Đau dạ dày ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát
Hầu hết các cơn đau dạ dày đều không quá nghiêm trọng và sẽ khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, các triệu chứng do đau dạ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể cũng như làm giảm chất lượng cuộc sống.
Cảm giác đau rát, co thắt kéo dài ở dạ dày không chỉ làm sụt giảm năng lượng và khả năng tập trung mà còn có thể khiến người bệnh khó ngủ vào ban đêm, dẫn đến cơ thể thiếu ngủ và mệt mỏi vào ngày hôm sau.
Do chức năng tiêu hóa kém, cơ thể không nhận đủ dinh dưỡng và năng lượng từ thức ăn. Thêm vào đó, một số triệu chứng đi kèm với cơn đau dạ dày như nôn mửa hoặc tiêu chảy có thể gây mất nước khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, yếu ớt.
5 thực phẩm phẩm làm dịu cơn đau dạ dày
1. Gừng
Gừng có tác dụng chống đầy hơi, làm giảm áp lực lên cơ thắt thực quản dưới, giảm co thắt ruột, ngăn ngừa chứng khó tiêu, đầy hơi và chướng bụng. Theo một nghiên cứu vào năm 2020, gừng còn mang lại hiệu quả trong việc giảm buồn nôn và nôn.
Kết hợp 1- 2 lát gừng mỏng với nước ấm, mật ong và chanh có thể giúp người bệnh xoa dịu cơn đau do dạ dày.
Sử dụng trà gừng để kiểm soát chứng buồn nôn. (Ảnh: Getty Image).
2. Bạc hà
Một nghiên cứu từ năm 2011 được công bố trên tạp chí Pain cho biết bạc hà có thể làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (IBS). Ngậm kẹo bạc hà hoặc uống trà bạc hà có thể giúp ích cho một số tình trạng tiêu hóa như: chứng khó tiêu, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy,...
Theo bà Aline Charabaty, MD - Giám đốc Trung tâm Bệnh viện Đại học Georgetown tại Washington. DC, uống viên nang tinh dầu bạc hà hàng ngày trong ít nhất hai tuần có thể giúp cải thiện tình trạng đau dạ dày ở người mắc IBS.
3. Chuối chín
Chuối không chỉ chứa một lượng lớn chất xơ hòa tan có khả năng bảo vệ và làm dịu niêm mạc dạ dày, giảm viêm. Mà nhờ tính kiềm cao, loại quả này còn giúp trung hòa axit dạ dày, tạo lớp bảo vệ niêm mạc, làm dịu cảm giác nóng rát, khó chịu do viêm loét dạ dày hoặc trào ngược axit.
Bên cạnh đó, loại trái cây này còn bổ sung các chất điện giải như natri và kali bị hao hụt do quá trình nôn mửa hay tiêu chảy,...
Chuối giúp bổ sung các chất điện giải như natri và kali.
4. Khoai tây
Giống như chuối, khoai tây rất giàu kali, chất xơ và có tính kiềm cao. Tinh bột trong loại củ này hoạt động như một lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày, giảm kích ứng và hỗ trợ làm lành các vết loét nhẹ.
Các chất chống oxy hóa như vitamin C, giúp giảm viêm và tăng cường khả năng phục hồi niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên, nên ăn khoai tây luộc hoặc hấp để tránh kích ứng dạ dày.
5. Thực phẩm lỏng
Nước lọc, nước hầm xương hay súp lỏng đều có khả năng bổ sung khoáng chất, chất điện giải như natri, kali và canxi mất đi do nôn hoặc tiêu chảy.
Nước dừa đôi khi đóng vai trò như một dung dịch bù nước ở trẻ em bị tiêu chảy do viêm dạ dày ruột và bệnh tả.
Khi xuất hiện triệu chứng đau dạ dày, bạn có thể uống một ly nước lọc ấm và ngồi ngả trên ghế tựa để thư giãn và giúp làm giảm cơn đau.
Thực phẩm cần tránh
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, do đó, việc chọn lựa thực phẩm hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe dạ dày. Dưới đây là những thực phẩm cần tránh nếu không muốn bệnh đau dạ dày ngày một nặng hơn.
Sản phẩm từ sữa không lên men: Các loại sữa, phô mai hay kem không lên men có thể làm tăng cảm giác khó tiêu. Nhất là đối với những người không dung nạp lactose. Thử thay thế chúng bằng các sản phẩm từ sữa đã lên men như sữa chua, có thể giúp cải thiện tiêu hóa.
Thức ăn cay: Mặc dù nhiều người yêu thích vị cay của các món ăn, nhưng thực phẩm cay có thể kích thích dạ dày và gây ra cơn đau hoặc khó chịu. Cân nhắc giảm thiểu hoặc tránh các món ăn cay để hạn chế các tác động tiêu cực đến hệ tiêu hóa.
Thức ăn cay có thể dẫn đến viêm hay loét dạ dày. (Ảnh: Seonkyoung).
Thức ăn nhiều dầu mỡ: Những món ăn chiên xào hoặc chứa nhiều chất béo không chỉ khó tiêu mà còn có thể làm tăng nguy cơ đau dạ dày. Thay vào đó, hãy chọn những món ăn nhẹ nhàng hơn như hấp, luộc,...
Ngũ cốc nguyên hạt: Mặc dù ngũ cốc nguyên hạt rất tốt cho sức khỏe, nhưng chúng cũng có thể gây đầy bụng và khó tiêu cho một số người. Nếu cơ thể cảm thấy không thoải mái sau khi ăn chúng, nên chuyển sang các loại ngũ cốc tinh chế nhẹ nhàng hơn.
Rau sống: Rau sống có thể chứa nhiều chất xơ, nhưng chúng có thể gây ra tình trạng khó tiêu, thậm chí là tiêu chảy. Theo khuyến cáo ăn chín uống sôi của Bộ Y tế, nên nấu chín rau trước khi ăn để làm giảm tính kích thích cho dạ dày.
Rượu và caffeine: Cả hai loại thức uống này đều có thể gây kích thích cho dạ dày và làm tăng nguy cơ khó tiêu. Để bảo đảm cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh, nên cân nhắc và hạn chế khi sử dụng các loại thức uống này.
Thay đổi thói quen ăn uống
Ngoài việc chọn thực phẩm phù hợp, việc điều chỉnh thói quen ăn uống cũng rất quan trọng để bảo vệ dạ dày.
Ăn chậm nhai kỹ: Hãy dành thời gian để nhai kỹ và cảm nhận hương vị món ăn. Điều này không chỉ giúp thưởng thức món ăn mà còn cải thiện quá trình tiêu hóa.
Ăn miếng nhỏ: Cắt nhỏ thức ăn và ăn từng miếng nhỏ giúp giảm tải cho dạ dày và dễ dàng tiêu hóa hơn.
Chia nhỏ khẩu phần ăn: Thay vì ăn một hoặc hai bữa lớn, hãy chia thành nhiều bữa nhỏ hơn. Điều này giúp dạ dày làm việc hiệu quả và giảm nguy cơ đau bụng.