Tôi tự nhận mình là một người khó tính, ưa sạch sẽ, gọn gàng nên luôn chăm sóc cho tổ ấm của mình từ góc nhỏ nhất. Chính vì thế khi bố chồng chuyển đến ở cùng, tôi cảm thấy rất khó chịu.
Bố chồng bừa bộn, phòng ông lúc nào cũng trong tình trạng lộn xộn. Quần áo vứt bừa bãi, giường chiếu không khi nào dọn dẹp, thỉnh thoảng còn có rác rưởi trên sàn nhà. Thậm chí, ông đi vệ sinh xong không xả bồn cầu, lấy cái gì xong cũng bày ra đó không dọn.
Tôi đã nhiều lần cố gắng trò chuyện với bố chồng, mong ông thay đổi thói quen sinh hoạt nhưng ông lại không mấy quan tâm và cho rằng tôi khó tính quá, đang làm quá vấn đề lên. Điều này khiến tôi rất bất lực và bức bối, khi mà những nỗ lực của mình trong việc giữ gìn vệ sinh nhà cửa bị phá hỏng bởi thói quen sống bừa bộn của ông.
Sự lo lắng và cảm giác bất lực trong lòng bà Li ngày càng gia tăng. Tôi nhờ chồng khuyên nhủ bố, hy vọng ông có thể thay đổi thói quen sống. Nhưng anh cũng chẳng để tâm, chỉ an ủi tôi vài câu lấy lệ.
Thất vọng, tôi bắt đầu suy nghĩ về việc có nên để bố chồng chuyển ra ngoài sống một mình hay không. Nhưng tôi lại lo lắng ông sẽ cảm thấy cô đơn. Điều này khiến tôi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, không biết phải làm sao.
Tôi rất khó chịu trước thói quen sống bừa bộn của bố chồng. (Ảnh minh họa)
Trong lúc đang bối rối, một sự cố không thể chấp nhận lại xảy ra. Hôm đó, khi đang nấu ăn trong bếp, tôi bỗng nghe thấy tiếng động lạ từ phòng khách, như có thứ gì đó rơi xuống đất. Tôi vội vàng bỏ chảo xuống và chạy ra thì thấy bố chồng đứng giữa phòng khách, mặt mày ngượng ngùng nhìn vũng nước dưới chân. Hóa ra, ông đã vô tình làm đổ cốc nước khi đang uống.
- Bố, sao bố lại bất cẩn như vậy?
Tôi nhanh chóng lấy chổi lau nhà để dọn dẹp. Nhưng bố chồng vẫn đứng đó, miệng lẩm bẩm:
- Tôi già rồi, tay chân không còn linh hoạt như trước nữa.
Sự khó chịu lại trỗi dậy trong lòng, tôi không kìm được mà than thở vài câu. Tuy nhiên, bố chồng vẫn tỏ ra thờ ơ, quay lưng bước về phòng và lẩm bẩm:
- Cô chỉ là một bà nội trợ, việc dọn dẹp là của cô mà. Tôi là một ông già, cô muốn tôi chú ý thế nào?
Cảm giác như bị đả kích nặng nề, tôi nhận ra rằng mọi nỗ lực và sự quan tâm của mình đều bị bố chồng xem nhẹ. Không thể kiềm chế được nữa, tôi rưng rưng nước mắt. Tôi quyết định không thể tiếp tục sống trong tình trạng này, và cần phải có hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn thói quen sống bừa bộn, mất vệ sinh của bố chồng để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của cả gia đình.
Tôi nói chuyện với bố chồng bằng giọng điệu kiên quyết:
- Bố, con không thể tiếp tục như thế này. Những việc bố làm khiến con rất khó xử và ảnh hưởng đến cả gia đình. Bố hãy về nhà mình trước, khi nào thay đổi được những thói quen này thì hãy quay lại sống cùng chúng con.
Bố chồng ngỡ ngàng, không ngờ tôi lại nói thẳng như vậy. Ông đứng đó, lúng túng và ánh mắt đầy sự ngạc nhiên và khó hiểu. Sau đó, ông thu dọn một ít hành lý và lặng lẽ rời đi. Nhìn theo bóng dáng bố chồng khuất dần, trong lòng tôi có nhiều cảm xúc lẫn lộn.
