Theo quan niệm dân gian Việt Nam, tháng 7 âm lịch hằng năm còn được gọi là tháng cô hồn với nhiều điều kiêng kỵ theo quan điểm “có kiêng có lành”. Với tâm lý e ngại, nhiều mẹ bỉm cũng đang có ý định trì hoãn kế hoạch chuyển phôi hoặc thậm chí lên kế hoạch đẻ sớm né tháng cô hồn.
Vợ chồng chị Trần Thu Hằng, 28 tuổi ở Thái Nguyên kết hôn đã 4 năm nay nhưng chưa một lần được đón nhận tin vui. Sau khi uống đủ các loại thuốc đông y không thấy có kết quả, vợ chồng chị Hằng quyết định thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Lần chuyển phôi đầu tiên đã thất bại. Lần này vợ chồng chị lên kế hoạch chuyển phôi lần 2. Tuy nhiên, người vợ Thái Nguyên này đang rất phân vân bởi lần chuyển phôi này rơi đúng vào tháng 7 âm lịch.
Lên lịch chuyển phôi tháng 7 mà hầu hết mọi người đều khuyên chị Hằng xem lại, không nên làm vào tháng này. (Ảnh minh họa)
Theo chị Hằng, không biết mọi người có kiêng chuyển phôi vào tháng 7 âm lịch không, còn bản thân chị và gia đình thì có nhiều e ngại. Hầu hết người thân đều khuyên phải xem lại tháng chuyển phôi, đừng làm vào tháng 7 cô hồn sẽ không may mắn. Vì theo mọi người, dù đậu thai thì em bé sau này cũng hay ốm đau bệnh tật, mọi sự không suôn sẻ.
Ban đầu, nghe những lời khuyên này vợ chồng chị làm ngơ. Bởi bản thân chị Hằng nghĩ, tháng 7 là mùa Vu Lan báo hiếu nên không phải kiêng kỵ. Có phôi để chuyển là đã tốt rồi, còn hơn nhiều mẹ hiếm muộn vẫn đang mệt mỏi canh niêm mạc. Con cái là cái duyên, vợ chồng đã hiếm muộn thì tháng nào, năm nào cũng như nhau. Hơn nữa, vợ chồng hiếm muộn tất cả là nhờ vào bác sĩ và cái duyên. Mấy tháng trước chị Hằng chuyển phôi vào tháng đẹp nhưng cũng chưa may mắn.
“Ý của mình là vậy nhưng anh xã thì bảo, nếu còn lăn tăn thì chưa làm vội, khi nào tâm lý ổn định sẵn sàng toàn tâm toàn ý đón con mới tiến hành. Anh cũng bảo chuyển phôi cần nhất là tư tưởng phải thoải mái mới mang lại may mắn và thành công. Vì thế vợ chồng mình quyết định tạm hoãn sang tháng sau”, chị Hằng tâm sự.
Vừa sinh em bé hơn tuần trước, chị Trần Thị Vân Anh ở Hà Đông, Hà Nội cho biết đây là lần thứ 2 chị sinh con. Do lần trước sinh mổ cách đây hơn 2 năm nên lần này chị cũng xin mổ chủ động. Theo dự kiến, con trai thứ 2 nhà chị sẽ chào đời vào sát rằm tháng Bảy âm lịch. Nhưng thấy sinh con tháng 7 âm không tốt nên vợ chồng chị Vân Anh quyết định mổ chủ động từ những ngày cuối tháng 6 âm lịch, sớm hơn ngày dự sinh khoảng 2 tuần.
“Em chỉ sợ con trai lại sinh vào tháng ngâu sẽ vất vả. Vì lo cho con sau này nên cả nhà đều đồng thuận đẻ trước ít ngày. May sao thai kỳ của em suôn sẻ, em bé phát triển tốt nên bác sĩ cũng du di theo mong muốn của gia đình”, chị Vân Anh phân trần.
Được biết, em bé nhà chị Vân Anh sinh ra nặng 3,2kg và mẹ khỏe con khỏe. Hai mẹ con nằm lưu viện sau sinh 4 ngày là ra viện về nhà. Cả nhà chị rất vui vì đã né được tháng cô hồn cho con.
Cũng theo mẹ bỉm mới sinh này tiết lộ, trường hợp của chị may mắn được bác sĩ đồng ý cho mổ sớm vì nhiều yếu tố thuận lợi nhưng những ngày nằm viện, chị Vân Anh thấy nhiều trường hợp các mẹ bầu khác dự kiến sinh vào tháng 7 âm lịch nhưng muốn né tháng ngâu đã tìm tới bác sĩ xin mổ sớm ở tuần 37.
