Nách sưng đau đi khám, cô gái ở Bắc Ninh bàng hoàng khi phát hiện u hiếm gặp ở tuổi 33

Google News

Bị đau nách một thời gian dài nhưng đi khám không ra bệnh, đến khi hạch viêm và sưng to mới được chẩn đoán bị u hiếm gặp.

Hơn một năm nay, chị N.Q.A (33 tuổi, Bắc Ninh) xuất hiện tình trạng đau ở vùng nách, đi khám nhiều nơi ở địa phương được chẩn đoán hạch viêm phản ứng nên không điều trị gì. Gần đây, nách chị A sưng to, sờ thấy khối có kích thước bằng quả chanh nên lo lắng và về Hà Nội thăm khám.

Qua thăm khám, khối ở vùng nách bệnh nhân to, đau, nề đỏ, rò dịch hồng nên được chỉ định làm các xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cần thiết. Kết quả xét nghiệm có máu lắng 2h tăng, nồng độ CRP tăng cao (gợi ý cơ thể xuất hiện tình trạng viêm nhiễm cấp).

Siêu âm phần mềm hố nách trái cho thấy, có hạch hố nách trái, theo dõi viêm áp xe. Các bác sĩ sau đó đã hội chẩn và quyết định sẽ chụp cộng hưởng từ, sau đó sinh thiết để làm giảu phẫu bệnh cho bệnh nhân. Sau khi có kết quả, bệnh nhân tiếp tục được làm xét nghiệm chuyên sâu là nhuộm hóa mô miễn dịch.

Kết quả, bệnh nhân được chẩn đoán bị u lympho tế bào lớn bất thục sản, ALK dương tính (Anaplastic large cell lymphoma, ALK positive). Khi biết mắc khối u hiếm gặp, chị Q vô cùng bàng hoàng và suy sụp, không nghĩ rằng bản thân tuổi còn trẻ mà đã mắc bệnh nan y. Bệnh nhân sau đó được chuyển lên tuyến trên để tiếp tục được điều trị chuyên sâu.

Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Thái Thị Hồng Nhung – Chuyên gia giải phẫu bệnh cho biết, trường hợp của bệnh nhân N.Q.A, nếu chỉ dựa vào thăm khám lâm sàng và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thì đang nghĩ đến áp xe và thực hiện dẫn lưu thông thường sẽ làm bỏ sót bệnh lý nguy hiểm.

Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, trong quá trình dẫn lưu, ê-kíp bác sĩ đã nhanh chóng lấy hết tổ chức mủn, hoại tử và các tổ chức hạch xung quanh làm giải phẫu bệnh. “Chính nhờ tiêu chuẩn “vàng” này giúp phát hiện ra loại u lympho, từ đó đánh giá thêm các tiêu chí giai đoạn, các yếu tố tiên lượng để có phác đồ điều trị chính xác cho bệnh nhân”, bác sĩ Nhung chia sẻ.

Bác sĩ Nhung cho biết, hiện tỉ lệ mắc ung thư tại Việt Nam đang gia tăng, đa số các bệnh ung thư diễn biến thầm lặng, không có triệu chứng rõ ràng, hoặc dấu hiệu không đặc trưng khiến người bệnh chủ quan. Khi xuất hiện triệu chứng, đi khám bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn, di căn, gây tốn kém chi phí chữa trị, thậm chí đe dọa sự sống của người bệnh.

Với những tiến bộ của nền y khoa hiện đại đã có ra đời nhiều phương pháp, kỹ thuật chẩn đoán hiện đại giúp phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp sớm các bệnh lý nói chung, bệnh lý ung thư nói riêng.

Theo bác sĩ Nhung, để chẩn đoán sớm ung thư cần dựa vào kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh (chụp X-quang, siêu âm, CT, MRI) và tế bào học, mô bệnh học. Trong đó, giải phẫu bệnh được ví như “cuộc cách mạng” trong chẩn các bệnh lý ung thư ngay ở giai đoạn mầm mống.

Giải phẫu bệnh là phương pháp chẩn đoán bệnh dựa trên sự phân tích các mẫu bệnh phẩm là mô, tế bào của các cơ quan trong cơ thể được sinh thiết trong quá trình nội soi, sinh thiết kim hoặc trong quá trình phẫu thuật và được bác sĩ chuyên khoa giải phẫu bệnh phân tích dưới kính hiển vi. Kết quả sau khi phân tích biết được chính xác bản chất của vùng tổn thương hay khối u”, bác sĩ Nhung phân tích.

Các xét nghiệm giải phẫu bệnh được dùng phổ biến hiện nay gồm xét nghiệm mô bệnh học, xét nghiệm tế bào học, xét nghiệm hóa mô miễn dịch và xét nghiệm sinh thiết tức thì.

Kết quả giải phẫu bệnh là đưa ra bằng chứng về mặt y học cho tổn thương/ bệnh lý. Do vậy, tất cả các cơ quan có tổn thương về thực thể (thay đổi về tế bào, mô) đều cần gửi giải phẫu bệnh để xác định bản chất tổn thương và có bằng chứng y học.

LÊ PHƯƠNG.

Bình luận(0)