Từ sáng sớm ngày 13/9, nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 103 rất đông người đến để nhận diện thi thể người thân là nạn nhân vụ cháy xảy ra ở chung cư mini Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội). Lượng người đến nhà tang lễ quá đông, bệnh viện phải dựng lều bạt, kê thêm ghế để mọi người nghỉ chân trong lúc chờ đợi.
Cơ quan chức năng chụp ảnh các nạn nhân, sau đó đọc đặc điểm nhận dạng để mọi người lên quan sát. “Ai có người nhà là nạn nhân nữ, có hình xăm xin mời đứng một hàng”, giọng người đàn ông cất lên. Cùng lúc đó, rất nhiều người ra xếp hàng và nín thở chờ đợi, khoảng 10 gia đình đến nhưng không ai xác nhận đó người thân của mình. Dù vậy, những giọt nước mắt của họ vẫn lăn dài, vì họ đã đi tìm ở một vài nhà tang lễ trước đó nhưng đều không thấy.
Nhà tang lễ BV 103 dựng nhà bạt, kê ghế để người thân các nạn nhân đến nhận dạng ngồi chờ
Trong bầu không khí đau thương, bà H. (ở Quốc Oai, Hà Nội) liên tục gào khóc gọi tên con gái, khiến những người chứng kiến không thể cầm lòng. Con gái bà H. tên là D. (25 tuổi) hiện vẫn chưa nhận dạng được thi thể.
“Hôm qua 10 giờ con còn gọi điện nói chuyện với mẹ. Con nói rằng hôm nay là học buổi cuối rồi. Buổi cuối là đây sao con?”, bà H. vừa gào khóc, vừa nói.
Được biết, D. hiện đang làm việc cho một công ty nước ngoài và đang đi học nâng cao. D. học rất giỏi và ngoan ngoãn, biết lo cho gia đình. Không có gì thay đổi, tới đây D. đón em trai ở quê lên học và ở cùng, vậy mà số phận trớ trêu khi vụ hỏa hoạn xảy ra.
Một người nhà nạn nhân đang có mặt tại đây cho biết, gia đình chị có tất cả 7 người sống ở tầng 6 và tầng 8 chung cư này. Trong đó có 2 ông bà, 2 bố mẹ và 3 cháu nhỏ. Tất cả người thân của chị đều được xác định đã tử vong, nhưng mới nhận diện được 3 người, hiện đang tìm và chờ nhận diện 4 người còn lại. Dù rất đau thương nhưng gia đình vẫn phải chia nhau đi từng bệnh viện, với hy vọng nhanh chóng tìm được đầy đủ 7 người để sớm về lo hậu sự.
Khi có thông báo đặc điểm nạn nhân, người nhà sẽ đến để xác nhận xem có đúng là người thân của mình hay không
Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ những nạn nhân và những trường hợp bị ảnh hưởng do đám cháy. Bí thư Thành uỷ yêu cầu Sở Y tế, các cơ sở y tế, tập trung, cố gắng cứu chữa tối đa người bị nạn, kinh phí chữa trị do Thành phố đảm bảo.
Đối với việc hỗ trợ người bị nạn, Bí thư Thành uỷ đã chỉ đạo UBND Thành phố, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, các sở, ngành liên quan và quận Thanh Xuân phối hợp hỗ trợ ở mức cao nhất đối với những trường hợp nạn nhân, hỗ trợ tạm cư cho các trường hợp thoát nạn. Nguồn hỗ trợ lấy từ nguồn ngân sách, xã hội hóa, và nguồn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Bước đầu, đối với các trường hợp tử vong, Thành phố hỗ trợ 37.000.000 đồng/người thiệt mạng và 12.400.000 đồng/người bị thương. Riêng đối với trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em Thành phố hỗ trợ thêm: 5.000.000 đồng/trẻ bị thiệt mạng và 10.000.000 đồng/trẻ bị thương phải điều trị tại bệnh viện. Hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa khác của Thành phố, quận, phường và tổ chức đoàn thể - xã hội.
Thành phố hỗ trợ đối với sinh viên, công nhân, người lao động thuê (hoặc ở ghép tại căn hộ) hỗ trợ mỗi cá nhân 1,5 triệu/người/tháng trong 6 tháng; hỗ trợ toàn bộ chi phí tại bệnh viện đối với người bị thương trong vụ hỏa hoạn phải điều trị tại bệnh viện; hỗ trợ tiền mua sách vở, đồ dùng học tập đối với trẻ em của các gia đình trong vụ hỏa hoạn, mức 5 triệu đồng/trẻ. Đồng thời, giao chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ ổn định chỗ ở, các điều kiện sinh hoạt thiết yếu đảm bảo cuộc sống cho người dân để cuộc sống sớm trở lại bình thường.