Zeng Jianfeng năm nay 35 tuổi, lớn lên tại Tuyền Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc. Từ nhỏ, anh đã biết mình là đứa trẻ bị bắt cóc. Khi khoảng 5, 6 tuổi, anh bị 2 người đàn ông lạ mặt bắt cóc tại quê nhà. Chúng đưa anh lên tàu hỏa đi 2, 3 ngày đến Phúc Kiến.
"Lúc đầu, họ bán tôi cho một cặp vợ chồng lớn tuổi. Không lâu sau, tôi được đưa đến nhà cha nuôi hiện tại", anh nhớ lại.
Càng lớn, Zeng Jianfeng càng cảm thấy thân thuộc mỗi khi nghe thấy tiếng Tứ Xuyên.
"Tôi nghĩ có lẽ mình là người Tứ Xuyên. Tôi nhớ mang máng tên mình có 4 chữ, nhưng không thể nhớ chính xác", anh nói.
Sau khi kết hôn và có con, anh càng mong muốn tìm lại cha mẹ ruột và quyết định bắt đầu hành trình tìm kiếm.
"Nếu cha mẹ ruột tôi còn sống thì họ cũng đã nhiều tuổi rồi. Nếu không tìm kiếm sớm, tôi sợ mình sẽ muộn mất”, Zeng Jianfeng chia sẻ.
Vợ anh cũng rất ủng hộ chồng trong việc tìm về nguồn cội. Anh đã đăng thông tin tìm kiếm trên trang web "Baby Come Home". Các tình nguyện viên sau khi liên hệ và nắm bắt thông tin của anh đã bắt đầu hỗ trợ anh tìm kiếm người thân.
Zeng Jianfeng và cô ruột.
Theo các tình nguyện viên của "Baby Come Home", từ dữ kiện Zeng Jianfeng nhớ tên mình có 4 chữ, rất có thể quê hương anh nằm ở một trong những khu vực dân tộc thiểu số của Tứ Xuyên. Vì vậy, các tình nguyện viên đã bắt đầu tìm kiếm từ Lương Sơn.
Sau nhiều lần điều tra, họ cuối cùng đã tìm thấy manh mối tại Đức Thang, Lương Sơn. Một gia đình người Y tại đây đã mất tích một bé trai khoảng 29 năm trước, tuổi tác trùng khớp với Zeng Jianfeng khi đó. Qua so sánh mẫu máu, họ xác định được rằng ông Ma ở Đức Thang và người tìm kiếm họ hàng Zeng Jianfeng ở Phúc Kiến chính là cha con ruột.
Zeng Jianfeng trở về quê hương sau 29 năm xa cách.
Ông Ma nhớ lại những ngày đó, khi ông và vợ cũ có với nhau một người con trai tên là Mabivusa. Khi đứa trẻ được 2 tuổi, ông và vợ ly hôn, con trai sống với ông bà nội.
Vào một ngày tháng 5 năm 1995, Mabivusa lúc đó 6 tuổi đã biến mất khi đang chơi ở nhà.
"Chúng tôi huy động hàng chục người trong gia đình đã tìm kiếm khắp nơi và phát hiện chiếc áo khoác của con bị giấu trong bụi cỏ ở một ngã ba đường. Chúng tôi nghi ngờ con đã bị bắt cóc", ông nhớ lại.
Suốt những năm qua, ông Ma chưa khi nào từ bỏ việc tìm kiếm con trai. Ông đã nhiều lần đi đến các tỉnh khác để tìm kiếm nhưng đều vô vọng. Nhiều đêm, ông vẫn thấy con trai mình trở về trong giấc mơ.
Trong ký ức thời thơ ấu của Zeng Jianfeng, ở quê nhà anh có một "chị gái" rất yêu thương và thường đưa anh đi chợ. Tuy nhiên, ông Ma cho biết con mình không có chị gái mà người đó chính là cô ruột. Vì hai người chỉ cách nhau vài tuổi nên từ nhỏ đã chơi cùng nhau. Ngày xảy ra vụ mất tích, cô ruột cũng đang chơi với Zeng Jianfeng ở nhà. Việc cháu trai mất tích đã trở thành nỗi ám ảnh suốt nhiều năm của cô.
Cảnh đoàn tụ đầy xúc động
Hơn 20 năm qua, cô ruột Ma luôn sống trong sự day dứt. Bà tự trách mình vì đã không trông chừng được cháu trai. Ngày đó, ông bà nội vốn định đưa Zeng Jianfeng đi chợ ở thị trấn gần đó nhưng cô ruột Ma không muốn cháu đi nên đã giữ cháu lại nhà để cùng mình trông vịt. Sau đó, cô ruột Ma một mình đi chợ và rồi cháu trai biến mất.
Mới đây, với sự hỗ trợ của các tình nguyện viên "Baby Come Home", Zeng Jianfeng đã từ Phúc Kiến trở về Đức Thang, Lương Sơn để tìm người thân. Biết được tin vui này, bà con làng xóm đến đông đủ ở đầu làng để chờ đợi.
Người cha đã chờ đợi bao năm ôm chầm lấy con trai, nỗi nhớ nhung bao lâu nay tuôn trào thành nước mắt. Cảnh tượng đó đã khiến tất cả những người có mặt đều xúc động.
Về đến nhà, cô ruột Ma nhìn cháu trai mà khóc nấc. "Con à, cô hối hận lắm. Đáng lẽ cô không nên để con ở nhà một mình. Tất cả là tại cô. Nếu không phải vì cô thì ngày hôm đó con đã không bị bắt cóc".
Zeng Jianfeng an ủi cô ruột: "Đó không phải lỗi của cô, là lỗi của bọn bắt cóc".
Chia sẻ với phóng viên, Zeng Jianfeng cho biết ban đầu anh chỉ thử đăng ký tìm kiếm người thân, không ngờ lại tìm được gia đình ở Tứ Xuyên.
"Cuối cùng, tôi đã hoàn thành được ước nguyện của mình và gỡ bỏ được nút thắt trong lòng", anh xúc động nói.