Ai cũng muốn sống lâu, nhưng bí quyết trường thọ là gì? Thực ra, bí quyết nằm ở thói quen sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Trang tin Health Times đã tổng hợp lại những lời khuyên của các bác sĩ và đưa ra quy tắc giúp sống thọ đó là "một nhẹ, hai trắng, ba tốt, bốn không".
Một nhẹ - chế độ ăn thanh đạm
Con người hiện nay về cơ bản là thích ăn mặn, cay và các vị nồng đậm khác, dẫn đến các bệnh mãn tính như “ba cao” (huyết áp cao, mỡ máu cao, đường huyết cao) ngày càng nhiều. Nếu bạn muốn sống lâu, điều đầu tiên bạn cần xem xét là chế độ ăn uống mỗi ngày và việc ăn thanh đạm có lợi nhất.
Zhao Yan, phó giám đốc khoa dinh dưỡng của Bệnh viện Qilu thuộc Đại học Sơn Đông, Trung Quốc đã chỉ ra rằng chế độ ăn thanh đạm không có nghĩa là chỉ ăn rau, không ăn thịt mà là ăn đa dạng hóa các thực phẩm chẳng hạn như các loại ngũ cốc, khoai tây, rau, trái cây, các sản phẩm từ đậu nành... Ngoài ra, cá, thịt nạc, trứng, sữa, thực phẩm giàu protein chất lượng cao nên ăn với lượng vừa phải. Lưu ý tất cả những món ăn này chỉ nên nêm nếm vừa đủ, không quá đậm vị.
Hai nên - uống nước lọc và ngủ trưa
1. Uống nước lọc
Năm 2013, Cục Nội chính tỉnh Giang Tô, Văn phòng Lão hóa, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và Hiệp hội Người cao tuổi đã công bố "Báo cáo điều tra về những người trăm tuổi ở tỉnh Giang Tô".
Báo cáo khảo sát cho thấy hơn 70% người sống trăm tuổi thích uống nước, hầu hết họ có thói quen uống nước vào buổi sáng và gần 90% trong số họ thường uống nước lọc.
Giáo sư Li Fuxing của Viện Nước uống vì Sức khỏe Cộng đồng Bắc Kinh cho biết uống 6 cốc nước hay thậm chí 8 cốc nước thực chất chỉ là lượng nước tối thiểu cần uống. Mỗi người tùy thuộc vào sức khỏe mà cần lượng nước khác nhau. Điều cần lưu ý là đừng đợi khát mới uống nước, bởi lúc này cơ thể đã bị tổn thương, nên tích cực bổ sung nước trong suốt cả ngày.
Đặc biệt đối với người cao tuổi, do các chức năng trong cơ thể suy giảm nên ít khi cảm thấy khát nước, cần chủ động bổ sung nước, đặc biệt uống đủ lượng nước trước khi ăn vào buổi sáng là đặc biệt quan trọng.
2. Ngủ trưa mỗi ngày
Duy trì thói quen nghỉ trưa mỗi ngày không những duy trì được nguồn năng lượng dồi dào mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Một nghiên cứu năm 2019 được công bố trực tuyến trên tạp chí Heart cho thấy những người thỉnh thoảng chợp mắt buổi trưa (một hoặc hai lần một tuần) ít có khả năng bị đột quỵ/suy tim hơn những người hoàn toàn không ngủ trưa.
Cần lưu ý rằng thời gian ngủ trưa không nên quá dài. Buổi trưa chỉ nên chợp mắt nửa tiếng rất tốt cho việc hồi phục thể chất và tinh thần.
Ba tốt - thái độ tốt, vóc dáng tốt, giấc ngủ tốt
1. Thái độ tốt
Tâm trạng không tốt thì mọi việc giữ gìn sức khỏe đều vô ích. Rất nhiều bệnh có liên quan đến yếu tố tinh thần, tinh thần không tốt sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa sinh hóa của cơ thể và làm suy giảm chức năng miễn dịch.
Có một sự thật là người có tâm tính tốt sống lâu hơn. Một nghiên cứu mới trên tạp chí khoa học PNAS phát hiện ra rằng những người lạc quan có nhiều khả năng sống lâu và trường thọ, đạt đến 85 tuổi hoặc hơn thế nữa. Trong số đó, nhóm lạc quan sống lâu hơn khoảng 10% so với nhóm không lạc quan.
Những người có tư duy tích cực có nhiều khả năng điều chỉnh cảm xúc và định hướng hành vi của họ, đồng thời phục hồi hiệu quả hơn sau căng thẳng và áp lực. Hơn nữa, nếu một người luôn giữ thái độ lạc quan, tích cực thì sẽ dễ thoát khỏi phiền não, áp lực tâm lý được giải tỏa.
