Nếu cơ thể bạn đang ở trạng thái mệt mỏi kéo dài, nguyên nhân không chỉ đến từ áp lực công việc hay lối sống ít vận động mà còn từ chế độ dinh dưỡng hằng ngày. (Ảnh minh họa).
Vì sao cơ thể cảm thấy mệt mỏi sau khi ăn?
Trên thực tế, có rất nhiều người cảm thấy cơ thể mệt mỏi, uể oải sau khi ăn no. Điều này được cho là bình thường bởi vì sau bữa ăn, cơ thể chúng ta tập trung phần lớn năng lượng vào quá trình tiêu hóa.
Để xử lý thức ăn, hệ tiêu hóa cần máu và oxy để hoạt động hiệu quả, do đó lượng máu lưu thông đến các cơ quan khác giảm đi, khiến chúng ta cảm thấy uể oải, thậm chí buồn ngủ.
Ngoài ra, một số loại thực phẩm như: gạo, bánh mì, khoai tây và các món chứa nhiều tinh bột có thể làm tăng sản xuất serotonin, một hormone giúp thư giãn, gây buồn ngủ. Thêm vào đó, chế độ ăn nhiều chất béo và đường cũng làm cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng để tiêu hóa, làm cho chúng ta cảm thấy mệt mỏi hơn sau khi ăn.
Tuy nhiên, vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn nếu các cơn mệt mỏi kéo dài, thậm chí cơ thể còn cảm thấy kiệt sức, không đủ khả năng đảm đương các công việc vốn có. Theo Tiến sĩ Schneider tại trung tâm Sharp Community Medical cho biết, cảm giác mệt mỏi thường là dấu hiệu đầu tiên của tình trạng thiếu chất dinh dưỡng, còn thể chất chỉ bị ảnh hưởng sau đó. Thật tiếc là chế độ ăn uống hiện đại của nhiều người lại chứa nhiều thực phẩm không tốt.
Ông nhấn mạnh: "Thực phẩm giàu năng lượng nhưng thiếu dưỡng chất không cung cấp đủ nhiên liệu cho cơ thể hoạt động tối ưu. Những loại thức ăn nhanh như thanh protein hoặc đồ uống có caffein chỉ cung cấp năng lượng ngắn hạn, sau đó sẽ khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi nhiều hơn”.
Một số loại thực phẩm có thể gây ra hiện tượng giảm năng lượng và khiến bạn cảm thấy kiệt quệ. (Ảnh minh họa).
Những thực phẩm nên tránh để không khiến cơ thể mệt mỏi
Thực phẩm nhiều đường
Thực phẩm chứa lượng đường cao như: bánh kẹo, nước ngọt hay nước ép đóng chai thường tạo ra cảm giác tỉnh táo ban đầu. Tuy nhiên, sau đó, cơ thể sẽ tiết ra insulin để xử lý đường, làm cho lượng đường trong máu giảm nhanh chóng và gây ra hiện tượng “sụt năng lượng” (sugar crash). Điều này có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng.
Lâu dài, việc tiêu thụ nhiều đường cũng làm tăng nguy cơ kháng insulin, gây tiểu đường và rối loạn năng lượng. Thay vào đó, bạn có thể chọn những nguồn đường tự nhiên như trái cây tươi hoặc các loại ngũ cốc giàu chất xơ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Carbohydrate có chỉ số GI cao
Carbohydrate có chỉ số GI cao như: bánh mì trắng, gạo trắng, bột mì tinh chế dễ gây ra tình trạng tăng và giảm đường huyết đột ngột tương tự đường tinh luyện. Chỉ số GI cao của các loại thực phẩm này khiến chúng tiêu hóa nhanh chóng, đường huyết sẽ tăng nhanh sau khi ăn và lại giảm đột ngột sau đó, dẫn đến trạng thái mệt mỏi và khó tập trung.
Thay vào đó, sử dụng loại ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu sẽ giúp cung cấp năng lượng ổn định hơn và giữ mức đường huyết bình thường.
Carbohydrate có chỉ số đường huyết (GI) cao dễ khiến đường huyết tăng cao, dẫn đến tình trạng mệt mỏi. (Ảnh minh họa).
Chất béo chuyển hóa
Chất béo chuyển hóa (trans fats) có trong thực phẩm chiên, thức ăn nhanh và các loại bánh quy công nghiệp có thể làm suy giảm hiệu quả hoạt động của tim mạch và làm chậm quá trình trao đổi chất. Không chỉ gây mệt mỏi, loại chất béo này còn liên quan đến nguy cơ béo phì, bệnh tim và tiểu đường.
Để cung cấp các loại chất béo có lợi cho sức khỏe, hãy chọn dầu ô-liu, dầu hạt cải, các loại hạt và quả bơ. Các chất béo không bão hòa này không chỉ cung cấp năng lượng bền vững mà còn tốt cho sức khỏe tim mạch.
Nitrat
Nitrat là một loại chất bảo quản được tìm thấy trong thịt chế biến sẵn như: xúc xích, lạp xưởng, thịt nguội, thịt xông khói. Nitrat giúp kéo dài thời gian bảo quản của thịt và cải thiện màu sắc, tuy nhiên nó có thể gây hại đến sức khỏe nếu tiêu thụ quá nhiều.
Nitrat có thể chuyển hóa thành nitrosamin, một hợp chất có thể gây ung thư. Ngoài ra, nitrat còn có thể ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu, gây rối loạn hệ tuần hoàn và làm giảm mức oxy trong máu, dẫn đến cảm giác mệt mỏi và thiếu sức sống.
Thay vì thịt chế biến, bạn nên chọn các nguồn protein sạch và ít xử lý như thịt gà, cá hoặc đậu để cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Nitrat là một chất phụ gia thường có trong thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói. (Ảnh minh họa).