Loại quả xưa không ai biết đến, giờ thành đặc sản có hương vị lạ người thành phố ưa chuộng, 250.000 đồng/kg

Google News

Loại quả này mọc dại ở núi rừng Tây Bắc và Tây Nguyên, thơm nồng như sả nhưng không cay bằng tiêu rừng. Gần đây, chúng được người dân thành phố tìm mua về làm gia vị cho các món nướng hoặc làm muối chấm.

Trên một số trang bán đặc sản vùng miền có rao bán quả màng tang dưới dạng tươi và khô thu hút sự chú ý của nhiều người. Người bán cho biết, màng tang rất thơm, tương tự như mùi sả, có vị cay nhẹ hơn so với hạt tiêu, là đặc trưng của núi rừng Tây Bắc và Tây Nguyên. 

Theo tìm hiểu, màng tang có tên khoa học là Litsea cubeba Pers, thuộc họ long não. Chúng có tên gọi khác là tiêu núi. Cây màng tang mọc rải rác hoặc tập trung thành từng đám nhỏ ở độ cao khoảng 1.500m trong rừng thứ sinh, cao chừng 5-8m. Chúng ra hoa vào tháng 2 đến tháng 3, bắt đầu thu hoạch quả từ tháng 7 đến tháng 8. Quả này có ở các nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, chúng có nhiều ở Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng.

Quả màng tang thơm mùi sả, không cay bằng tiêu rừng, được dùng làm gia vị cho các món nướng

"Quả này rất giống với hạt tiêu rừng nhưng chúng cay nhẹ hơn, đặc biệt là nó thơm mùi sả. Ngoài làm gia vị cho các món nướng, hay làm muối chấm thì tinh dầu từ quả màng tang được dùng để tạo mùi thơm trong nhiều loại mỹ phẩm", anh Ngọc (ở Lạng Sơn) chia sẻ. 

Theo anh Ngọc, trên thị trường màng tang được bán có 3 loại: tươi, khô và bột. Nếu bán lẻ, màng tang tươi có giá 70.000 đồng/kg, màng tang bột có giá 250.000 đồng/kg nhưng không phải lúc nào cũng mua được và cũng ít người biết tới thứ quả núi rừng này. 

"Trước đây người dân địa phương hái màng tang về làm gia vị cho các món ăn dân dã ở địa phương. Dần dần, thứ quả dại này được nhiều người biết tới hơn. Khách ở Hà Nội và các tỉnh thành đặt mua về để làm gia vị cho món nướng. Nhiều đầu bếp nhà hàng cũng dùng màng tang cho các món ăn để tạo nên hương vị riêng. Có người thích dùng quả tươi để đậm mùi tinh dầu, có người thích dùng dạng bột cho tiện", anh Ngọc nói thêm.

Sản phẩm tinh dầu từ quả màng tang có mùi thơm dịu nhẹ, dùng để tắm, xông hơi, massage, xông hương khử mùi, đuổi muỗi...

Cũng là người dân vùng núi, chị Thúy Hằng (ở Kon Tum) cho hay, quả màng tang mọc thành từng chùm, quả bé nhưng cây nào cây nấy chi chít, mùi thơm nồng đậm, khi chín có màu đen sậm. 

"Quả này rất thơm, nhưng nên dùng trong vòng 6 tháng, sau 6 tháng mùi tinh dầu sẽ bay dần, không còn thơm nồng. Người ra dùng màng tang thay thế cho hạt tiêu, sả trong chế biến món ăn. Chúng còn được dùng làm muối chấm. Hoặc sắc nước uống tốt cho tiêu hóa. Những năm gần đây quả này được nhiều người tìm mua nên bà con vào rừng thu hái để bán ra thị trường", chị Hằng nói. 

Một số người dân ở vùng cao đã mở rộng mô hình sản xuất tinh dầu màng tang mang lại nguồn thu nhập khá. 

Anh Chính (ở xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) cho biết với 3 tạ quả đem chưng cất từ 8-10 tiếng sẽ thu được 8 kg tinh dầu. Muốn có hàm lượng tinh dầu cao nhất, thì sau thu hái phải chưng cất ngay, nếu không phải bảo quản trong túi nilon đóng kín. Trong quá trình chưng cất, nhiệt độ là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng tinh dầu, nên lửa phải đều, không quá to hoặc quá nhỏ. 

Sản phẩm tinh dầu màng tang mùi thơm dịu nhẹ, dùng để tắm, xông hơi, massage, xông hương khử mùi, đuổi muỗi... Màng tang là loại cây có tuổi đời ngắn, chỉ cho thu hoạch quả khoảng 4 năm là chết khô, cây lại thường mọc lẻ tẻ, phân tán. Vì thế hiện cây này được ươm giống, trồng cây màng tang vào diện tích đất đồi trống, bỏ hoang để thu hoạch quả.

H.A

Bình luận(0)