Quả lựu không còn xa lạ với người Việt, chúng được thu hoạch vào mùa thu nên còn được ví như “hạt ngọc mùa thu”. Lựu rất giàu giá trị dinh dưỡng, nhất là hàm lượng vitamin C, vitamin K và các loại khoáng chất khác như sắt, canxi, kali… Vì thế, khi ăn lựu sẽ rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là tăng cường hỗ trợ sinh lý cho nam giới, giúp làm đẹp da, phòng chống ung thư.
Ths.BS Nguyễn Cao Thắng - Khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, trong lựu có nhiều vitamin và acid citric, acid malie giúp tăng ham muốn, giúp cơ thể sản xuất nitric oxide tăng cường sinh lý phái mạnh. Lượng vitamin dồi dào có trong lựu làm tăng lượng testosterone, tăng cường chức năng sinh lý của cơ thể.
Quả lựu được chứng minh hỗ trợ rất tốt cho nam giới trong "chuyện giường chiếu". Ảnh minh họa.
Một nghiên cứu của Đại học Queen Margaret (Scotland) cũng khẳng định, lựu không chỉ là siêu thực phẩm tốt cho sức khỏe nói chung, mà còn là một món quà tự nhiên dành cho những người có nhu cầu cải thiện khả năng tình dục. Có thể sử dụng lựu bất kể thời gian nào trong ngày, tuy nhiên sử dụng sau khi dùng bữa tối, giống như một món tráng miệng sẽ tốt hơn cho “chuyện ấy”.
Ngoài giúp cải thiện tình trạng phòng the, lựu còn giúp chị em níu kéo thanh xuân nhờ tác dụng làm đẹp. Lựu chứa vitamin C, vitamin E, beta caroten, kẽm, selen và polyphenol, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do gây lão hóa, các bệnh tim mạch, bệnh Azheimer và cả ung thư.
Không chỉ là loại quả bổ dưỡng, giàu giá trị dinh dưỡng, trong đông y lựu còn là vị thuốc, giúp hỗ trợ điều trị nhiều bệnh. Nhà khoa học, lương y Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội cho biết, không chỉ quả lựu mà toàn thân cây lựu đều có giá trị chữa bệnh trong đông y.
Theo đó, vỏ quả lựu có vị chua, chát, tính ôn, có tác dụng sát trùng, chỉ tả, trừ giun sán, ỉa chảy, són tiểu. Vỏ thân, vỏ rễ và vỏ quả đều có thể dùng làm thuốc và sẽ tốt hơn khi dùng tươi. Với phần quả lựu, ông Sáng tư vấn sẽ tốt hơn nếu ăn cả hạt, vì hạt lựu chất chống oxy hóa, giúp kháng khuẩn rất tốt cho cơ thể.
Trẻ nhỏ ăn quả lựu rất tốt, nhưng để đảm bảo an toàn hãy ép nước cho trẻ uống. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này khuyến cáo, với trẻ nhỏ do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, dễ bị tắc ruột nếu ăn cả hạt hoặc nhai không kỹ. Tốt nhất, cho trẻ uống nước ép lựu sẽ an toàn hơn. Ngoài ra, những người có tiền sử bị bệnh dạ dày, bị tiểu đường cũng không nên ăn lựu.
Dưới đây là một số bài thuốc từ lựu được lương y Bùi Đắc Sáng tư vấn:
- Tẩy giun sán: Dùng 60g rễ lựu tán vụn, 750ml nước. Cách làm: Ngâm rễ lựu tán vụn trong 6 giờ rồi sắc nước cho đến khi còn 500ml chia uống làm 3 lần, cách nhau nửa giờ vào sáng sớm.
- Trị tiêu chảy, tiểu ra máu: Lấy 15g vỏ lựu sắc 3 lần, mỗi lần với một bát nước, cô lại còn 250 ml, chia làm 3-4 lần uống trong ngày cho đến khi khỏi bệnh.
- Chữa kiết lỵ lâu ngày, đại tiện ra máu: Quả lựu tươi 1-2 quả, để cả vỏ, đập nhỏ, sắc nước uống nhiều lần, uống trong ngày.
- Chữa miệng hôi, viêm amidan: Quả lựu sắc lấy nước đặc, ngậm và nuốt từ từ, nhiều lần trong ngày.
- Hỗ trợ chức năng tiêu hóa: Quả lựu tươi 2 trái, bóc bỏ vỏ sắc với 500ml nước, đun nhỏ lửa cho cạn còn 150ml, thêm mật ong vừa đủ. Chia ra 2-3 lần uống trong ngày.