Giấu 4 điều này đừng để con cái biết, cuộc sống sau khi nghỉ hưu sẽ ngày một tốt đẹp

Google News

Hãy để những năm tháng sau khi về hưu thực sự là "cuộc đời thứ hai" của mình, sống trọn vẹn từng khoảnh khắc và mở ra tương lai viên mãn.

Người ta nói rằng, nghỉ hưu là cột mốc đánh dấu “cuộc đời thứ hai” của chúng ta. Một số kế hoạch phải được sắp xếp trước, một số việc phải được chuẩn bị càng sớm càng tốt. Và bằng cách giấu đi 4 điều sau đây, người khôn ngoan mở ra con đường ngày càng suôn sẻ phía trước:

1. Giấu đi tình yêu vô bờ bến

Có cặp vợ chồng nọ ngoài 50 tuổi điều hành một trạm tái chế rác thải nhỏ, sau những năm tháng làm việc chăm chỉ cũng gom góp được một số tiền tiết kiệm và nuôi dạy con cái nên người, trở thành sinh viên đại học. Người con trai sau khi tốt nghiệp và có bạn gái liền ngỏ ý mua một căn nhà ở thành phố cho tiện sinh sống. Vì không có tiền tiết kiệm nên anh chỉ có thể xin cha mẹ giúp đỡ. 

Lúc đầu, hai vợ chồng không khỏi do dự vì số tiền kia vốn là để lo cho những tháng ngày về già cũng như lo hậu sự cho chính mình sau này. Nhưng thấy con trai năn nỉ hết lần này đến lần khác, họ quyết định rút gần hết tiền tiết kiệm để trả tiền đặt cọc mua nhà cho con trai. Những tưởng mọi chuyện dừng lại ở đó, không ngờ sau này các khoản thanh toán còn lại, tiền mua xe, nội thất đều do hai vợ chồng già gồng gánh. 

Sau bao vất vả, họ cuối cùng cũng nhẹ nhõm khi thấy vợ chồng con trai có cuộc sống ổn định nơi thành phố, có một bé trai bụ bẫm khỏe mạnh. Nhưng thời gian trôi qua, họ dần nhận ra mỗi năm mình chỉ có thể gặp con vài lần, thậm chí không thể ôm cháu nội. Cậu con trai luôn nói rằng công việc rất bận không có thời gian về nhà, thậm chí nói với nhau vài câu qua điện thoại cũng khó. 

Bởi vậy mới nói, khi đến tuổi nghỉ hưu, người ta nên chăm sóc bản thân mình thật tốt và giấu đi tình yêu vô bờ bến dành cho con cái. Hãy sắp xếp cho chính mình, để tách khỏi gia đình của con bạn càng sớm càng tốt.

Đừng giúp đỡ những người không nên giúp đỡ và đừng quan tâm đến những việc không nên quan tâm. Hãy để bản thân được tự do và để con bạn được tự lập. Vì sự nuông chiều những đứa trẻ đã quen với việc được nhận sẽ khiến chúng khó có thể gánh vác cuộc đời của chính mình bằng đôi vai mỏng. 

2. Giấu đi mong muốn kiểm soát

Nhiều khi, vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là do họ chưa thích nghi được với sự chuyển đổi vai trò của mình. Khi con cái còn nhỏ, cha mẹ thường là người dẫn đường chỉ lối, con cái làm theo mọi sự hướng dẫn của cha mẹ. Cha mẹ lúc này làm nhiệm vụ nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, giúp trẻ phát triển tốt hơn. 

Nhưng khi những đứa trẻ ấy lớn dần lên, chúng hình thành hệ tư tưởng hoàn chỉnh và có những suy nghĩ, quan điểm cũng như phong cách làm việc riêng. Lúc này, nếu cha mẹ vẫn coi con như những đứa trẻ chưa hiểu gì và muốn kiểm soát cuộc sống của con thì những mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái sẽ nảy sinh ngày một nhiều hơn. 

Nhớ rằng, con cái không chỉ là con của cha mẹ mà chúng có cuộc sống riêng. Hãy học cách buông tay đúng lúc bởi đó mới là tình yêu đẹp nhất mà cha mẹ dành cho con cái.

3. Giấu đi sự phụ thuộc 

Một số bậc cha mẹ sau khi nghỉ hưu sẽ ở vào một thái cực hoàn toàn khác. Họ bỗng cảm thấy mình đã bước vào tuổi già và sự phụ thuộc vào con cái ngày càng tăng lên. Họ nhờ con cái giúp đỡ mọi việc, mong nhận được sự quan tâm, chăm sóc nhiều hơn từ con cái.

Nhưng làm con không phải là phận duy nhất của chúng. Con bạn có cuộc sống của riêng mình, là con của bạn và cũng là bạn đời, cha mẹ của người khác. Ngoài cha mẹ ra, chúng còn có rất nhiều việc phải lo liệu, nhiều người phải chăm sóc.

Điều này khiến các con không phải lúc nào cũng có thể dành hết tâm sức cho cha mẹ như những gì các bậc phụ huynh kỳ vọng. Khi còn có thể, hãy độc lập trong các công việc của mình. Cha mẹ khi quá phụ thuộc sẽ gây ra gánh nặng lớn cho con cái.

4. Giấu đi mong muốn so sánh

Sau 2 năm nghỉ hưu, cô Trương tự thấy cuộc sống của mình khác trước rất nhiều, từ công việc hàng ngày tới các mối quan hệ xã hội. Những gì cô nhìn và nghe thấy xung quanh chỉ là những điều tầm thường của hàng xóm, từ chuyện nhà nào cãi nhau hay ai đó có thứ gì mới.

Một lần, cô thấy vài người chị lớn tuổi trong khu đeo những chiếc vòng vàng rất đẹp. Hỏi kỹ ra, cô mới biết có người được con cái tặng, người là vì có lương hưu cao nên tự thưởng cho chính mình. Nhìn ra xung quanh, cô không khỏi cảm thấy ngưỡng mộ pha lẫn chút ghen tị.

Nhìn lại bản thân, lương hưu thì không cao, con cái cũng chẳng hiểu chuyện như vậy, cô Trương bắt đầu thấy giận, hay quát mắng trong nhà. Chồng con cô sau khi hiểu ra vấn đề cũng đã mua cho mẹ một chiếc vòng tay vàng như vậy.

Nhưng một khi đã so sánh, lần đầu rồi sẽ có lần hai, lần ba. Thật khó để dừng lại. Ban đầu, cô Trương thường kể chuyện bóng gió nhà hàng xóm mới được các con mua cho thứ này thứ kia, sau này sẽ thẳng thừng nói về việc bản thân đã già, phận làm con phải lo cho cha mẹ cuộc sống tốt như con nhà người khác. 

Không khí trong gia đình dần trở nên ngột ngạt hơn, cuối cùng vợ chồng người con trai vì không chịu được mà quyết định dọn ra ở riêng. Cú sốc này khiến cô Trương phải ngẫm lại về bản thân mình, rằng ham muốn so sánh là vô hạn, của cải vật chất không mang lại hạnh phúc thực sự.

Bởi vậy, sau khi nghỉ hưu, chúng ta cần giấu đi mong muốn so sánh của mình. Một gia đình hạnh phúc và sức khỏe tốt chính là tài sản cả đời mà không ai có thể lấy đi được của chúng ta. 

BẢO ANH.

Bình luận(0)