Rắn là loài đáng sợ khiến ai gặp cũng khóc thét. Nhưng ở Tiền Giang, một số loài rắn lại là món đặc sản nổi tiếng, trong đó có rắn hổ hành. Theo tìm hiểu, rắn hổ hành có tên khoa học là Xenopeltis unicolor – một loài thuộc họ rắn nước (Colubridae). Chúng còn được biết đến với tên gọi khác là rắn Mống.
Loài rắn này xuất hiện nhiều ở miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là tại tỉnh Tiền Giang. Đặc điểm dễ nhận biết nhất là rắn hổ hành có các vảy ngũ sắc. Những chiếc vảy này sẽ phát ra màu sắc rất sặc sỡ dưới ánh nắng mặt trời. Phần lưng của rắn mống thường có màu nâu đỏ hay ánh đen, phần bụng có màu xám trắng.
Kích thước của rắn trưởng thành trung bình khoảng 80 – 100cm, cá biệt có những con dài đến 1.3m. Sau khoảng 10 tháng phát triển thì rắn có thể đạt tới trọng lượng 1.2kg.
Rắn hổ hành có các vảy ngũ sắc
Thêm một điểm đặc biệt của rắn hổ hành là răng của chúng không cố định mà được gắn với sợi cơ linh động có thể gập lên xuống được. Thông thường, các răng sẽ gập về phía sau giúp giữ chặt con mồi để chúng không có cơ hội thoát ra ngoài. Cấu tạo đặc biệt này giúp chúng có thể nuốt những con mồi cứng như chim, thằn lằn, ếch, nhái một cách dễ dàng.
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, rắn hổ hành không hề có nọc độc. Loài rắn này tấn công và giết chết con mồi bằng cách quấn rồi siết chặt cơ giống như trăn. Đặc biệt, rắn hổ hành có khả năng kháng lại nọc của một số loài rắn độc như cạp nia nam, cạp nia bắc và nhất là rắn hổ mang.
Nhìn vẻ ngoài có vẻ đáng sợ nhưng thực chất ở miền Tây, rắn hổ hành lại là một món đặc sản thượng hạng. Từ rắn hổ hành người ta chế biến thành nhiều món ngon khiến thực khách tấm tắc khen ngợi.
Chị Minh Hòa - chủ một nhà hàng đặc sản ở Tiền Giang chia sẻ: "Trước đây rắn hổ hành có nhiều trong tự nhiên, giá cả cũng rẻ nhưng bây giờ do khai thác bừa bãi nên lượng rắn ít dần, giá cả vì thế cũng tăng cao. Theo kinh nghiệm của nhiều người thì con rắn chừng nửa kg là vừa ăn, thịt ngọt mềm, nếu lớn quá thịt sẽ dai, mất đi mùi vị".
Lẩu rắn hổ hành là đặc sản thượng hạng ở miền Tây
Rắn sau khi bắt về được chặt bỏ đầu, rồi đem hơ rắn trên lửa ngọn hoặc trụng nước sôi. Nếu muốn ăn thịt giòn thì cạo sạch vẩy, sau đó mổ bụng theo chiều dọc suốt từ đầu xuống đến chót đuôi, bỏ hết ruột lòng và chặt khúc khoảng từ 3-5cm. Người miền Tây thường giữ lại túi mật để pha với rượu phục vụ thực khách trên bàn nhậu.
Rắn sau khi sơ chế xong không cần tẩm ướp, cho thẳng vào nồi cùng sả đập dập, đổ nước vừa ăn và cho lên bếp đun sôi chừng 20 phút. Tiếp đó, bỏ củ cải đã cắt khúc vào nấu thêm 10 phút, nêm nếm gia vị vừa ăn. Mùi thơm của xả sẽ giúp cho rắn loại bỏ được mùi hoi khó chịu.
Lẩu rắn có nước trong, vị ngọt đậm đà của thịt rắn. Khi ăn, thực khách thưởng thức thức cùng rau mồng tơi, mướp thái vát, lá lốt và các loại rau đặc sản của sông nước miền Tây.