiệu quả nhất là ung thư về phổi, dạ dày, gan, đại tràng, vòm hầu họng.
Tốt cho mắt
Hàm lượng vitamin A trong tầm bóp tương đối dồi dào. Đây là chất đặc biệt tốt cho sức khỏe đôi mắt. Vitamin A có tác dụng ngăn ngừa khô mắt, giúp võng mạc khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể. Sử dụng tầm bóp đúng cách cũng là một giải pháp tăng cường sức khỏe của đôi mắt.
Hạ sốt, chữa cảm lạnh
Trong dân gian, tầm bóp được biết đến là bài thuốc hạ sốt cho trẻ khá hiệu quả. Cùng với đó, loại cây này cũng giàu các vitamin cần thiết cho cơ thể, tăng khả năng miễn dịch, tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng.
Ngoài ra, cây tầm bóp còn có nhiều tác dụng khác trong phòng và điều trị một số bệnh về đường tiết niệu, bệnh đường hô hấp, trị mụn nhọt.
Lưu ý, việc sử dụng cây tầm bóp làm thuốc cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, phải đúng cách và đúng liều lượng. Đặc biệt mọi người không nên nhầm lẫn cây tầm bóp với cây lu lu đực. Cây này gần giống tầm bóp nhưng lại có độc tính, chứ không có tác dụng chữa bệnh.