Lấy chồng xa nhà hơn 100 cây số, chồng thường xuyên đi làm công trình xa nên ở nhà chỉ có tôi và bố mẹ chồng sống chung. Bố mẹ chồng tôi hàng ngày cũng đi làm cho một xưởng nhựa gần nhà, sáng trưa tối vẫn ăn cơm nhà. Còn tôi xin được việc trong một cơ quan tại quê chồng, công việc nhàn nhã nhưng lương rất thấp.
Từ sau đám cưới, vợ chồng tôi ở chung với bố mẹ. Có con dâu nên việc chợ búa, cơm nước trong nhà bố mẹ chồng giao hết cho tôi. Hàng ngày tôi dậy sớm nấu bữa sáng, sau đó nấu bữa trưa sẵn cho cả nhà. Chiều đi làm về, tôi lại nấu cơm tối cho 3 người.
Mang thai nhưng chồng thường xuyên đi làm xa nên tôi ở nhà cùng bố mẹ chồng và được giao nấu nướng hàng ngày. (Ảnh minh họa)
Dù cuộc sống nhà chồng không phải là quá khó khăn về kinh tế nhưng tính bố mẹ rất tiết kiệm. Mỗi tháng con dâu đang bầu cháu đích tôn nhưng ông bà chỉ đưa cho 3 triệu tiền ăn để nấu cho 3 người. Họ bảo khi chưa có con dâu, mẹ chồng chỉ chi tiêu không hết 2 triệu đồng cho khoản này. Vì thế con dâu liệu đường mà tự chi sao cho hợp lý.
Dù đã cố gắng hết mức nhưng có những hôm đi chợ, tôi vẫn chi tiêu vượt quá số tiền trên. Tôi đã nói sẽ tự bù thêm nhưng bố mẹ chồng nhất quyết không nghe:
“Ở quê mọi thứ còn rẻ, đời sống không quá cao nên con chỉ được tiêu 3 triệu tiền ăn/tháng thôi. Số tiền còn lại còn phải để tiết kiệm để ít nữa sinh con. Giờ bầu bí cũng không phải ăn uống tẩm bổ gì đâu, cứ ăn như bình thường”.
Theo như mẹ chồng tôi, khi mang thai không phải uống bổ sung các loại vitamin này kia cho phí tiền. Bởi sắt, canxi, axit folic, DHA, vitamin… đều có hết trong những thực phẩm ăn uống hàng ngày rồi. Bà bảo bổ sung nhiều chỉ khiến con to nhanh rồi phải sinh mổ tổn hại đến sức khỏe. Do đó, tôi không cần phải tẩm bổ gì, cứ ăn uống bình thường và cũng không cần phải uống sữa bầu.
Mẹ chồng đã nói vậy nên tôi buộc phải nghe theo lời. Dù đang bầu bí nhưng tôi chẳng khác gì người bình thường. Trộm vía con trong bụng vẫn phát triển tốt.
Nhưng nhiều lần thăm khám thai kỳ, tôi hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ vẫn bảo ngay cả khi ăn một chế độ ăn siêu lành mạnh, các bà bầu vẫn cần bổ sung vitamin. Điều này khiến tôi lo lắng, hoang mang nên vẫn lén lút mua các loại thuốc, vitamin cho mẹ bầu về uống để 2 mẹ con không thiếu hụt dưỡng chất.
Đặc biệt, quán triệt lời mẹ chồng dạy, hàng ngày tôi bắt đầu lên kế hoạch đi chợ chỉ mua đúng 100 ngàn tiền thức ăn cho nhà 3 người lớn. Để chi tiêu đủ 3 bữa với số tiền ăn eo hẹp này, thực đơn mỗi bữa của tôi thường xoay quanh trứng, cá, thịt xay, đậu, lạc rang, dưa cà... Bữa nào nhà tôi cũng chỉ có một món mặn, 1 món canh để đảm bảo tiết kiệm đúng số tiền quy định.
Riêng rau củ quả tôi thường cho cả nhà ăn các loại rau củ theo mùa… Thậm chí có hôm đi chợ tôi mua 1kg tôm nhỏ để về chia làm mấy bữa ăn dần. Các loại cá cũng ít khi được ăn cá to mà chỉ ăn các loại cá nhỏ hoặc cá biển, cá khô.
Với số tiền ăn như vậy, những bữa cơm có thịt thường vắng bóng ở nhà tôi hoặc đan xen với những bữa ăn khác chứ không phải ngày nào cũng có. Ngoài ra tôi còn dành 1 khoản để mua mắm, muối, gia vị...
