Sinh viên tốt nghiệp sẽ sở hữu 2 bằng cử nhân
Trong những năm trở lại đây, ngành học Quản trị - Luật nhận được sự quan tâm lớn từ sĩ tử và phụ huynh nhờ đầu ra rộng mở với lượng kiến thức sau khi học tập có thể áp dụng ở đa lĩnh vực. Ngành học này giúp sinh viên tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu ở cả hai khối ngành: Quản trị kinh doanh và Luật. Hiện nay chỉ duy nhất 1 trường đại học đủ điều kiện mở tuyển sinh, giảng dạy và đào tạo là trường Đại học Luật TP.HCM.
Lĩnh vực Quản trị kinh doanh là quá trình quản lý các hoạt động của một tổ chức hoặc doanh nghiệp để đạt được mục tiêu kinh doanh, bao gồm: Quản lý tài chính, quản lý nhân sự, quản lý sản phẩm và dịch vụ, quản lý khách hàng và các hoạt động liên quan đến quảng cáo và tiếp thị. Còn với ngành Luật, sinh viên sẽ tìm hiểu tất cả các quy định pháp lý và quyền lợi của các bên trong quá trình kinh doanh, có thể kể đến các lĩnh vực pháp lý như hợp đồng, quyền sở hữu trí tuệ, lao động và bảo vệ người tiêu dùng.
Trong thời đại ngày nay, nền kinh tế ngày càng phát triển vượt bậc ở trong nước lẫn quốc tế. Tuy nhiên, sự phát triển nào cũng phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật để các hoạt động kinh tế diễn ra có hiệu quả và được kiểm soát bởi cơ quan, ban ngành. Vì thế, hai lĩnh vực này cùng nhau song hành, bổ trợ lẫn nhau để duy trì hoạt động kinh tế một cách an toàn, bền vững nhất.
Ngành học này đào tạo sinh viên có kỹ năng đàm phán, quản trị kinh tế, nhân lực và nắm vững các kiến thức về các bộ Luật hiện hành.
Từ đó, theo đuổi ngành Quản trị - Luật giúp sinh viên có thể hiểu được các quy định pháp lý liên quan đến quản trị kinh doanh, tăng cường kỹ năng quản lý, đưa ra quyết định và giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh doanh và luật pháp.
Nếu ngành Luật hay Quản trị kinh doanh mất 4 năm để hoàn thành chương trình học thì ngành Quản trị - Luật sẽ có thời gian đào tạo dài hơn, cụ thể là 5 năm. Khi tốt nghiệp sinh viên ngành Quản trị - Luật sinh viên sẽ được cấp 2 bằng cử nhân Quản trị kinh doanh và cử nhân Luật. Ngoài ra, trường Đại học Luật TP.HCM còn giảng dạy chương trình Chất lượng cao, tăng cường tiếng Anh đối với ngành học này.
Việc học 2 lĩnh vực song song trong cùng 1 khoảng thời gian, đòi hỏi sinh viên phải có tính chủ động, tự trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng để phục vụ cho học tập. Bên cạnh đó, sinh viên còn phải biết cách sắp xếp thời khoá biểu ôn luyện hợp lý để đảm bảo khối lượng kiến thức ở cả hai lĩnh vực vừa thuộc khối tự nhiên và xã hội.
Sinh viên theo học ngành này cần phải có tính kỷ luật tốt, khả năng chủ động trong học tập, tìm hiểu các tài liệu liên quan đến chuyên môn. Ngoài ra, do chương trình học kéo dài đến 5 năm, sinh viên cần phải sắp xếp thời gian, ổn định về tâm lý để tránh trường hợp bị áp lực đồng trang lứa.
Để theo đuổi ngành học này, sĩ tử có thể xét tuyển vào trường Đại học Luật TP.HCM bằng điểm thi THPT Quốc gia với nhiều tổ hợp khác nhau như: A00 (Toán - Lý - Hoá), A01 (Toán - Lý - Anh), D01 (Toán - Văn - Anh), D84 (Toán - Giáo dục công dân - Anh).
Năm 2024, trung bình thí sinh cần 8 điểm/môn để có thể trúng tuyển vào ngành Quản trị - Luật. Cụ thể, điểm chuẩn của khối D84 cao nhất với 24,87 điểm, khối A00 cán mốc 24,17 điểm, khối D01 là 23,87 điểm và cuối cùng là khối A01 với 23,27 điểm.
Đầu ra rộng mở, tỉ lệ có việc làm gần tuyệt đối
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thủy - Trưởng khoa Quản trị (trường Đại học Luật TP.HCM) cho biết: “Sinh viên ngành này khi ra trường có thể làm việc trong các lĩnh vực đòi hỏi kiến thức tổng hợp Quản trị và Luật như: Dịch vụ công cộng, thương mại quốc tế, quản trị doanh nghiệp, tài chính, tư vấn quản trị, tư vấn tài chính, tư vấn luật kinh doanh, quản lý doanh nghiệp…”.
Đồng thời, sinh viên cũng có thể công tác tại các cơ quan tuyển dụng cử nhân Luật hoặc bộ phận pháp chế của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngoài ra, sinh viên có thể trở thành Luật sư tư vấn cho các công ty luật, văn phòng luật sư hoặc làm công tác nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục...
Sinh viên ngành Quản trị - Luật có thể làm việc trong cơ quan nhà nước hoặc các doanh nghiệp, công ty từ trong nước lẫn ngoại quốc. Với kiến thức ở hai lĩnh vực Quản trị kinh tế và Luật pháp thì cử nhân hoàn toàn dễ dàng kiếm được công việc phù hợp.
Có thể thấy, đầu ra của sinh viên ngành Quản trị - Luật là không có giới hạn nhất định. Chỉ cần sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn, tự trau dồi về kỹ năng tin học, ngoại ngữ thì sau khi tốt nghiệp hoàn toàn kiếm được việc làm dễ dàng. Theo thống kê từ trường Đại học Luật TP.HCM, tỉ lệ sinh viên ngành học này sau khi tốt nghiệp có việc làm lên đến 98%.
Với hai tấm bằng cử nhân, sinh viên sau khi ra trường có thể tìm kiếm công việc với mức thu nhập dao động từ 8-15 triệu đồng/tháng hoặc thậm chí cao hơn trong một số vị trí có tính chất quản lý hoặc tư vấn pháp lý.