Người dân sông nước miền Tây thường có câu: “Là dân miền tây, không ai mà không biết đến ốc Đắng”. Ốc Đắng được coi như một thức quà dành cho người dân sông nước. Tuy không phải là món cao lương mĩ vị nhưng nó lại là thức quà mà không ít người con miền Tây xa quê thấy nhớ. Chính vì vậy, ốc đắc được coi là đặc sản nổi tiếng tại vùng sông nước nơi đây.
Ốc đắng là loài ốc nước ngọt có mình tròn, thân ốc xoăn màu nâu sẫm. Ốc có khá nhiều thịt và thường xuất hiện quanh năm tại các ao hồ sông rạch nơi đồng bằng miền Tây.
Ốc đắng có kích thước nhỏ và dễ chế biến thành nhiều món ngon. Thịt ốc đắng có mùi vị riêng khi nhai cảm thấy được độ ngọt và rất thơm.
Ốc đắng được chế biến thành nhiều món ăn đa dạng như ốc chấm mẻ, ốc đắng kho sả ớt, ốc đắng kho dừa hay gỏi ốc đắng trộn bắp chuối.
Những món ngon từ ốc đắng khiến nhiều người mê mẩn. Hương vị thơm ngon béo ngậy từ thịt ốc dai ngon ngọt đã biến loài ốc này được xem là sản vật trời cho người dân miền Tây sông nước.
Mấy năm trở lại đây ốc đắng được nhiều người ưa chuộng tìm mua để thưởng thức. Giá bán ốc đắng trên thị trường dao động từ 80-130 nghìn đồng/kg tùy vào thời điểm.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước, để bắt ốc đắng ông dùng vỏ bao xi măng rửa sạch và cột vào gạch ống thả dài theo các đoạn kênh rạch.
Bằng phương pháp bắt ốc đơn giản cùng vài miếng bao xi măng cắt nhỏ, một đoạn dây và vài viên gạch ống, mỗi ngày ông hiếu có thể bắt được khoảng vài chục kg ốc đắng. Số lượng bắt được ông mang giao cho các thương lái, nhà hàng quán ăn và có ngày thu nhập lên đến cả triệu đồng.
Ốc đắng sau khi bắt về thường dính nhiều bùn đất nên cần phải được rửa sạch. Cần đem ngâm vài giờ để ốc nhả hết bùn và chất nhớt.
Bắt ốc xưa nay được xem là nghề tay trái của người dân sông nước miền Tây. Tuy nghề này, làm chơi ăn thật có thể giúp các gia đình có nguồn thu ổn định và cải thiện thu nhập mỗi ngày.