Do trước ngày dự kiến sinh tận hơn 3 tuần và thấy em bé chưa được 3kg nên bác sĩ không đồng ý. Các bác sĩ vẫn khuyên và tư vấn những cặp vợ chồng này nên để bé phát triển thêm trong bụng mẹ khoảng 1, 2 tuần nữa.
Chọn ngày giờ đi đẻ, chuyển phôi để "né" tháng cô hồn - Lợi ít hại nhiều
TS. BS Nguyễn Hữu Trung - Trưởng Khoa phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 2, cho biết hầu như năm nào vào những ngày cuối tháng 6 âm lịch khi chuyển phôi cho các mẹ hiếm muộn đều có chung câu hỏi có nên chuyển phôi tháng 7 âm lịch hoặc nhiều sản phụ có dự kiến sinh trong tháng 7 cố tình tìm tới bác sĩ bày tỏ nguyện vọng sinh con trước tháng “ngâu” vì quan niệm tháng 7 âm không tốt.
1-2 năm gần đây, hiện tượng này đã thấp hơn các năm trước nhưng vẫn còn nhiều cặp vợ chồng có tâm lý e dè. Bởi các phụ huynh, nhất là các cặp vợ chồng hiếm muộn đều mong con được thụ thai hay được chào đời suôn sẻ vào ngày lành, tháng tốt, giờ đẹp để con tránh gặp phiền phức trong tương lai. Nhưng thực tế, theo bác sĩ Trung rằng việc chọn ngày, chọn giờ chuyển phôi hay đi đẻ ích lợi thì ít mà nguy hiểm nhiều.
Trong hơn 20 năm gắn bó với chuyên ngành sản khoa, TS. Trung cho biết, việc chuyển phôi cần thiết sau khi nội mạc tử cung đã được chuẩn bị tốt. Phôi muốn làm tổ trên nội mạc tử cung phải dc chuyển vào lòng tử cung ở thời điểm thích hợp gọi là "cửa sổ làm tổ". Nếu không, khả năng phôi làm tổ hầu như không thể được. Do đó, các cặp vợ chồng đang điều trị hiếm muộn, đừng vội vã nói các BS chuyển phôi sớm để né tháng 7 âm lịch.
Nếu chưa sẵn sàng tâm lý, có thể dời ra sau đó 1-2 tháng. Dù nguyên nhân nào để dừng chuyển phôi vào tháng 7 âm cũng làm mất đi 1 cơ hội cho các vợ chồng hiếm muộn. Thực tế, niềm vui lớn nhất của vợ chồng hiếm muộn là mong con đến với mình. Con đến với vợ chồng đã là tin mừng dù bất kể đến trong tháng nào, miễn là hạnh phúc, vui vẻ là được.
Theo bác sĩ Trung rằng việc chọn ngày, chọn giờ chuyển phôi hay đi đẻ ích lợi thì ít mà nguy hiểm nhiều. (Ảnh: BSCC)
Ngoài ra, việc đứa trẻ chào đời "thiếu tháng" hay "già tháng" đều không tốt cho cả mẹ và bé. Việc lựa chọn sinh mổ chủ động để né "tháng 7" làm tăng nguy cơ chậm hấp thu dịch phôi bé sau sinh, suy hô hấp, gây bệnh màng trong, nguy cơ mắc các chứng nhiễm trùng sơ sinh, viêm phổi, viêm hô hấp xảy ra nhiều hơn.
Tiến sĩ Hữu Trung cũng khuyến cáo, trước khi đề nghị hoãn chuyển phôi hay né sinh con tháng 7 âm lịch, chị em cần tìm hiểu kỹ và lắng nghe những tư vấn của bác sĩ. Nếu bác sĩ không chỉ định chuyển phôi hay mổ lấy thai, chị em nên nghe theo.
Bác sĩ sản khoa thông thường sẽ chỉ định cho sinh mổ trong một số trường hợp như: thai quá to, khung chậu hẹp, người mẹ có bệnh nhiễm khuẩn cấp có thể gây lây nhiễm cho bé trong khi sinh thường, mẹ mang thai nhiều bé cùng một lúc (song thai, đa thai), trẻ bị suy thai nguy cơ tử vong, thai ngôi bất thường như ngôi ngang, ngôi ngược...