Đại gia "giàu kếch xù" là ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu, tặng cháu gái 20.0000 lượng vàng làm hồi môn

Google News

Ông Huyện Sỹ được biết đến là ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu, là người giàu có bậc nhất ở Nam Kỳ Lục Tỉnh thời trước, thậm chí khối tài sản còn vang danh khắp Đông Dương.

Với những ai theo dõi lịch sử Việt Nam, chắc chắn không xa lạ với Nam Phương Hoàng Hậu, vị Hoàng hậu đặc biệt của triều đại phong kiến nhà Nguyễn. Bên cạnh chuyện tình với vua Bảo Đại, Nam Phương Hoàng Hậu còn được chú ý khi xuất thân trong gia đình giàu sang. Trong ngày về nhà chồng, Nam Phương Hoàng Hậu được gia đình bên ngoại tặng 20 nghìn lượng vàng làm của hồi môn. Ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu - ông Huyện Sỹ là đại gia giàu có bậc nhất đất Sài Gòn lúc bấy giờ.

Chân dung Nam Phương Hoàng Hậu, vị Hoàng hậu có xuất thân trong gia đình giàu có

Đại gia Huyện Sỹ - Một trong tứ đại phú hào giàu có ở Sài Gòn đầu thế kỷ 20

Ông Huyện Sỹ có tên thật là Lê Nhất Sỹ, sinh năm 1841 tại Cầu Kho (Sài Gòn), quê quán gốc ở Tân An (Long An) trong một gia đình theo đạo Công giáo. Ông có điều kiện đi du học ở Malaysia và biết nhiều thứ tiếng khác nhau như: Pháp, La Tinh, Hán…Do tên ông trùng với một người thầy dạy nên sau đó đổi tên Sỹ thành Lê Phát Đạt. Từ đây cái tên Huyện Sỹ Lê Phát Đạt gắn bó với ông.

Sau khi về nước, ông được Chính phủ Nam Kỳ bổ dụng làm thông ngôn, đến năm 1880 làm Uỷ viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ. Dù xuất thân gia đình không quá giàu có nhưng đến thời của ông Huyện Sỹ thì nhanh chóng trở thành người giàu có bậc nhất đất Sài Gòn. 

Vợ của ông Huyện Sỹ là bà Huỳnh Thị Tài, sinh hạ được các người con gồm: Lê Thị Bình, Lê Phát An, Lê Phát Thanh, Lê Phát Vĩnh, Lê Phát Tân. 

Theo một số thông tin thì việc giàu lên của gia đình ông Huyện Sỹ có không ít yếu tố may mắn và nhạy bén với thời cuộc. Thời kỳ khoảng năm 1904, khi nắm trong tay đất đai ruộng vườn, vận đỏ ruộng trúng mấy mùa liên tiếp ông Huyện Sỹ phất lên giàu có “nứt nố đổ vách".

Ông Huyện Sỹ và vợ trong một bức ảnh

Có một số lời đồn rằng ngôi nhà lầu đồ sộ của ông Huyện Sỹ tại Tân An được cất trên thế đất hàm rồng nên gia đình thuận đường làm ăn, trở nên giàu có danh gia vọng tộc bậc nhất thời đó.

Nếu đi bằng xe máy từ nhà thờ Huyện Sỹ đến nhà thờ Hạnh Thông Tây phải mất gần 1 tiếng, đất đai rộng mênh mông. Con của ông Huyện Sỹ trong đó có bà Lê Thị Bính (mẹ Nam Phương Hoàng Hậu) là những đại điền chủ có rất nhiều đất đai khắp các tỉnh.

Sự giàu có của ông Huyện Sỹ vẫn còn được thể hiện cho đến ngày nay một cách rõ nét qua các công trình xây dựng được lưu lại. Trong đó là nhà thờ Huyện Sỹ, được ông hiến đất và 1/7 gia tài để xây dựng. Nếu tính theo thời giá lúc bấy giờ thì khoảng trên 30 nghìn đồng bạc Đông Dương.

Gia đình ông Huyện Sỹ tặng cháu gái Nam Phương Hoàng Hậu 20 nghìn lượng vàng làm của hồi môn

Mức độ giàu có của gia đình ông Huyện Sỹ được đồn thổi hơn rất nhiều so với vua Bảo Đại. Có câu chuyện là vào năm 1934, khi cô cháu gái Nguyễn Hữu Thị Lan (tức Nam Phương Hoàng Hậu) về Huế làm Hoàng hậu của vua Bảo Đại, gia đình ông Huyện Sỹ đã tặng 1 triệu đồng tiền mặt để làm của hồi môn. Nếu quy đổi thì 1 triệu đồng lúc đó với giá 50 đồng/lượng vàng, thì món quà này tương đương 20 nghìn lượng vàng.

Một hình ảnh trong đám cưới tại Huế của Nam Phương Hoàng Hậu

Thậm chí gia đình cha mẹ của Nam Phương Hoàng Hậu, cũng được cho là giàu có hơn vua Bảo Đại. Nên có thông tin trong khoảng thời gian làm vua của mình, vua Bảo Đại dùng tiền của nhà vợ nhiều hơn cả tiền hoàng gia.

Nam Phương Hoàng Hậu là vị Hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Bà cũng là người hiếm hoi được phong làm Hoàng hậu khi còn sống. Sau khi vua Bảo Đại thoái vị, đến năm 1947 bà cùng các con sang Pháp. Đến năm 1963 thì Nam Phương Hoàng Hậu qua đời và được an táng tại Pháp.

Dù nắm trong tay khối tài sản đồ sộ nhưng gia đình ông Huyện Sỹ không tiêu xài hoang phí mà tập trung phát triển nông nghiệp, truyền bá đạo Công giáo. Trong nhà có để một câu đối rằng: “Cần giữ kiệm, trị gia thượng sách/ Nhẫn nhi hòa, xử thế lương đô" (Tạm dịch: trong gia đình phải chăm chỉ và tiết kiệm/ Xử thế với người ngoài phải hoà hoãn nhẫn nhịn).

Tượng bán thân của ông Huyện Sỹ được đặt tại nhà thờ Huyện Sỹ do chính ông xây dựng

Năm 1900, ông Huyện Sỹ qua đời. Đến năm 1920, vợ của ông là bà Huỳnh Thị Tài cũng mất. Thi hài hai vợ chồng sau đó được đưa về an táng trong một gian phòng phía sau cung thánh tại nhà thờ Huyện Sỹ.

HÀ ANH

Bình luận(0)