Độc lạ người đàn ông ở Bình Dương mất 15 năm để đi sưu tầm sách giáo khoa cũ vì 2 chữ "đam mê"

Google News

Anh Nguyễn Văn Đương dành 15 năm để sưu tầm những cuốn sách giáo khoa, lưu bút trong vòng 100 năm qua.

Ký ức tuổi học trò qua 100 năm lịch sử

Trong cuộc sống hiện đại, đôi khi chúng ta bị cuốn vào guồng quay công việc và trách nhiệm, quên đi những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi học trò. Khác với lối suy nghĩ của số đông, anh Nguyễn Văn Đương quyết định đi sưu tầm những thứ người khác cho là “rác vụn”, biến chúng thành bộ sưu tập độc lạ khiến nhiều người ngạc nhiên. Đó là bộ sưu tập sách giáo khoa, vở học sinh và các đồ dùng học tập từ cả ba miền Bắc - Trung - Nam qua vòng 100 năm qua.

Bộ sưu tập với hàng nghìn cuốn sách giáo khoa vô cùng độc đáo của anh Đương

Anh Nguyễn Văn Đương (TP Thuận An, Bình Dương) hào hứng giới thiệu 20 tủ kính trưng bày đầy đủ sách, vở, lưu bút từ nhiều thập kỷ trước. Là người làm trong lĩnh vực sale xuất khẩu gỗ, anh Đương có nhiều cơ hội đi nhiều nơi để hỏi mua sách cũ.

Anh Đương chia sẻ: “Tôi muốn sưu tầm bao quát sách vở trong khoảng 100 năm vì sợ người ta không quan tâm, vứt bỏ sẽ mai một dần. Tôi kiên trì sưu tầm suốt 15 năm vì niềm đam mê, chủ yếu tìm mua qua nhà sách cũ, qua các diễn đàn trên mạng, mạng xã hội. Tôi thích xem sách giáo khoa, hình minh hoạ, ảnh lưu bút để xem trường lớp ngày xưa”.

Những cuốn sách cổ tuy ố vàng nhưng vẫn còn rõ nét chữ và nội dung.

Hiện tại, anh Đương sở hữu một bộ sưu tập khổng lồ với khoảng 8.000 cuốn sách giáo khoa, 5.000 cuốn vở học sinh và 400 cuốn kỷ yếu cùng nhiều đồ dùng học tập khác. Điều đặc biệt ở đây không chỉ là số lượng, mà còn là giá trị lịch sử của từng hiện vật. 

Những cuốn sách giáo khoa từ những năm 1890 và những bộ sách từ thập niên 1920 đến cuối thập niên 1940 là những báu vật mà anh Đương đã dày công săn tìm suốt hơn một thập kỷ. 

Sách giáo khoa tiểu học là hình ảnh đáng nhớ trong tuổi thơ của nhiều người.

“Cuốn cổ nhất là Minh tâm biểu giám, viết bằng chữ Nho năm Nhâm Ngọ, không ghi năm cụ thể nhưng tôi đoán nó từ năm 1882 trở về trước. Bên cạnh đó tôi cũng có một số cuốn được xuất bản những năm 1890. 

Cuốn sách khiến tôi tốn nhiều công sức sưu tầm nhất là bộ sưu tập sách giáo khoa để dạy trong chiến khu Việt Bắc thời kháng chiến. Ban đầu chủ nhân cũ không chịu bán vì đây là bộ sách quý. Vài năm sau đó nhờ có duyên với bộ sưu tập này mà cuối cùng tôi cũng mua được. Lúc đó tài chính của tôi cũng không dư dả lắm nhưng vì đam mê sưu tập tôi vẫn cố gắng để mua được bộ sách”- anh Đương nhớ lại. 

Dấu ấn thời gian qua những trang sách ố vàng 

Một trong những câu chuyện đáng nhớ nhất của anh Đương là về bộ sách tập đọc và học vần lớp Vỡ lòng ở miền Bắc những năm 1960. Anh đã sưu tầm được khoảng 10 cuốn từ ba miền Bắc - Trung - Nam, nhưng điều thú vị là trên trang bìa của các cuốn sách này đều có cùng một chữ ký. Hóa ra, tất cả các cuốn sách này đều từng thuộc về một người chủ, được chuyền tay qua nhiều thế hệ học sinh khắp ba miền.

Một cuốn lưu bút năm 1954 mà anh Đương sưu tầm được.

Anh Đương tâm sự: “Khi đọc những cuốn lưu bút của những người bạn gửi cho nhau vào năm 1954, có rất nhiều hình ảnh thanh xuân của chủ nhân cũ khi còn là học sinh cuối cấp. Có những cuộc chia tay ở hai đầu đất nước khiến tôi rất xúc động.

Khi xem những cuốn lưu bút cách đây cả 70 năm, tôi như thấy được quá khứ của nhiều người hiện lên trước mắt như những thước phim lịch sử. Những tâm tình, trăn trở họ gửi cho nhau làm cho tâm hồn của mình cũng như được giao thoa, chứng kiến số phận con người vào những thời khắc đặc biệt của dân tộc”.

Nhìn vào những cuốn sách giáo khoa từ thế hệ trước, anh Đương nhận thấy chúng có cách trình bày đơn giản, hình ảnh mộc mạc, giản dị hơn so với sách ngày nay nhưng vẫn chứa đựng sự sâu sắc, ý nghĩa của giáo dục.

Những cuốn vở với hình ảnh minh hoạ phụ nữ thập niên 60-70 thế kỷ trước.

“Ước mơ của tôi là tiếp tục duy trì việc sưu tầm sách cổ và xây dựng được một bảo tàng tư nhân riêng để lưu trữ tốt nhất những tư liệu quý giá này. Có nhiều người trả giá cao nhưng tôi không bán vì với tôi bộ sưu tập này là vô giá”- anh Đương cho biết. 

Những cuốn sách và đồ dùng học sinh trong bộ sưu tập của anh Đương không chỉ là những hiện vật lịch sử mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa sâu sắc. Mỗi cuốn sách, mỗi cuốn vở đều là dấu ấn thời gian của hàng ngàn con người từ khi họ là những đứa trẻ cắp sách đến trường cho đến khi trưởng thành, gửi lời tạm biệt nhau qua quyển lưu bút. Những trang sách càng ố vàng, màu mực càng phai, nhưng những giá trị văn hóa và lịch sử vẫn mãi được gìn giữ theo thời gian.

AN VÕ

Bình luận(0)