Năng lượng tái tạo
Giữa bối cảnh toàn cầu đối mặt với thách thức về biến đổi khí hậu và nguồn năng lượng bền vững, ngành năng lượng tái tạo là lĩnh vực ngày càng đóng vai trò quan trọng. Báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, ngành năng lượng tái tạo đang sở hữu tiềm năng tạo việc làm vô cùng to lớn. Dự kiến đến năm 2030, ngành này sẽ tạo ra 38 triệu việc làm mới, con số này sẽ tiếp tục tăng lên 43 triệu vào năm 2050, gấp đôi so với mức dự báo trước đó.
Tại Việt Nam, với quyết định tăng tỷ phần năng lượng tái tạo từ 10,7% lên 30% trong Quy hoạch điện VIII đã mở đường cho gần 1 triệu việc làm mỗi năm được tạo ra từ ngành điện đến năm 2030. Trong đó nổi bật là điện gió và năng lượng mặt trời với khoảng 25% số việc làm dành cho lao động tay nghề cao.
Chính vì vậy, sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành này hoàn toàn có thể làm việc tại nhiều vị trí như: Kỹ thuật (kỹ sư điện, hạt nhân, cơ khí, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các năng lượng tái tạo khác); Tư vấn môi trường (tư vấn khí hậu, cố vấn môi trường)... Mức lương dao động cho ngành này từ 10 đến trên 30 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào trình độ và số năm kinh nghiệm làm việc.
Theo phương thức xét tuyển sớm, điểm chuẩn ngành năng lượng tái tạo tại một số trường đại học như sau: Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM (21,75 điểm); Đại học Công nghiệp Hà Nội (Xét thí sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố là 25,56; xét kết quả học tập THPT là 27,00; xét kết quả thi đánh giá tư duy năm 2024 là 15,36); Đại học Bách Khoa Hà Nội (85,14 điểm).
Dược học
Ngành Y tế Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Dược. Hiện số nhân lực có trình độ đại học trở lên mới chỉ đạt khoảng 19%, trong đó 1,21% tiến sĩ và 1,73 thạc sĩ dược học. Bên cạnh đó, sự gia tăng của các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn cũng khiến nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành Dược tăng.
Theo đuổi ngành Dược, sinh viên có cơ hội tiếp cận với các vị trí công việc đa dạng như: Làm việc ở các nhà thuốc, nhà máy hay bệnh viện. Ngoài ra, dược sĩ có thể đảm nhiệm các vị trí như bán thuốc, tư vấn sử dụng thuốc, nghiên cứu thuốc. Tùy thuộc vào trình độ và kinh nghiệm, mức lương của ngành Dược đạt mức 20 - 30 triệu đồng/tháng, thậm chí cao hơn nữa nếu tự mở nhà thuốc tư nhân.
Một số trường đại học đào tạo ngành Dược học chất lượng: Đại học Dược Hà Nội (28,09 điểm), trường Đại học Y dược - Đại học Quốc gia Hà Nội (20,00), Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam (21 điểm), trường Đại học Y Dược - Đại học Huế (22,70 điểm), Đại Học Y Dược TP.HCM (25,5 điểm)... Mức điểm chuẩn dựa theo phương thức xét tuyển sớm năm 2024.
Dữ liệu và phân tích
Dữ liệu và phân tích đang trở thành yếu tố then chốt trong nhiều ngành nghề. Điều này xuất phát từ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và tăng trưởng dữ liệu lớn đã mở ra các cơ hội để thực hiện phân tích, đánh giá chi tiết về khách hàng, xu hướng thị trường, quyết định chiến lược…
Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh đều dựa trên việc phân tích dữ liệu để đưa ra thông tin hữu ích giúp tổ chức tối ưu hóa hoạt động, cải thiện hiệu suất và phát triển sản phẩm, dịch vụ. Ngành này cần những chuyên gia có kỹ năng và chuyên môn cao trong phân tích dữ liệu, hiểu biết về công nghệ và khả năng áp dụng lý thuyết vào thực tiễn.
