Ăn mãi không lớn, bé trai 7 tuổi đi khám phát hiện tác nhân gây bệnh ẩn mình trong thức ăn hàng ngày

Google News

Dù được bố mẹ chăm chút, bồi bổ nhiều đồ ăn bổ dưỡng nhưng bé N không tăng cân, gần một tháng trở lại đây còn sụt cân, xanh xao nên gia đình quyết định đưa đi khám.

Bé Đ.V.N.N (ở Hà Nội) năm nay 7 tuổi, nhưng chỉ nặng chưa đầy 20kg, dù được bố mẹ chăm chút từ miếng ăn, giấc ngủ. Theo mẹ bé N chia sẻ, 1 năm nay cháu giữ cố định ở một mức cân, dù nấu món ngon mấy N cũng lắc đầu không muốn ăn, kèm theo đó là rối loạn tiêu hóa. Gần đây, cháu còn bị sút cân nhẹ nên gia đình đưa đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương khám.

Ths.BS Văn Thị Thơ, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh & Thăm dò chức năng (Bệnh viện Đặng Văn Ngữ) cho biết, sau khi vào viện qua hỏi tiền sử, khám lâm sàng, bệnh nhi đã được lấy máu xét nghiệm và xét nghiệm phân. Từ kết quả xét nghiệm bé N được chẩn đoán mắc bệnh Sán dây nhỏ Hymenolepiasis hay còn gọi sán dây lùn/sán dây chuột.

Bé N sau đó được chỉ định điều trị nội trú, với thời gian nằm viện khoảng 3 đến 7 ngày. Sau điều trị nội trú, bé tiếp tục được theo dõi, tái khám sau 1 và 3 tháng và làm các xét nghiệm đặc trưng của bệnh để đánh giá sự khỏi bệnh và ổn định thể chất của bệnh nhân, từ đó bác sĩ sẽ có các hướng dẫn cụ thể cho từng bệnh nhân trong thời gian ngoại trú.

Từ dấu hiệu chán ăn, sụt cân, bé trai đi khám phát hiện bị bệnh sán dây chuột. Ảnh minh họa. 

Theo bác sĩ Thơ, tại Việt Nam ghi nhận nhiều người bị sán dây chuột, trong đó trẻ em chiếm đa số. Do bệnh diễn biến âm thầm nên thường bị bỏ qua, bệnh chỉ được phát hiện khi người bệnh đi khám nhiều nơi không ra bệnh và đến bệnh viện chuyên ngành ký sinh trùng để kiểm tra, làm xét nghiệm.

Bác sĩ Thơ cho biết, mầm bệnh sán dây nhỏ là từ những loài động vật gặm nhấm, trong đó phổ biến nhất là chuột, ngoài ra các loại bọ cánh cứng, mọt, gián cũng là tác nhân lây bệnh. Nguyên nhân là những loài vật này thường tiếp xúc với các loại thực phẩm, do vậy khi ăn phải thực phẩm có chứa trứng của sán dây lùn/sán dây chuột chúng sẽ đi vào và ký sinh trong cơ thể.

Khi người bị nhiễm nguồn bệnh thường diễn tiến âm thầm, tuy nhiên có những trường hợp nhiễm số lượng sán nhiều, có thể bệnh có các triệu chứng: mệt mỏi, chán ăn, sút cân, đau đầu, ngứa vùng thân dưới…”, bác sĩ Thơ cho hay.

Thông thường, khi người nuốt phải trứng sán hoặc ăn phải thực phẩm như mọt cám nhiễm sán dây nhỏ (đa số lẫn trong thực phẩm), mầm bệnh sẽ vào dạ dày, khu trú và gây bệnh ở nhung mao của ruột non, hồi tràng phá vỡ nhung mao ruột gây các triệu chứng về đường tiêu hóa như đau bụng thượng vị, quanh rốn…chán ăn, mệt mỏi, gầy sút cân, ngứa vùng thân dưới… Đôi khi có dấu hiệu thần kinh như mất ngủ, chóng mặt, co giật… do vậy dễ nhầm lẫn sang bệnh khác.

Chu kỳ của sán dây chuột Hymenolepis diminuta. Ảnh: BV Cung cấp. 

Vì thế, để phát hiện và chẩn đoán xác định đúng bệnh sán dây nhỏ cần có các xét nghiệm chuyên môn sâu như tìm trứng sán đặc hiệu trong phân hoặc nội soi tìm con sán trưởng thành…. Từ đó mới có chẩn đoán chính xác, cũng như đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Để phòng bệnh, bác sĩ Thơ khuyến cáo mọi người hãy thực hiện một số biện pháp sau:

- Tuyên truyền giáo dục sức khỏe về nguyên nhân, tác hại, đường lây truyền và cách phòng chống của bệnh sán dây lùn/ sán dây chuột.

- Rửa tay bằng nước ấm sau khi đi vệ sinh, thay tã và trước khi chuẩn bị thức ăn.

- Dạy trẻ tầm quan trọng của việc rửa tay để ngăn ngừa nhiễm trùng.

- Khi đi du lịch đến các quốc gia có nguy cơ ô nhiễm thực phẩm cao hơn, hãy rửa, gọt vỏ hoặc nấu tất cả rau và trái cây sống bằng nước an toàn (nước khử trùng, chẳng hạn như nước đóng chai, nước đun sôi hoặc nước lọc) trước khi ăn.

LÊ PHƯƠNG.

Bình luận(0)