2. Vóc dáng tốt
Duy trì một vóc dáng cơ thể tốt là rất quan trọng đối với sức khỏe và tuổi thọ. Chen Wei, Phó Giám đốc Khoa Dinh dưỡng Lâm sàng của Bệnh viện Đại học Y Liên minh Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết béo phì từ thời thơ ấu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn trong tương lai.
Chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bệnh gút và các bệnh chuyển hóa khác, bệnh đường hô hấp, bệnh tim mạch và mạch máu não, bệnh hệ tiêu hóa... đều có liên quan tới béo phì. Hơn nữa, một nghiên cứu trên tạp chí Quốc tế về Ung thư năm 2018 đã phát hiện ra béo phì làm tăng nguy cơ mắc 18 bệnh ung thư, bao gồm ung thư nội mạc tử cung và ung thư biểu mô tuyến thực quản.
3. Ngủ ngon
Nếu bạn muốn sống lâu, bạn không thể không ngủ đủ giấc. Vào tháng 10 năm 2020, Ủy ban Y tế và Sức khỏe thành phố Hàng Châu đã công bố dữ liệu về những người trăm tuổi ở Hàng Châu, cụ bà Lu Rongyu, sinh tháng 7/1911, là cụ già cao tuổi nhất ở Hàng Châu. Nói về bí quyết trường thọ, bà Lu cho biết, hãy đi ngủ sớm.
Trên thực tế, đi ngủ sớm và dậy sớm có rất nhiều lợi ích: tăng khả năng miễn dịch, giảm nguy cơ ung thư, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giảm khả năng trầm cảm...
Bốn không - Từ bỏ bốn thói quen sống xấu
1. Không hút thuốc
Nếu bạn muốn sống lâu và khỏe mạnh, điều đầu tiên cần làm là bỏ thuốc lá. Những người không hút thuốc cũng nên cảnh giác tình trạng hút thuốc lá thụ động.
Các nghiên cứu đã tìm được đủ bằng chứng cho thấy hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi, khối u ác tính ở miệng và vòm họng, ung thư thanh quản, ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư gan, tuyến tụy, ung thư thận, ung thư bàng quang và ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng, ung thư vú và bệnh bạch cầu cấp tính.
2. Không uống rượu
Nếu bạn muốn sống lâu hơn, bạn phải bỏ rượu.
Vào tháng 8 năm 2018, tạp chí y khoa hàng đầu The Lancet đã đăng một bài báo chỉ ra rằng uống rượu đã trực tiếp dẫn đến cái chết của 2,8 triệu người trên toàn thế giới và mức uống an toàn nhất là 0, tức là không uống có lợi cho sức khỏe.
Vào tháng 4 năm 2019, The Lancet đã xuất bản một bài báo nữa cho biết sau 10 năm nghiên cứu theo dõi 510.000 người trưởng thành ở Trung Quốc, người ta thấy rằng cứ tăng 40 gam mức tiêu thụ rượu trung bình hàng ngày thì nguy cơ đột quỵ tăng 35%. Ở nam giới, uống rượu có liên quan đến 8% nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ và 16% nguy cơ đột quỵ do xuất huyết.
3. Ngồi quá lâu
Ngồi lâu sẽ dẫn đến máu lưu thông kém, rất có thể sẽ tích tụ ở vị trí thấp nhất của cơ thể con người. Ung thư ruột kết là một căn bệnh xuất phát từ việc ngồi quá lâu và thường xuyên.
Wang Wenling, phó giám đốc khoa Ung thư ổ bụng của Bệnh viện Ung thư Quý Châu, Trung Quốc chỉ ra rằng nếu đường ruột ở trong tình trạng ứ máu trong thời gian dài, sẽ xảy ra các vấn đề về trao đổi chất, nhu động ruột sẽ trở nên chậm chạp, các thành phần có hại trong phân sẽ lưu lại trong ruột kết, dễ gây ung thư.
Những người thường xuyên phải ngồi, cứ sau 1 tiếng nên đứng dậy một lần khoảng 2-3 phút bằng cách đứng dậy rót một cốc nước, đi vòng quanh hành lang, đi vệ sinh.
4. Không làm việc quá sức
Ngày nay, nhịp sống xã hội ngày càng nhanh, ngày càng có nhiều người làm thêm giờ, thức khuya, làm việc căng thẳng, có người làm việc cả ngày không nghỉ. Tuy nhiên, làm việc quá sức trực tiếp làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể.
Vì vậy, hãy chú ý kết hợp giữa làm việc và nghỉ ngơi, ngoài công việc ra nên nghỉ ngơi hợp lý. Hãy nghỉ ngơi ngay lập tức nếu bạn cảm thấy mệt mỏi.