Lá lồm (hay còn gọi là lá giang, dây dang, lá chua, thồm lồm)... là một loại thực vật có hoa thuộc họ rau răm. Chúng phân bố phổ biến ở Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Lào,... Ở Việt Nam, chúng thường mọc ở ven bờ ruộng, rào bụi hay bìa rừng khu vực Tây Bắc.
Lá lồm có đặc điểm mọc so le, hình bầu dục thuôn dài, ngọn hẹp và nhọn. Chúng có chiều dài khoảng 4 - 7cm, rộng khoảng 3 - 5cm. Các lá càng về phía trên càng nhỏ, gần như không có cuống.
“Lá lồm mọc dại, lại ở vùng núi xa xôi nên ngày xưa chỉ có người dân ở đó biết đến và hái về ăn. Còn người dưới xuôi không biết loại lá này, thậm chí cho rằng rau dại không thể ăn được.
Vài năm trở lại đây, lá lồm bắt đầu được người thành phố ưa chuộng vì hương vị độc lạ, khác biệt hẳn các loại rau gia vị khác. Thương lái cũng tìm mua đem về các chợ, cửa hàng rau quả để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng”, chị Hồng Ánh (29 tuổi, quê Hòa Bình) – tiểu thương tại chợ ở Ba Đình (Hà Nội) cho hay.
Ở Việt Nam, chúng thường mọc ở ven bờ ruộng, rào bụi hay bìa rừng khu vực Tây Bắc.
Lá lồm được nhiều người ưa chuộng nên giá cũng đắt đỏ hơn rất nhiều. Theo đó trên thị trường, chúng có giá từ 100.000 – 200.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Chị em nội trợ có thể tìm ở các chợ dân sinh, siêu thị hoặc cửa hàng rau sạch mua về thưởng thức.
Lá lồm là một loại rau mang đậm nét bản sắc ẩm thực miền núi Tây Bắc. Chúng được dùng chủ yếu để nấu canh hay xào với thịt trâu, thịt bò, thịt gà. Trong đó canh lá lồm là món ăn được người dân vùng núi cao ưa chuộng nhất.
“Nguyên liệu để làm nên món ăn này gồm thịt gà, lá lồm, hành, tỏi, ngò, sả, gừng, ớt cùng các loại rau sống ăn kèm như hoa chuối, cải đắng, cải cúc,... Cách chế biến cũng khá đơn giản, thịt gà chặt miếng vừa ăn rồi đem ướp với các gia vị, xào sơ qua cho thịt săn lại. Đổ thêm nước, đun sôi sau đó cho lá lồm vào nấu cùng. Cách chế biến này có thể thay thịt gà bằng thịt ếch, cá ,... Chúng sẽ có hương vị ngọt ngậy của thịt gà, chua chua của lá nồm. Tất cả tạo nên một món ăn khó cưỡng, gây ấn tượng với người ta ngay lần đầu thưởng thức.
Vì thế người thành phố khi mua lá lồm, tôi đều giới thiệu làm món canh gà lá lồm. Họ cũng học theo và phản ánh món đó rất ngon”, chị Hồng Ánh nói.
Canh gà lá lồm.
Không chỉ ngon, lá lồm còn rất tốt cho sức khỏe. Theo Đông y, lá lồm có tính mát, vị chua, có tác dụng tiêu độc, giải nhiệt, kháng khuẩn. Do đó, chúng thường được dùng để chữa đau dạ dày, mụn nhọt, kinh phong, ngứa ngoài da, lở loét, kiết lỵ.
Trong sinh học, cây lồm có thể dùng để làm cao lỏng không gây độc tính, giúp ức chế chín loại vi khuẩn và tiêu viêm cấp tính. Ngoài ra, còn có thể dùng chúng để chữa viêm họng, viêm gan, bạch hầu, rắn cắn, đục giác mạc, viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu và có sỏi,...