Người ác tâm thích hỏi bạn 3 điều này, hãy cẩn thận

Google News

Trên đời này, tâm hại người thì không nhưng tâm phòng người thì bạn nhất định phải có. Với người thường trực 3 câu hỏi này trên môi, tốt hơn hết là bạn cần tránh xa hay chí ít là giữ khoảng cách phù hợp.

Trong công việc, ai cũng có lúc thăng lúc trầm, khi tĩnh lặng, khi sóng gió. Khi tương tác với những người khác, bạn phải có đủ ý thức lễ phép và ranh giới, biết tôn trọng quyền riêng tư của người khác, biết bảo vệ bí mật của người khác thì mới có thể chiếm được cảm tình.

Nhưng có một bộ phận người lại thích hỏi tọc mạch chuyện của người khác. Với họ, mổ xẻ chuyện của ai kia chính là niềm vui của cuộc sống.

Họ thích tò mò về sự riêng tư của người khác. Họ tin rằng, bằng cách này, họ có thể chiếm lấy đòn bẩy của người khác và kiểm soát người khác vào những thời điểm quan trọng, cho phép bản thân chủ động và khiến người khác bị động.

Người có tâm ác thích tọc mạch hỏi 3 việc này, nếu bạn gặp phải nhất định hãy cẩn thận:

1. Hỏi về hoàn cảnh gia đình của bạn

Một số đồng nghiệp rất thích hỏi về hoàn cảnh gia đình của người khác.

Ví dụ: Gia đình bạn có bao nhiêu người? Cha mẹ làm nghề gì? Bạn đang kinh doanh thêm không hay đi làm thôi? Thu nhập là bao nhiêu? Mua được mấy ngôi nhà và bao nhiêu chiếc ô tô rồi? Mối quan hệ với cha mẹ thế nào?...

Khi những chi tiết này bị đối phương nắm bắt, bạn sẽ tự đặt mình vào thế bị động. Nếu bạn xuất thân từ một gia đình tốt, đối phương sẽ yêu cầu bạn chiêu đãi mọi lúc, thậm chí gài để bạn phải chiêu đãi cả công ty, thậm chí sau lưng bàn tán với đồng nghiệp rằng bạn vào công ty này, được như ngày hôm nay đều là nhờ quan hệ. 

Nếu gia thế của bạn không tốt, đối phương sẽ đem chuyện đi công khai khắp nơi. Thấy mọi người nhìn bạn với ánh mắt xa lạ, bạn sẽ dễ trở nên tự ti và mất niềm tin vào khả năng cũng như chính mình.

Dù là thế nào, bạn cũng sẽ bị dẫn đến tình huống xấu. Nếu bạn nói dối về gia cảnh của mình, điều đó cũng có thể để lại cho bạn những nguy hiểm tiềm ẩn, sau này dễ bị vạch trần là kẻ không trung thực.

Những người có trí tuệ cảm xúc thực sự sẽ tôn trọng quyền riêng tư của người khác, không tò mò quá nhiều vào cuộc sống của người khác và sẽ không bao giờ hỏi bạn những câu hỏi này. Chỉ có những kẻ có ác ý, ác tâm mới tìm mọi cách để theo dõi bạn. Gặp phải người như vậy thì tốt nhất bạn nên từ chối, tốt nhất là đừng nói gì cả.

Trong xã hội, bạn cần nhạy bén nhận ra những nguy cơ mình dễ gặp phải, bảo vệ sự riêng tư của bản thân và giữ khoảng cách thích hợp với những người như vậy. Đó là cách để bảo vệ chính mình.

2. Hỏi về kế hoạch làm việc của bạn

Mọi người đều có kế hoạch làm việc và con đường cho sự nghiệp của riêng mình. Ở nơi làm việc, khi việc ăn cắp ý tưởng ngày càng trở nên phổ biến hơn thì bảo vệ kế hoạch làm việc thực chất là bảo vệ chính bạn.

Khi đối phương hỏi về kế hoạch làm việc của bạn và bạn dễ dàng nói ra sự thật không chút do dự, bạn sẽ chết lặng khi đối phương nói với sếp về kế hoạch, suy nghĩ của bạn nhưng lại nhận là công của mình. 

Thứ bạn cần bảo vệ không chỉ là quyền riêng tư của bản thân mà còn là những suy nghĩ trong đầu. Đây chính là vũ khí thần kỳ mà bạn dựa vào để tồn tại và ngăn chặn đối phương giáng cho bạn một đòn chí mạng.

Ở nơi làm việc, nhất định không được hồn nhiên như chú thỏ trắng nhỏ. Trên đời này có rất nhiều người tốt và chân thành, nhưng cũng có rất nhiều người thích mưu mô, trộm cắp thành quả lao động của người khác. Đừng quá tốt bụng và không biết cách từ chối người khác.

Như người ta vẫn nói, tâm hại người thì không nhưng tâm phòng người nhất định phải có. Trong giao tiếp giữa các cá nhân, việc thận trọng luôn là điều đúng đắn, đừng lo lắng rằng sự từ chối của mình sẽ làm tổn thương người khác. Hãy bảo vệ thành quả lao động của mình và đừng để những kẻ có ác tâm lợi dụng bạn.

3. Hỏi quan điểm của bạn về khả năng của lãnh đạo

Trong trường hợp này, đối phương liên tục hỏi suy nghĩ của bạn về khả năng của lãnh đạo mình. Nếu bạn không hiểu rõ suy nghĩ của người khác và nói nhiều điều không hay về lãnh đạo, một khi người kia chuyển những lời này tới cấp trên, không khí nơi làm việc sẽ rất khó xử, thậm chí khó có thể ở lại công ty.

Những người làm điều này rõ ràng là ghen tị với tài năng của bạn và nghĩ rằng bạn là đối thủ trong sự nghiệp của họ. Vì vậy, việc họ đang làm chính là tìm cách để tống bạn đi và hỏi về quan điểm của bạn về cấp trên chính là một trong số đó. 

Khi gặp vấn đề như vậy, bạn có thể "đá bóng" lại và hỏi xem đối phương nghĩ gì, có thể khen ngợi người lãnh đạo chứ đừng bao giờ nói xấu cấp trên trước mặt đồng nghiệp. Người có tâm ác rất ích kỷ. Họ luôn nhìn vấn đề theo lợi ích của bản thân và làm những việc có lợi cho mình, sẵn sàng gây tổn hại cho người khác.

Họ không có nguyên tắc hay điểm mấu chốt trong cuộc sống. Họ giỏi đổ lỗi cho người khác về các vấn đề và chạy nhanh hơn bất kỳ ai khác. Những người này thường gieo rắc sự bất hòa giữa các đồng nghiệp và giữa lãnh đạo với nhân viên.

Những người như vậy thực sự có tâm ác. Nếu bạn thành thật với họ, bạn đang tạo cơ hội cho đối phương làm tổn thương mình.

Khi đối phương hỏi bạn 3 câu hỏi trên đây, bạn cũng có thể giả vờ và cố đánh lừa họ. Hy vọng bạn sẽ không trở thành con tốt bị người khác lợi dụng. Đừng tùy ý nói cho người khác biết những điều trên. Hãy cẩn thận và cũng đừng vạch trần những người thích hỏi bạn các câu đó, nên tránh xa hoặc ít nhất là giữ khoảng cách phù hợp.

BẢO ANH.

Bình luận(0)