Người càng khôn ngoan càng ít phản bác

Google News

Người có trình độ nhận thức càng cao thì càng ít khi phản bác. Họ hiểu rằng, không phải con cá nào cũng sống trong cùng một vùng biển và trên đời không có hai chiếc lá nào hoàn toàn giống nhau.

Nhà văn Trung Quốc Chu Quốc Bình từng nói: “Cách một người đối xử với những người có quan điểm khác biệt còn quan trọng hơn bản thân họ giữ quan điểm gì. Điều đó mới thực sự phản ánh mức độ văn minh của họ”.

Trên đời có một kiểu người, khi bạn nói với họ rằng mọi thứ trên đời không phải lúc nào cũng đen trắng rõ ràng, họ sẽ nhất định không đồng tình. Những người như vậy, một khi xuất hiện ý kiến khác với mình, họ sẽ lập tức phản bác ngay. Họ không thể chấp nhận sự đa dạng của thế giới này, càng không thể cảm nhận được nhiều cách suy nghĩ và nhận thức khác nhau.

Họ thích phủ nhận người khác, thích tranh cãi. Dù chuyện có nhỏ nhặt đến đâu, dù thắng cuộc cũng chẳng mang ý nghĩa gì, họ vẫn muốn phân thắng bại. Những người này không chịu thừa nhận sai lầm, càng không bao giờ xin lỗi, luôn cho rằng chỉ mình là đúng.

Họ không thể tiếp thu ý kiến và quan điểm của người khác, luôn dùng tiêu chuẩn của mình để đánh giá người khác, tùy tiện phê bình người khác. Họ không chỉ gây khó chịu mà còn bộc lộ sự thiếu hiểu biết và thành kiến ​​của chính mình.

Những người như vậy trong tâm lý học được gọi là có nhân cách phản bác. Những người có nhân cách phản bác như vậy đa phần lớn lên trong điều kiện thiếu thốn về tinh thần. Họ ít khi nhận được lời khen ngợi và tán dương khi nhỏ nên cảm thấy tự ti và thiếu an toàn từ bên trong. Khi phản bác người khác, họ cảm thấy mình mạnh mẽ hơn, vui vẻ hơn và thấy như mình được khẳng định sự tồn tại.

Ví dụ, khi bạn nói với họ về việc cần phải nỗ lực, họ lại nói về xuất thân. Khi bạn nói về tình cảm, họ lại nói về lý lẽ. Khi bạn nói một bộ phim nào đó rất hay, họ sẽ nói phim đó không có gì hay hết. Nhìn chung, họ luôn tìm cách bày tỏ ý kiến khác biệt với bạn dù là trong những chi tiết nhỏ nhặt.

Nietzsche từng có một câu nói nổi tiếng: “Đôi mắt chính là nhà tù, nơi ánh nhìn dừng lại chính là bức tường”.

Bất kể nhân cách phản bác hình thành như thế nào, nó đều cho thấy người đó có quá nhiều điểm mù trong nhận thức. Một vị giáo sư từng đưa ra ví dụ rằng:

“Một người nông dân đến thành phố không hiểu luật giao thông không phải vì họ kém mà đơn giản là họ chưa biết luật giao thông là gì. Một người thành phố về nông thôn không phân biệt được lúa mì và lúa, cũng không thể nói họ ngốc, chỉ là vì họ chưa từng tiếp xúc. Vì vậy, khi gặp người có quan điểm khác, chúng ta nên giữ tinh thần tìm kiếm sự đồng thuận, không nên tỏ ra hiểu biết hơn người”.

Những người thích phản bác luôn bám chặt vào quan điểm của mình. Họ tự hạn chế mình về phạm vi nhận thức, khiến thế giới trong mắt bản thân ngày càng thu hẹp, khó mà bao dung, thấu hiểu và đồng ý với người khác. Họ giống như con ếch dưới đáy giếng, nhận thức chỉ giới hạn ở phần miệng giếng kia; giống như con côn trùng mùa hè, chưa bao giờ thấy tuyết mùa đông. Vì vậy, nhận thức càng thấp, điểm mù càng nhiều, càng dễ bảo thủ; nhận thức càng cao, điểm mù càng ít, càng dễ tìm kiếm sự đồng thuận.

Cuộc đời này chính là quá trình tìm hiểu về trời đất, về muôn loài và về chính mình. Càng có nhiều trải nghiệm, chúng ta sẽ càng nhận ra vũ trụ bao la rộng lớn, hiểu được quy luật tự nhiên huyền bí, hiểu được sự vĩ đại của vũ trụ và sự nhỏ bé của bản thân.

Khi đã gặp gỡ muôn loài, chúng ta sẽ thấy thế giới muôn hình muôn vẻ, biết được mỗi người đều có những khác biệt, thấy được sự phồn hoa của thế giới, cũng biết những đau khổ của nhân gian. Từ đó, ta có thêm sự cảm thông và thấu hiểu, bản thân cũng trở nên khiêm tốn hơn.

Khi đã hiểu rõ về bản thân, chúng ta sẽ nhận ra bản ngã của mình, phá đi tham, sân, si, trở nên tỉnh táo hơn. Quá trình này sẽ giúp con người không ngừng nâng cao nhận thức, đón nhận bản thân, phá vỡ tư duy cứng nhắc, có một cái nhìn hoàn toàn mới về cuộc sống và thế giới.

Thế giới rộng lớn này, không phải mọi người đều có cùng trình độ nhận thức, nhưng luôn có những người không muốn tiến bộ, không muốn trưởng thành, bảo thủ, cố chấp, chỉ nhìn thấy một góc nhỏ hẹp. Ngược lại, có những người dù đã trải qua chuyện gì vẫn luôn tìm kiếm bên trong, không ngừng bồi dưỡng bản thân, khám phá trời đất, muôn loài và bản thân với sự cởi mở, từ đó có được nhận thức sâu sắc.

Người có trình độ nhận thức càng cao thì càng ít khi phản bác. Họ hiểu rằng, không phải con cá nào cũng sống trong cùng một vùng biển và trên đời không có hai chiếc lá nào hoàn toàn giống nhau.

Càng đi nhiều, càng trải nghiệm và gặp gỡ nhiều người, bạn sẽ nhận ra rằng, những người thực sự từng trải, có nhận thức cao sẽ không hay phản bác. Họ cho phép người khác được là chính họ và cũng cho phép bản thân được là chính mình.

BẢO ANH.

Bình luận(0)