Tôi vừa thở phào nhẹ nhõm, vừa cảm thấy tiếc nuối và có chút áy náy. Tôi hiểu rằng việc này có thể khiến ông cảm thấy cô đơn và tủi thân, nhưng nếu không thay đổi tình hình, chất lượng cuộc sống của cả gia đình tôi sẽ ngày càng tệ, những bức bối trong lòng tôi ngày càng chất chồng.
Tuy tôi đã nhiều lần góp ý nhưng bố chồng vẫn không thay đổi thói quen sống. (Ảnh minh họa)
Sau khi bố chồng rời đi, tôi bắt đầu dọn dẹp phòng của ông. Khi mở cửa, một mùi hôi thối xộc vào mũi khiến tôi nhăn mặt, nhưng tôi vẫn bước vào. Căn phòng bừa bộn với quần áo, sách vở và đồ đạc vứt lung tung, giường chiếu thì lộn xộn. Tôi cầm chổi quét dọn nhưng trong lòng không khỏi nghĩ về những khó khăn mà bố chồng đã trải qua trong những năm sống một mình, khiến tôi cảm thấy chua xót.
Trong lúc dọn dẹp, tôi phát hiện một cuốn album cũ kỹ trong ngăn kéo của tủ đầu giường. Tò mò, tôi mở ra và thấy bên trong là những bức ảnh thời trẻ của bố chồng. Có những bức ảnh chụp cùng vợ, cùng con trai, và những khoảnh khắc đời thường khác.
Người đàn ông trong những bức ảnh tràn đầy sức sống, nụ cười hạnh phúc trên gương mặt, hoàn toàn khác biệt với hình ảnh lôi thôi của ông hiện tại. Ngồi lật giở những trang album ảnh đã ngả màu theo thời gian, mặt tôi tối sầm lại ở trang cuối của cuốn album.
Trong đó có đôi dòng bố chồng viết cho người vợ quá cố của ông”
“Bà à, tôi không biết dọn tới cùng các con là đúng hay sai nữa. Chúng nó ngày nào cũng bận rộn công việc, chẳng nói chuyện với tôi được mấy câu. Tôi cảm thấy mình như người thừa trong nhà vậy”
“Từ khi tôi ở bừa bộn, con dâu nói nhiều thêm với tôi được mấy câu. Tuy là lời phàn nàn, nhưng phía sau nhưng lời đó là sự quan tâm của con với sức khỏe của tôi”….
Nước mắt tôi không kìm được mà rơi xuống, khi nhận ra rằng những thói quen không sạch sẽ của ông không chỉ là sự lơ là, mà còn là ông sợ cô đơn, muốn tìm kiếm sự chú ý của con cái.
Tôi nhớ lại những ngày đầu bố chồng chuyển đến sống cùng gia đình, ông thường ngồi lặng lẽ trong góc phòng, ánh mắt đầy nỗi buồn và sự bất lực. Cảm giác tội lỗi tràn ngập trong lòng, tôi cảm thấy mình đã quá nóng vội và không hiểu cảm xúc của bố chồng.
Sáng hôm sau, tôi quyết định tìm gặp bố chồng xin lỗi:
- Bố, hôm qua con đã quá nóng nảy, mong bố đừng giận. Con hiểu rằng sống một mình thật không dễ dàng, từ nay con sẽ dành nhiều thời gian bên bố hơn, chúng ta cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, hãy cố gắng làm cho ngôi nhà trở nên sạch sẽ và gọn gàng được không bố? Khi bố rảnh, con sẽ đưa bố đi dạo, thăm thú nhiều nơi.
Ông ngạc nhiên một chút, rồi gật đầu, đôi mắt cũng rưng rưng. Từ đó, mối quan hệ giữa tôi và bố chồng trở nên gần gũi hơn. Mỗi ngày, tôi đều dành thời gian trò chuyện và giúp bố dọn dẹp, và dần dần, ông cũng đã thay đổi thói quen không sạch sẽ của mình. Ngôi nhà lại trở về với không khí ấm cúng và gọn gàng như xưa, trong lòng tôi tràn đầy hạnh phúc và thỏa mãn.
Qua chuyện này, tôi hiểu rằng, để giải quyết những mâu thuẫn trong gia đình, cần có sự giao tiếp và thấu hiểu chân thành.