Củ nưa còn có tên gọi khác là khoai nưa, thuộc họ ráy, có nguồn gốc từ Đông Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đông Nam Á. Ở nước ta, loại cây này được các dân tộc ở vùng Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang… trồng từ lâu đời. Hiện nay, nhiều vùng nông thôn cũng trồng để lấy củ ăn hoặc làm vị thuốc chữa bệnh.
Được biết, củ khoai nưa có nhiều tinh bột mịn, ăn ngon hơn sắn nên trước đây người dân trồng nhiều để lấy củ làm lương thực ăn thay cơm. Phần bẹ lá nấu canh hay muối chua để dành làm thức ăn như dưa muối trong những tháng thiếu rau xanh hoặc mưa lũ.
Củ khoai nưa có hình dạng hơi tròn hoặc dẹt, với lớp vỏ ngoài màu nâu đen và ruột trắng hoặc hơi vàng. Hiện nay trong ẩm thực, khoai nưa chủ yếu được xay thành bột để làm nguyên liệu cho nhiều món ăn ít calo như mì shirataki, thạch và các sản phẩm chay.
"Trước đây ở quê tôi nhà nào cũng trồng cây nưa, vừa thu hoạch củ vừa thu hoạch lá. Phần bẹ của cây nưa còn gọi là chột nưa. Mỗi cây nưa từ khi bắt đầu thu hoạch đến khi nhổ củ thì lấy được tất cả 3 cái chột. Ngày xưa chột nưa thường là thức ăn của người nghèo nhưng nay là món ăn ngon của nhiều người.
Còn củ nưa để luộc ăn thay cơm vì có nhiều tinh bột. Hiện nay củ nưa có giá trị kinh tế nên nhiều người mở rộng mô hình trồng", anh Thành (ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) chia sẻ.
Anh Thành nói thêm, khoai nưa cần được thu hoạch sớm khi chưa già, lúc này khoai thường bở và ít ngứa hơn. Củ sau khi thu hoạch được cạo sạch vỏ, đồ chín phơi hay sấy khô, khi dùng ngâm cho mềm, thái mỏng rồi ngâm nước phèn chua và gừng, sao cho thơm và hết ngứa. Củ muốn ăn được phải chế biến nấu với vôi cho hết chất ngứa.
Theo anh Thành, cây nưa hầu như không bỏ thứ gì cả. Khi thu hoạch chột nưa, lá được bứt cho lợn ăn, củ nưa ngoài chọn những củ to làm giống thì số còn lại làm thực phẩm hoặc bán cho các nơi sản xuất bánh kẹo… Củ nưa có thể để từ 2-3 năm, nhưng nên thu hoạch củ tốt nhất sau trồng 1 hoặc 2 năm sẽ cho chất lượng tốt nhất. Khi thấy phần lá ngả vàng, cây lụi lần là lúc thu hoạch củ để bán ra thị trường.
Cây nưa trồng trên đất cát lại có nhiều củ hơn. Không cần phân bón, hóa chất, cây nưa vẫn sinh trưởng phát triển tốt. Nếu trồng trên đất tốt, được bón nhiều phân, củ có thể nặng tới 5-6kg, thậm chí có củ nặng tới 10kg. Giá củ nưa bán thô là 8.000 - 15.000 đồng/kg. Khi chế biến thành sản phẩm, giá bột tinh khiết cho từ 180.000 đến 260.000 đồng/kg.
Bột nưa có thể pha với nước dừa tươi hoặc sữa, chanh trở thành thức uống. Hoặc khuấy chín để ăn, sử dụng như một nguyên liệu để làm bún, mì, trân châu... Người ăn kiêng, giảm béo cũng hay dùng bột nưa vì có nhiều chất xơ, không có nhiều calo.
Ở An Giang, bột thu từ củ nưa được dùng làm đồ uống, bánh và mì sợi. Tại tỉnh Trà Vinh, nhiều người dân đã trồng nưa cùng mía và lúa để tăng thêm thu nhập.