Mới đây, trên trang cá nhân của bác sĩ Lê Duy Toàn (Phó trưởng Khoa Mổ dịch vụ D5 – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) đã đăng tải đoạn video rất đông sản phụ đang chờ đến giờ mổ. Có thể thấy trong đoạn video được ghi lại, hơn 10 mẹ bầu đang ngồi chờ đến lượt. Thậm chí, số lượng sản phụ chờ mổ đông đến mức “không còn chỗ để ngồi” trong buồng tiểu phẫu của khoa D5. Tuy đoạn video được đăng tải không nói chính xác lý do tại sao nhiều mẹ bầu mổ đẻ trong cuối tháng 7 vừa qua, tuy nhiên, những bình luận bên ngoài đồn đoán lý do chính vì nhiều người muốn “tránh tháng cô hồn”.
Sản phụ xếp hàng đẻ mổ. Ảnh cắt từ clip
Chia sẻ về đoạn video này, bác sĩ Lê Duy Toàn cũng cho hay vào cuối tháng 7 vừa qua, rất nhiều sản phụ đã đăng ký mổ đẻ. Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào muốn cũng có thể mổ đẻ được. Trước đó, bác sĩ sẽ thăm khám kĩ càng xem cơ thể mẹ và bé có đáp ứng đủ các điều kiện mới tiến hành phẫu thuật. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên các mẹ bầu cân nhắc kỹ trước khi quyết định mổ chọn ngày bởi quan trọng nhất vẫn là việc “mẹ khỏe, con khỏe”.
Nhiều người cho rằng sản phụ đi mổ đẻ vì muốn tránh tháng cô hồn. Ảnh cắt từ clip
Dưới đoạn video, rất nhiều bình luận chỉ trích cho rằng quan niệm sinh con tránh tháng cô hồn là quan niệm cũ, đã cổ hủ. Thực tế, nhiều gia đình vẫn sinh con trong tháng 7 âm lịch và em bé hoàn toàn khỏe mạnh bình thường. “Tưởng kiêng ngày cưới hỏi thôi, giờ còn kiêng cả ngày đẻ”, “Hoàng tử nhà tôi sinh đúng rằm tháng 7 âm lịch đây”, “Mình đẻ con trai đúng 1/7 âm lịch trộm vía con ngoan ngoãn, dễ nuôi”, “Có con khỏe mạnh bình an là được rồi, sao nhiều người suy nghĩ như vậy nhỉ”… là những bình luận trên mạng xã hội.
Trong dân gian quan niệm cuộc đời và tương lai của một con người phụ thuộc ít nhiều vào ngày sinh tháng đẻ. Trong một năm, tháng cô hồn vốn được coi là tháng không đem lại may mắn, do đó, nhiều người đã chủ động chọn ngày, giờ sinh con để mong con tránh được những điều xui rủi.
Thế nhưng, quan niệm này hoàn toàn không đúng và có thể gây những ảnh hưởng không tốt tới tâm lý của mẹ, sức khỏe của bé. Việc sinh con tốt nhất nên để mọi thứ diễn ra thuận tự nhiên, có thăm khám kỹ lưỡng với bác sĩ sản khoa để đưa ra phương án tốt nhất. Bởi cuộc đời dù sướng hay khổ tùy thuộc phần lớn vào môi trường sống, cách giáo dục của gia đình và bản lĩnh tự thân của mỗi người.
Khi nào cần sinh mổ chủ động?
Khi có những tình trạng bệnh lý của mẹ hay thai nhi cần phải chấm dứt thai kỳ ngay.
Ví dụ khi mẹ bị cao huyết áp do thai kỳ nặng, huyết áp tăng cao không điều chỉnh được bằng thuốc gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Hay thai nhi bị kém phát triển trong tử cung, quá ít nước ối, có dấu hiệu suy thai, cần phải đưa thai ra ngay, nếu không sẽ nguy hiểm cho tính mạng của thai nhi.
Những bất lợi cho mẹ và con khi sinh mổ:
- Khi sinh mổ, người mẹ có thể bị những tai biến do gây mê hay do phẫu thuật (phạm phải động mạch tử cung, bàng quang, ruột, khâu trúng niệu quản…). Người mẹ sẽ mất máu nhiều hơn. Sau mổ có thể bị biến chứng nhiễm trùng vết mổ nên khả năng phải dùng kháng sinh nhều hơn và lâu hơn.
- Thời gian hồi phục sức khỏe của người mẹ sẽ lâu hơn, thời gian phải nằm viện cũng lâu hơn.
Sẹo mổ trên thân tử cung có thể bị nứt trong những thai kỳ sau. Vết mổ trên tử cung cũng có thể gây ra dính ruột, tắc ruột.
- Nếu tình trạng của thai yếu, khi sinh mổ chủ động sẽ giảm được khả năng bị ngạt, bị sang chấn do sinh khó hay chuyển dạ kéo dài.
Những bất lợi cho con khi sinh mổ chủ động:
- Nếu sinh mổ chủ động khi trẻ chưa đủ tháng, trẻ có khả năng bị suy hô hấp cấp do thiếu chất Surfactant (chất rất cần cho hoạt động của phổi, giúp phổi dãn nở tốt) hay bị hội chứng phổi ướt (Hội chứng chậm hấp thu dịch phổi).
- Ngoài ra, nếu non tháng, trẻ cũng dễ bị hạ thân nhiệt, xuất huyết não, vàng da nhân, nhiễm trùng huyết…