Hà Nội đang bắt đầu bước vào những ngày nắng nóng, vì thế không ít người tính tình cũng thay đổi theo thời tiết. Chia sẻ trên một hội nhóm dành cho phụ nữ, chị Nga Đặng (34 tuổi, ở Hà Nội) kể về câu chuyện bản thân vừa gặp phải: Ngày cuối tuần, đúng hôm nắng nóng gay gắt nên chồng chị Nga đi uống bia cùng nhóm bạn, đến khoảng 21h thì về.
Khi anh về nhà, hai vợ chồng đã xảy ra cãi vã, nguyên nhân là chị Nga vừa vội vàng đón con đi học thêm về, vừa phải lo cơm nước cho các con, cộng với đó là có đơn đặt hàng nhưng không đi giao được (chị bán hàng online). Về phía người chồng thì cho rằng, lâu lâu mới đi nhậu một buổi và vào ngày cuối tuần, hơn nữa anh về sớm chứ không cùng nhóm bạn đi “tăng 2, tăng 3”.
Sau cuộc cãi vã, tranh luận khoảng 20 phút, chị Nga cảm thấy cơ thể nóng bừng, mặt đỏ phừng phừng, thậm chí có cảm giác hụt hơi, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, khó thở nên phải vào giường nằm nghỉ. Chị tâm sự rằng, mỗi khi cãi nhau với chồng chị vẫn bị tình trạng như vậy. "Như mọi khi tôi không mấy khi to tiếng với chồng, vì 21h về là khung giới hạn cho phép, hơn nữa trước khi đi anh đã báo trước. Có lẽ vì thời tiết nắng nóng, cộng thêm bỏ lỡ đơn hàng nên mình hơi mất bình tĩnh”, chị Nga chốt lại.
Cãi nhau xảy ra tình trạng "tăng xông" thì nên coi chừng bệnh tim mạch nguy hiểm. (Ảnh minh họa)
Chia sẻ của chị Nga cũng là tình trạng chung của khá nhiều chị em khác, nhất là việc cảm thấy “tăng xông” mỗi khi tranh luận, cãi vã hay bức xúc với chồng về chuyện gia đình. Tuy rằng, tình trạng trên sẽ giảm sau đó, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng đây là vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe, tuyệt đối không được chủ quan.
Ths.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, chuyện cãi vã hay va chạm vợ chồng trong cuộc sống là khó tránh khỏi, tuy nhiên nếu có biểu hiện như trường hợp trên thì cần phải quan tâm, thậm chí đi khám. Vì đó có thể xuất phát từ tình trạng tăng huyết áp trong mỗi lần tranh cãi.
"Dù chỉ là một xung đột thoáng qua trong hôn nhân cũng có thể làm cơ thể tăng huyết áp. Nếu kéo dài liên tục, chúng ta sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch", bác sĩ Thành cảnh báo.
Không chỉ vậy, việc mâu thuẫn đến mức xảy ra cãi vã có thể là biểu hiện của cuộc hôn nhân không hạnh phúc, nếu không tìm được tiếng nói chung, để tình trạng kéo dài sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Theo bác sĩ Thành, việc cãi vã nhau thường xuyên để lại hệ lụy rất nguy hiểm từ sức khỏe đến đời sống hôn nhân. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Thành lấy dẫn chứng về một nghiên cứu của các nhà khoa học từ Đại học Pittsburgh và Đại học Bang San Diego (Mỹ), khi đã khảo sát hơn 400 phụ nữ khỏe mạnh, được theo dõi tổng cộng 13 năm trước và sau mãn kinh.
Nhóm tác giả phát hiện ra bất mãn trong hôn nhân có thể làm tăng gấp 3 lần nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa, một nhóm trong các yếu tố nguy cơ tim mạch. Chỉ có phụ nữ góa chồng mới có nguy cơ cao hơn các bà vợ không hạnh phúc; kể cả phụ nữ ly dị và độc thân cũng có ít nguy cơ hơn họ.
Ở chiều hướng ngược lại, BS Thành cho biết, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hôn nhân hạnh phúc khiến phụ nữ khỏe mạnh hơn. Nguyên nhân không chỉ do không có căng thẳng trong mối quan hệ (mặc dù đó chắc chắn là một yếu tố).
Theo bác sĩ Thành, phụ nữ trong một cuộc hôn nhân hạnh phúc nhận được hỗ trợ về mặt tinh thần và xã hội, nhìn chung sự hỗ trợ này sẽ khuyến khích các hành vi có lợi cho sức khỏe. Thực tế, các nhà khoa học đã phát hiện phụ nữ trong các mối quan hệ tích cực sẽ được hưởng lợi từ việc dành nhiều thời gian hơn cho bạn đời. Do vậy, các cặp vợ chồng hãy quan tâm, sẻ chia cho nhau trong công việc, cuộc sống gia đình để có một hôn nhân hạnh phúc, từ đó sẽ có một cơ thể khỏe mạnh.