Một số trường đại học đào tạo chuyên ngành khoa học và phân tích dữ liệu bao gồm: Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (nhóm 1 là 27,00 & nhóm 2 là 21,0 điểm); Đại học Bách Khoa Hà Nội (28 điểm); Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội (1300 điểm); Đại học Công nghệ TP.HCM (650 điểm)... Mức điểm chuẩn dựa theo các phương thức xét tuyển sớm với thang điểm từng trường đưa ra.
Trí tuệ nhân tạo
Theo chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu đưa AI trở thành công nghệ mũi nhọn, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về AI trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, TS Đinh Ngọc Minh, Chủ nhiệm cấp cao Chương trình thạc sĩ AI, Đại học RMIT Việt Nam cho hay, số lượng nhân lực AI tại Việt Nam hiện chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu tuyển dụng.
Nhiều doanh nghiệp có nguồn dữ liệu lớn từ khách hàng, thị trường nhưng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đội ngũ nhân lực chuyên sâu về AI. Trong khi đó, kỹ sư AI là một trong những vị trí thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) luôn nằm trong top 3 về thu nhập. Khảo sát của TopDev cho thấy, mức lương trung bình của kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam hiện nay là 3.054 USD (khoảng 75,9 triệu đồng).
Hiện một số trường Đại học tại Việt Nam đào tạo chuyên ngành này: Đại học Kinh tế – Luật TP.HCM; Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Kinh tế TP.HCM; Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM… Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự kiến điểm chuẩn ngành Trí tuệ nhân tạo năm 2024 sẽ dao động từ 18-28 điểm tùy vào từng trường và vùng miền.
Điều dưỡng
Điều dưỡng là ngành học thuộc hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực y tế và quy trình chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam cần bổ sung khoảng 72.000 bác sĩ và 304.000 điều dưỡng viên.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng cho biết, nguồn nhân lực điều dưỡng thiếu nhiều về số lượng, năng lực chuyên môn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Công tác chăm sóc người bệnh còn phụ thuộc khá nhiều vào người nhà bệnh nhân. Điều dưỡng hành nghề chưa phù hợp với với văn bằng đào tạo hoặc chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn và hội nhập…
Chính vì vậy, điều dưỡng hiện được xem là ngành học có sức hút lớn đối với các bạn học sinh trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề. Một số trường đào tạo ngành Điều dưỡng hiện nay, gồm: Đại học Y Dược TP. HCM (19,00 điểm); Đại học Kỹ thuật Y Dược - Đại học Đà Nẵng (Điều dưỡng nha khoa 24,92 điểm - Điều dưỡng gây mê hồi sức 24,38 điểm); Trường Y Dược - Đại học Đà Nẵng (24,70 điểm); Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương (21 điểm);... Mức điểm chuẩn dựa theo phương thức xét tuyển sớm năm 2024.
Digital Marketing
Ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT dự đoán, Digital Marketing và Content Marketing sẽ là hai nghề “hot” nhất trên thị trường lao động ở Việt Nam từ nay đến năm 2030. Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cũng chỉ ra, đến 2025, ngành Marketing cần tới 21.600 lao động trở lên mỗi năm.
Dù là ngành học có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng mức độ đào thải cũng khá lớn. Vì thế, các bạn trẻ cần xây dựng kiến thức nền tảng chuyên môn vững chắc, không ngừng trau dồi để hoàn thiện và nâng cao kỹ năng, trình độ của bản thân. Một khảo sát được thực hiện bởi Salaryexplorer, ngành Digital Marketing ở Việt Nam nhận được mức lương từ 12,2 triệu đến 34,2 triệu đồng mỗi tháng.
Một số trường đào tạo ngành Digital Marketing hiện nay: Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM (27 điểm); Đại học Cần Thơ (28,3 điểm); Đại học Công nghiệp Hà Nội (28,55); Học viện Ngân hàng (39,9 điểm)... Các mức điểm trúng tuyển này được công bố theo phương thức xét tuyển sớm năm 2024.