Dù đã lên thực đơn tằn tiện hết mức như vậy mỗi tháng tôi vẫn bị âm ít nhất 100-200 ngàn. Mỗi bữa được ăn 1 món mặn mà mẹ chồng vẫn sa sầm mặt bảo con dâu chưa biết tính toán. Người giỏi tính toán là có chừng đó tiền nhưng vẫn có thể cho cả nhà ăn mỗi bữa 1 món mặn, 1 món xào, 1 canh.
Nghe mẹ chồng nói vậy mà tôi choáng váng. Thật sự tôi đã làm hết sức mình mà bà vẫn chưa yên tâm, ngược lại còn chê bai dâu bầu không biết khéo co. Không chịu nổi mẹ chồng, tôi đã nói thẳng:
“Con chi tiêu như vậy là đã tằn tiện lắm rồi, nếu mẹ vẫn thấy con hoang phí thì từ ngày mai bà cầm tiền đi chợ giúp con. Về nhà, mẹ chỉ đạo thế nào mỗi bữa con sẽ nấu các món như thế được không ạ?”.
Tằn tiện chi tiêu tiền ăn đến mức có thể, tôi vẫn bị mẹ chồng nói chẳng biết thu vén. (Ảnh minh họa)
Tôi nói vậy có gì sai mà mẹ chồng chì chiết bảo ăn nói hỗn hào. Rằng bà chỉ dạy cho điều hay lẽ phải, những cái thiết thực để tốt lên lại không biết lắng nghe, tiếp thu. Mẹ chồng còn lôi chuyện tôi lén uống các loại thuốc, vitamin bổ sung trong thai kỳ mà không nghe lời bà cảnh báo. Thật sự tôi mệt mỏi với mẹ chồng quá, giờ phải làm sao đây cho bà vừa lòng?
Vì sao phụ nữ mang thai cần bổ sung vitamin trước khi sinh?
Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh trong thời kỳ mang thai giúp bổ sung chất dinh dưỡng cho mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, bà bầu cũng được khuyên là nên uống vitamin để bổ sung những chất dinh dưỡng thiếu hụt trong chế độ ăn uống.
Vitamin giúp phụ nữ mang thai có đủ khoáng chất cần thiết cho một thai kỳ khỏe mạnh.
Thời điểm tốt nhất để bắt đầu bổ sung vitamin là trước khi thụ thai.
Những vitamin được khuyến cáo bổ sung cho mẹ bầu:
- Axit folic: Nếu có dự định mang thai, bạn nên bổ sung axit folic. Axit folic giúp não và tủy sống của bé phát triển chính xác. Axit folic làm giảm nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ảnh hưởng đến não và tủy sống của bé.
Đây là lý do tại sao các bác sĩ khuyên bất kỳ phụ nữ nào có thể mang thai nên bổ sung 400 microgam (mcg) axit folic mỗi ngày, bắt đầu từ trước khi thụ thai và tiếp tục trong 12 tuần đầu của thai kỳ.
Nếu đã từng sinh con bị khuyết tật ống thần kinh, cần trao đổi với bác sĩ để có cách bổ sung hợp lý. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, với trường hợp này có thể cần dùng một liều lượng lớn hơn (lên đến 4.000 microgam) ít nhất 1tháng trước và trong tam cá nguyệt đầu tiên.
Ngoài ra có thể bổ sung axit folic qua thực phẩm: Các loại rau lá xanh, quả hạch, đậu, trái cây có múi… Mặc dù, axit folic có rất nhiều trong thực phẩm các mẹ bầu ăn hàng ngày, tuy nhiên, các chuyên gia khuyên, tốt nhất nên dùng thuốc bổ sung để dự phòng.
- Canxi: Bổ sung canxi giúp mẹ không bị loãng xương, xương dễ gãy, giảm nguy cơ tiền sản giật ở mẹ, ngăn ngừa tăng huyết áp, giúp bé phát triển hệ xương khỏe mạnh.
- Iốt: Iốt rất quan trọng đối với chức năng tuyến giáp khỏe mạnh của phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Thiếu iốt có thể gây ra: Sẩy thai, thai lưu, còi cọc, khuyết tật tâm thần nghiêm trọng, điếc…
- Sắt: Sắt giúp cơ thể tạo ra nhiều tế bào hồng cầu hơn, cung cấp oxy cho thai nhi, giúp thai nhi khỏe mạnh.