Ở Bắc Kạn có một loại bánh nhỏ xíu nhưng hội tụ nhiều nguyên liệu và có hương vị vô cùng đặc trưng, đó là bánh trời.
Bánh trời còn có tên gọi khác là pẻng phạ, kích thước to bằng quả nhãn, màu trắng pha chút màu nâu của nhân bánh ẩn phía trong. Dù vẻ bề ngoài không lộng lẫy nhưng bánh trời hội tụ bao nguyên liệu, hương vị đặc trưng của vùng quê, hội tụ bao tình cảm, tâm huyết, sự sáng tạo của bà con ở Bắc Kạn. Chúng có mặt trong trong tất cả các ngày hội, lễ Tết, đặc biệt được dùng để dâng cúng dịp đầu năm mới nhằm cầu chúc những điều tốt đẹp, may mắn, nên người ta mới gọi nó với cái tên bánh trời.
Bánh trời có hương vị hấp dẫn
Được biết, gạo nếp, rượu trắng, chè mạn và đường mía là những nguyên liệu chính làm nên món bánh trời. Đầu tiên, gạp nếp xay mịn thành bột, cho nước chè mạn pha đặc vào bột để lấy màu nâu và vị chát, một chút rượu trắng thơm nồng rồi nhào đều cho đến khi quánh, mịn tay. Nặn bột thành những viên nhỏ tầm quả nhãn, công đoạn này đòi hỏi phải nặn đều tay thì thành phẩm mới đều và đẹp, sau đó nhanh tay cho vào chảo mỡ đang sôi sùng sục. Đảo bánh cho vàng rồi vớt ra, để ráo mỡ. Đường mía được nấu tan chảy rồi đun sôi thành chất dịch sền sệt, cho bánh vào ngập đường rồi vớt ra lăn ngay với bột áo.
Chị Điểm (người chuyên làm bánh trời để bán ra thị trường) cho biết công đoạn quan trọng nhất là lúc thả bánh vào mật mía, phải căn độ sôi mật mía vừa đủ ở tầm 70 độ C để thả bánh. Như thế bánh mới hút được mật vào trong, ăn có mùi thơm hòa quyện giữa mùi mật mía và mùi thơm của gạo nếp.
Khi ăn một miếng bánh bạn sẽ cảm nhận được vị cay nồng của rượu đầu tiên. Sau đó đến vị ngọt của đường, vị chát nhưng rất thơm của nước chè mạn và vị béo bùi của bột nếp. Tất cả hòa quyện mang lại cảm giác mới mẻ và cuốn hút khiến du khách thích thú.
"Bánh trời không chỉ là loại bánh truyền thống của người Bắc Kạn, nó còn thể hiện sự kính trọng công ơn của tổ tiên. Người dân Bắc Kạn mong muốn dâng lên trời đất những món ăn tinh quý nhất để cầu cho năm mới tốt lành. Ai ăn thử món này sẽ biết được lý do tại sao nó nằm trong danh sách 100 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam", chị Điền chia sẻ.
Bánh trời hội tụ nhiều nguyên liệu và có hương vị vô cùng đặc trưng
Nếu như trước đây chỉ có người dân địa phương biết tới bánh trời thì giờ đây chúng được bán đi rộng rãi khắp các tỉnh thành. Những người đến với Bắc Kạn đều tìm mua bánh trời về làm quà cho người thân, bạn bè.
Theo khảo sát, trên chợ mạng và một số sàn thương mại điện tử, bánh trời được đóng túi cẩn thận, rao bán với giá khoảng 50.000 đồng/gói 20 cái. Vì cái tên độc lạ và lời giới thiệu hấp dẫn, người thành phố đặt mua bánh trời về thưởng thức.
"Lúc đầu mình bán bánh trời, cư dân ở chung cư đặt mua vì tò mò muốn ăn thử. Thấy thứ bánh này thơm ngon và có hương vị riêng nên sau đó mọi người đặt hàng thường xuyên hơn, người ta còn mua về để thắp hương ngày rằm, mùng 1 hay các dịp lễ", chị Hạnh (người bán đặc sản ở Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.