Bí mật trong những tờ giấy nhàu nát khiến mẹ giật mình
“Mỗi lần mẹ nói chuyện với con, mẹ không kiểm soát được lời nói và hay mất bình tĩnh. Mỗi lần con được điểm dưới 8 là mẹ bắt đầu mắng chửi, thậm chí đánh con. Đánh con xong, mẹ lại nói rằng “con đau môt, mẹ đau 10”. Tại sao mẹ đau 10 mà mẹ không hiểu cảm giác của con. Mẹ có hiểu cảm giác của con lúc đó không?”. Đó là những chia sẻ của cô bé 12 tuổi, ở Hà Nội và chính mẹ của của bé gái này cũng rất bất ngờ khi đọc được những dòng chữ của con.
Chị Nhật Hà (mẹ bé gái) thừa nhận rằng, bản thân chị không hề nhận ra cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực của con gái mình. Khi đọc được những dòng chữ ấy, chị cảm thấy xấu hổ, áy náy vì bấy lâu nay luôn áp đặt suy nghĩ, ý muốn của mẹ với con.
“Con không chia sẻ trực tiếp với tôi. Con viết ra những tờ giấy nhỏ, gấp làm nhiều nếp và tôi chỉ vô tình đọc được trong một lần dọn phòng cho con”, chị Nhật Hà chia sẻ. Ngay sau khi đọc được những chia sẻ, người mẹ đã ôm chầm lấy con và khóc, cũng như xin lỗi con. Bởi trong những tờ giấy nhàu nát ấy, có cả những dòng chữ nghệch ngoạc viết rằng: “Con không biết phải làm sao. Con chỉ biết câm nín khi mẹ đối xử với con như vậy. Có lẽ nào sự có mặt của con làm mẹ xấu hổ”.
Qua câu chuyện của mình, chị Hà chia sẻ với các mẹ đang có con ở tuổi dậy thì rằng, mọi người hãy quan tâm, lắng nghe con nhiều hơn. “Bố mẹ khắt khe cũng chỉ muốn tốt cho các con, nhưng cách tôi làm là sai. May mắn tôi vẫn còn biết được sự thật sớm và sửa sai trước khi quá muộn”, chị Hà nhắn nhủ.
Rất nhiều đứa trẻ khi bị áp lực không biết chia sẻ cùng ai, các con đã thể hiện sự bức xúc của mình qua những dòng chữ.
Ths.BS Nguyễn Hồng Bách, Chuyên gia trị liệu tâm lý, Giám đốc Viện Tâm lý học và Truyền thông cho biết, với trường hợp này, cô bé đang cố giải thoát những áp lực, suy nghĩ của mình ra trang giấy. Và để viết ra được những điều đó, thì sự việc chắc chắn đã xảy ra nhiều lần và cháu đã chấp nhận sống cùng một người mẹ như vậy, mà không hề phản kháng hoặc không thể nói ra thành lời.
Điều may mắn là người mẹ đã vô tình biết được suy nghĩ của con, hy vọng người mẹ sẽ thay đổi nhận thức để đồng hành cùng con trên con đường sắp tới. Nếu không biết sớm điều này sẽ rất nguy hiểm, khiến đứa trẻ bị ảnh hưởng nặng nề cả ở thời điểm hiện tại và tương lai.
Nhiều trẻ đang cố che đậy, để rồi bị rối loạn nhân cách lúc nào không hay
Bác sĩ Nguyễn Hồng Bách cho biết, những trường hơp như trên không nhiều, nhưng cũng không ít trong xã hội hiện đại. Nhiều phụ huynh vẫn nghĩ, đó là câu chuyện dạy con của mỗi gia đình nhưng thực sự nó có thể tác động rộng hơn.
Theo bác sĩ Bách, khi một đứa trẻ bị áp đặt, bị bạo hành cả về thể chất và tinh thần như đứa trẻ trên, đến một thời điểm nào đó, trong não trẻ sẽ dấy lên những đòi hỏi cho bản thân. Khi đến trường, chúng sẽ hỏi các bạn khác về cách hành xử của bố mẹ trong gia đình, sau đó có sự so sánh và nhìn lại chính mình. Từ đó, trẻ dễ dàng nhận thấy sự bất công và uất ức với chính cách hành xử của bố mẹ.
Có thể, thời gian đầu chúng sẽ luôn cố che đậy điều đó. Bởi con người khi sinh ra vốn đã có nhân cách che đậy này. Thế nhưng, cùng với nhân cách che đậy, đứa trẻ dần dần có hành vi chống đối bằng nhiều cách khác nhau. Đôi khi, chúng cố thể hiện là một đứa trẻ ngoan, nhưng thực chất các con đã chống đối bằng cách viết ra những suy nghĩ của mình và cố chịu đựng.
“Khi sự chịu đựng vượt quá ngưỡng, chúng sẽ bị rối loạn. Đầu tiên là những rối loạn về nhân cách, sau đó là rối loạn cảm xúc. Đáng nói, phụ huynh lại thường không nhận ra được những điều này. Chỉ đến khi để lại hậu quả mới nhận ra và khi đó có thể là quá muộn, hoặc phải đưa trẻ đi can thiệp, trị liệu tâm lý”, bác sĩ Bách cho hay.
Việc áp đặt suy nghĩ của phụ huynh cho con dễ khiến trẻ dễ bị rối loạn tâm lý, thậm chí là rối loạn nhân cách. Ảnh minh họa.
Để giải quyết vấn đề này, theo bác sĩ Bách, phụ huynh bắt buộc phải "cải tổ" nhận thức của mình, đó là đặt mình vào độ tuổi, vị trí của con để hiểu con, có các giáo dục con phù hợp. Bố mẹ có thể rèn con tính kỷ luật, nhưng không áp đặt và không dùng bạo lực để dạy con. Nếu cố thực hiện những điều này, nhất là việc dùng bạo lực thì còn bị vi phạm pháp luật.
Thực tế, ở những nước phát triển, trẻ vị thành niên sẵn sàng “kêu cứu” đến các tổ chức bảo vệ quyền trẻ em, thậm chí là kiện người giám hộ ra tòa khi bị bạo hành về thể chất và tinh thần. Còn tại Việt Nam, do nền văn hóa, đạo đức nên điều này không hoặc rất ít xảy ra, vì không đứa trẻ nào dám kiện bố mẹ. Hơn nữa, hệ thống bảo vệ quyền trẻ em vẫn còn rất thiếu và yếu, bản thân trẻ cũng không biết kêu cứu ở đâu nên chúng đành thể hiện ra những trang giấy nhỏ.
Vì thế, khi nhận ra đứa trẻ có biểu hiện khác thường, phụ huynh cũng cần đưa đi tham vấn, trị liệu về tâm lý để giúp trẻ thoát ra khỏi những rối loạn. Cùng với đó, chính những bậc phụ huynh cũng cần trị liệu, bởi đa số nguyên nhân khiến con bị rối loạn, đều có phần tác động của phụ huynh.
“Thực tế khám và trị liệu cho trẻ vị thành niên, chúng luôn sợ hãi, rụt rè khi có phụ huynh ngồi cùng bàn tham vấn. Chỉ khi tách riêng phụ huynh, trẻ mới được sống là chính mình, nói hết sự tình và nỗi uất ức mình đang chịu đựng. Do vậy, trị liệu tâm lý không chỉ dành riêng cho đứa trẻ, mà cả phụ huynh”, bác sĩ Bách nói.