Cô giáo Hoàng Thị Thu Hoài (SN 1992) là giáo viên tiếng Anh đã gắn bó với ngôi trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Yên Thuận (xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) gần 10 năm nay. Đây là ngôi trường thuộc xã khó khăn của huyện, 90% học sinh đều là con em người dân tộc thiểu số với những hoàn cảnh đặc biệt.
Vừa làm cô giáo vừa làm mẹ hiền, chăm lo cho học trò từng bữa ăn, giấc ngủ
Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm của trường ĐH Thái Nguyên, cô Hoài trở về quê hương và xin vào giảng dạy tại ngôi trường dành cho trẻ em dân tộc thiểu số ở huyện nhà. Cô Hoài có mẹ cũng là giáo viên dạy học ở vùng cao tại tỉnh Tuyên Quang, nên từ thuở còn cắp sách tới trường, cô đã yêu mến nghề cầm phấn và muốn mang tri thức đến mọi miền đất nước.
Cô giáo Thu Hoài đã dành 8 năm tuổi trẻ “bám bản”, mang tri thức tới cho các học trò vùng cao
Mong muốn xua tan đói nghèo bằng con đường tri thức cho các em, cô Hoài quyết tâm vượt hơn 40km đường đèo dốc từ nhà tới trường để đi dạy. Khi chứng kiến học trò của mình không có chiếc áo lành lặn, thiếu thốn từng bữa cơm no, cô Hoài chẳng thể yên lòng. Và hành trình “làm mẹ” của người giáo viên trẻ tuổi bắt đầu từ đó.
Suốt những năm đầu đi dạy, cô Hoài dành dụm và trích nửa số tiền lương của mình để cho các em được ăn ngon mỗi tuần, những món lạ mà các em chưa thử qua cô đều trổ tài nấu nướng. Đến năm thứ hai, cô nhen nhóm ước mơ làm thật nhiều hoạt động "mì gói có tôm", giúp các em được ăn no, ăn ngon hơn. Không chỉ là những bữa ăn mà cô Hoài còn lo cho các em cả trong học tập cũng như cuộc sống thường ngày.
Cứ như vậy, cô Hoài cùng các giáo viên trong trường quyên góp, người mua đồ dùng học tập, người mua quần áo, sách vở, gạo, người ủng hộ tiền để mang tới cho học trò cuộc sống đầy đủ hơn. Những năm gần đây, cô Hoài đều dành ngày nghỉ cuối tuần để đến thăm nom nhà học trò ở vùng sâu vùng xa và động viên các em tới trường.
Người giáo viên trẻ chăm lo cho học trò từng bữa ăn, tấm áo
“Khi đi dạy, trong túi xách của mình luôn có bánh kẹo, quần áo để sẵn sàng tặng cho học sinh khó khăn bất cứ lúc nào mình gặp. Mình đi dạy cả ngày, đến tầm xế chiều sẽ đến tận nhà động viên các em có hoàn cảnh khó khăn. Thời gian rảnh thì mình nấu những bữa cơm ngon cho các em.
Từ những việc nhỏ như kêu gọi mọi người ủng hộ, trực tiếp nấu cơm cho các em, sau này khi mình có kênh riêng hoạt động thường xuyên thì mọi người ủng hộ cũng nhiều, các em cũng được ăn no, mặc ấm hơn”, cô Hoài chia sẻ.
Mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp “trồng người”
Suốt 8 năm qua, không chỉ dừng lại ở những bữa ăn no, manh áo ấm, cô Hoài còn cùng các nhà hảo tâm quyên góp dựng điểm trường, xây nhà tặng học trò nghèo. Với người giáo viên trẻ ấy, chỉ cần thấy các em tới trường mỗi sáng đã là động lực lớn nhất để cô cố gắng nhiều hơn. Cũng nhờ có cô Hoài, các nhà hảo tâm đã biết tới điểm trường và ghé thăm các em nhỏ với nhiều phần quà ý nghĩa.
8 năm qua là một hành trình ý nghĩa của cô giáo trẻ vùng cao
“Với mình, giáo viên là một nghề cao quý và khi đã lựa chọn nối nghiệp mẹ, mình sẽ gắn bó dù gian nan tới đâu. Chưa khi nào mình thấy tiếc nuối hay có chút nản lòng mà luôn cảm thấy tự hào về quãng thời gian tuổi trẻ đã cống hiến cho trường, mang tri thức và cuộc sống tốt nhất tới thế hệ tương lai của đất nước”, cô Hoài bộc bạch.
Chia sẻ về những dự định tương lai, cô Hoài chỉ có một mong muốn là những đứa trẻ ở xã Yên Thuận sẽ có điều kiện học tập tốt hơn. Khi đó, có thể cô Hoài sẽ tiếp tục cống hiến ở những điểm trường khó khăn khác để giúp đỡ các học trò nhỏ.
Cô Hoài luôn mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp “trồng người”
Cô Hoài cũng hy vọng, sẽ có thêm nhiều thầy cô tự tin xung phong “bám bản”, lên vùng cao với học trò, khi đó các thầy cô sẽ thấy nghề giáo thật ý nghĩa và dạy học ở vùng cao là trải nghiệm thực sự đáng quý. Dù gian nan vất vả, nhưng với sự nhiệt huyết, yêu nghề, tình thương dành cho các học trò nhỏ, cô Hoài đã vượt qua muôn vàn khó khăn, dành trọn tuổi trẻ để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” nơi rẻo cao.