Loại quả xưa không ai biết đến, nay thành đặc sản mùa hè chị em thành phố lùng mua, bán ở chợ 70.000 đồng/kg

Google News

Loại quả này tạo vị chua trong một số món ăn ở Bắc Bộ, mấy năm gần đây nhiều người bán tại chợ mạng và các chợ dân sinh. 

Quả me, quả sấu, quả tai chua... là những loại quả tạo nên vị chua trong một số món ăn ở miền Bắc, nhưng nhắc tới quả dọc thì chắc chắn nhiều người chưa biết tới.

Bày bán quả dọc ở chợ Hà Đông (Hà Nội) vào những ngày hè, chị Hoa cho biết: "Quả dọc có vị chua thanh khác hẳn với quả sấu, quả chanh. Đây là đặc sản ở Phú Thọ, Hòa Bình, Lạng Sơn... Quả này có vị chua nhẹ nên nấu canh cá rất thanh mát, ngon miệng. Với người dân ở Phú Thọ, đây là nguyên liệu không thể thiếu của những nồi canh chua cá, nếu không có thì mất đi vị chua đặc trưng mà sấu với me cũng không sánh được. Vì tò mò nên nhiều người mua về để nấu thử".

Quả dọc tạo nên vị chua khác biệt với sấu, chanh

Theo đó, quả dọc được bán với giá từ 50.000-70.000 đồng/kg tùy thời điểm. Chị Hoa nói thêm, ở Phú Thọ quê chị, mọi người đều dùng quả dọc để làm vị chua trong các món ăn, đặc biệt là canh cá, bún riêu. Nhưng ở Hà Nội, thứ quả rừng này hầu như mọi người không biết đến, nên chị lấy hàng bán thử. 

"Lúc đầu tôi mới bày ra, ai đi qua cũng hỏi đây là quả gì, có vị gì, cách nấu ra sao. Rồi dần dần, người ta mua về ăn thử và mê cái vị chua có phần khác biệt của trái dọc. Những năm sau đó, lúc tôi chua lấy xuống bán cũng đã có người đến hỏi mua. Vào mùa hè, có ngày tôi bán được cả vài chục cân trái dọc. Còn những người đã biết tới quả dọc thì vui mừng khi giờ đây thứ quả quê đã được bán ở thành phố, có thể dễ dàng mua được", chị Hoa nói. 

Anh Toàn - cũng là người bán quả dọc trên chợ chung cư cho biết, ở quê anh dọc có nhiều ở những nơi có đồi núi như Yên Lập, Thanh Thủy, Hạ Hòa... Có lần tiện về quê, anh mang dọc xuống bán và được nhiều khách hỏi mua, nên từ đó mùa dọc nào anh cũng nhờ người nhà gửi xe xuống bán ở chợ chung cư. 

Ở chợ dân sinh và chợ mạng, nhiều địa chỉ rao bán quả dọc

Theo anh Toàn, quả dọc chế biến khá cầu kỳ chứ không đơn giản như me hay sấu. Quả tươi rửa sạch rồi cho vào bếp than nướng đến khi vỏ ngả sang vàng để bớt nhựa, sau đó tách ra bỏ phần hạt đi, dùng phần cùi để chế biến. "Nếu không biết cách làm, khi nấu quả dọc phần nhựa sẽ làm vàng nồi, vàng tay, ăn xong bị vàng răng. Những người đã ăn thử các món chua nấu từ quả dọc sẽ thấy ghiền vì nó có vị đặc trưng rất hấp dẫn", anhh Toàn chia sẻ.

Quả dọc tươi có thể bảo quản trong ngăn mát khoảng 15 - 20 ngày, nếu hút chân không và bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh sẽ giữ được khoảng 2 - 3 tháng. Ngoài ra để bảo quản quả dọc được lâu hơn, quả dọc khi già có màu xanh sẫm người ta thường thái nhỏ và đem phơi, sấy khô để cất giữ dùng dần.

Từ thứ quả rừng ít người biết tới, giờ đây trái dọc trở thành đặc sản ở thành phố

Theo tìm hiểu, quả dọc được mọc trên cây dọc, loại cây này nhiều u lồi, có chiều cao trung bình từ 10 – 15m. Cành dọc mọc ngang, có mủ vàng, lá mọc đối, hoa đơn tính. Cây ưa sáng và ẩm, có khả năng chịu hạn. Bạn có thể trồng dọc bằng hạt hoặc cây con. Về nguồn gốc của quả dọc, hiện quả dọc được tìm thấy ở nhiều vùng như Lào, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam.

H.A

Bình luận(0)