Cây găng còn có tên gọi khác là cây thạch găng, vốn là một loại cây mọc hoang dại, phân bố chủ yếu ở vùng trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ nước ta.
Theo tìm hiểu, cây găng thuộc họ thân gỗ, chiều cao trung bình từ 3-5m, thân cây có nhiều gai, lá thuôn hình trứng, hoa màu tím, quả to màu xanh thẫm. Trước đây, để hái được lá này người dân phải đi bộ rất xa vào trong rừng để tuốt lá. Hiện nay, nhiều người đã mang cây găng về trồng trong vườn nhà.
Lá găng mọc hoang dại trong rừng, cây có nhiều gai
Từ xưa, người dân địa phương đã sử dụng lá non và lá bánh tẻ của cây găng để làm thạch. Lá sau khi thu hái có thể được chế biến tươi ngay hoặc sấy khô (sẽ tạo mùi thơm dễ chịu hơn), sau đó rửa sạch ngâm trong nước sôi để nguội khoảng 1 giờ đối với lá khô. Chuẩn bị một phần nước sôi để nguội tỉ lệ 50g lá khô với 2 lít nước sôi để nguội, vò nát lá găng trong nước. Lưu ý vò nhanh tay vì nước lá găng rất nhanh đông. Dùng khăn xô sạch lọc bỏ bã, thu lấy nước sau đó để ngoài nhiệt độ phòng hoặc cho tủ lạnh khoảng 1 giờ đồng hồ cho dịch thạch găng đông lại, thành món thạch găng thơm mát và bổ dưỡng.
Mấy năm nay, món thạch găng trở thành đặc sản giải nhiệt mùa hè nổi tiếng ở khắp các tỉnh thành, đặc biệt là ở Hà Nội. Thạch găng có nhiều cách ăn khác nhau. Cách truyền thống là cho thạch vào cốc nước đường, thêm vài bông hoa nhài hoặc hoa bưởi để tăng thêm hương vị. Ngoài ra, bạn còn có thể ăn thạch găng với nước chè đỗ đen, sữa đậu nành, cho thêm trân châu hoặc dừa khô vào cùng tùy khẩu vị của mỗi người.
Thạch găng là món giải nhiệt mùa hè được người thành phố ưa chuộng
Ngoài thạch găng, trên chợ mạng còn bán cả lá găng tươi, khô, và cả bột thăng găng để chị em thành phố có thể tự làm thạch găng tại nhà. Bột găng có giá 130.000 đồng/kg, lá găng khô giá 120.000 đồng/kg.
"Chỉ cần mua nửa kg bột găng là làm được 5-7 bữa thạch cho cả gia đình. Mua ở ngoài hàng thì tiện nhưng mình thích tự mày mò làm, mất thời gian nhưng sạch và đảm bảo. Thạch găng làm xong có thể để trong tủ mát ăn 2-3 ngày. Cả nhà mình ai cũng rất thích. Thạch găng khá giống so với sương sâm, nhưng nó lại có màu xanh rêu nhạt và trong óng ánh, khi ăn sẽ cảm nhận được thạch rất mềm mịn và thơm", chị Lan Anh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Thạch găng dễ làm, chị em thành phố có thể mua lá khô hoặc bột găng để tự làm tại nhà
Không chỉ thanh mát, thạch găng lành tính, giúp thanh nhiệt cơ thể và có nhiều tác dụng với sức khoẻ. Những tác dụng của thạch găng:
Tốt trong việc duy trì trọng lượng cơ thể
Thạch vốn là món ăn ít calo, nó giúp bạn duy trì trọng lượng lý tưởng của cơ thể. Hơn thế, không giống như những sản phẩm có vị ngọt khác, thạch găng có hàm lượng đường vừa phải và có vị thanh mát dễ chịu. Chính vì thế, thạch găng là sự chọn lựa lý tưởng cho những ai muốn ăn vặt mà không cần lo ngại vấn đề tăng cân.
Hỗ trợ làm đẹp da
Thạch găng rất tốt cho làn da. Axit amin tự nhiên, nguồn vitamin có trong thạch găng đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo tế bào, giúp da duy trì độ đàn hồi và giảm thiểu các dấu hiệu của quá trình lão hóa.
Ăn thạch găng với lượng phù hợp sẽ giúp cải thiện sức khỏe của da, giúp da bạn luôn tươi trẻ.
Hỗ trợ tiêu hóa
Chất nhờn tiết ra từ lá găng chính là một loại chất xơ. Phần chất xơ này dễ tan, tốt cho đường tiêu hóa, giúp giảm tình trạng táo bón.
Trong dân gian, ngoài phần lá, người ta sử dụng cả phần thân và phần rễ trong các bài thuốc trị các bệnh tiêu hóa.
Giải nhiệt, thải độc, làm mát cơ thể
Với những người hay bị nóng trong hoặc nhiệt độ cơ thể cao, việc sử dụng thạch găng thường xuyên có thể hỗ trợ giải nhiệt, thải độc và làm mát cơ thể.
Lưu ý, dù thạch găng tốt cho sức khoẻ nhưng không nên dùng quá lạm dụng, chỉ nên ăn thạch găng 2-3 lần/tuần. Ngoài ra, không nên bổ sung quá nhiều nước đường vào món thạch găng vì sẽ làm lượng calo trong thạch tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch giảm cân và ổn định đường huyết.