Các ngành dịch vụ tại Việt Nam, như du lịch, khách sạn, nhà hàng, bảo hiểm, truyền thông, vận tải… hiện bị ảnh hưởng khá nhiều từ nền kinh tế khó khăn, ví dụ như các khu du lịch – khách sạn vắng tanh, nhiều nhà hàng đóng cửa rồi trả mặt bằng,… Đặc biệt hàng trăm nghìn lao động bị sa thải do doanh nghiệp, công ty không có đơn đặt hàng.
Nhiều người cho rằng chỉ có ngành dịch vụ liên quan đến y tế và chăm sóc sức khỏe vẫn “đắt như tôm tươi”. Bởi ai đau ốm đều phải khám bệnh hoặc sử dụng thuốc để chữa trị, không dám tiết kiệm vì sức khỏe của bản thân… Song ít ai ngờ rằng ngách nhỏ của ngành này vẫn chung “số phận” như các ngành khác khi kinh tế kém phát triển.
Mai Hưng (27 tuổi, quê Nam Định) – nhân viên thị trường ngành Dược tâm sự: “Mình thấy nhiều người kháo nhau rằng làm nhân viên kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng… có mức lương cao so với các ngành nghề khác. Thậm chí họ còn khuyên con cháu thuộc thế hệ Gen Z hãy ứng tuyển vào vị trí đó – công việc nhàn nhã, thu nhập lại cao. Song thực tế nó không đơn giản tẹo nào, nhất là khi nền kinh tế suy thoái như hiện tại”.
Sau đó, Hưng giải thích cụ thể về công việc đang đảm trách. Theo đó anh có nhiệm vụ giới thiệu các sản phẩm thuốc mới, hướng dẫn cách dùng và tác dụng của thuốc đến các nhà thuốc, phòng khám, thuyết phục dược sĩ nhập thuốc về phân phối.
“Khách hàng của mình là các nhà thuốc, phòng khám. Trước khi tìm đến họ, mình phải cập nhật các thông tin về sản phẩm mới nhất, gồm tác dụng, cách sử dụng, ưu nhược điểm trong chữa trị bệnh…
Khi mình nắm bắt được thông tin sẽ đến từng nhà thuốc, phòng khám tại một số quận nội thành Hà Nội và vùng lân cận để “mời chào”. Mình hầu như chạy ngoài đường, chỉ khi nào đến nơi cần đến mới dừng xe. Nói chung nghề này không khác các chú các bác chạy xe ôm, có điều họ xong một cuốc xe là có tiền, còn mình thì chưa chắc”, Hưng cho hay.
Chàng trai gốc Nam Định cho biết làm nhân viên môi giới thuốc phải bất chấp mưa nắng, sử dụng cả quỹ thời gian cá nhân. Anh thường làm việc từ 8h30 sáng đến tận tối muộn, cứ miệt mài ghé các cửa hàng thuốc tây, phòng khám để tư vấn và thuyết phục họ nhập hàng của mình.
Thậm chí mùa hè 40-43 độ C, anh vẫn phải “phơi” ngoài đường chỉ mong có nhà thuốc nào ưng sản phẩm để được nán lại tư vấn, tranh thủ nghỉ ngơi chục phút. Còn mưa lớn, anh không dám tạt quán cà phê hay cửa hàng ăn để tránh, chỉ sợ ngày hôm đó mất tiền cà phê mà không kiếm được đồng nào.
“Muốn đạt doanh số, mình phải có đủ sự kiên nhẫn để thuyết phục khách hàng “xuống tiền” mua sản phẩm đang mời chào. Theo đó mình phải thuyết phục họ rằng sản phẩm của công ty mình có thể đáp ứng tốt hơn so với các sản phẩm của công ty đối thủ. Sau đó mình tiếp tục thuyết phục họ đồng ý với các điều khoản và điều kiện bán hàng của mình.
Mình thường thuyết phục hàng chục phút hoặc chăm sóc họ rất chu đáo nhưng cuối cùng lại không chốt đơn. Khi ấy mình đành ra về với lời hẹn “có sản phẩm mới em/anh sẽ quay lại”, chàng trai gốc thành Nam tâm sự.
“Khi ấy, bạn có nản chí hoặc muốn từ bỏ hay không?”, khi được hỏi Hưng liền cười: “Thời gian đầu bước vào nghề, mình bị khách hàng từ chối liên tục đến mức căng thẳng và mệt mỏi. Sau đó mình cũng quen dần với việc đó, giờ xảy ra như cơm bữa nên thấy đó là chuyện hiển nhiên, ai làm nghề như mình cũng vậy”.
Mai Hưng khẳng định thêm, hiện tại công việc khó khăn hơn trước rất nhiều do kinh tế suy thoái, người dân không “chịu chơi”, chăm sóc sức khỏe như trước. Anh đưa ra ví dụ trước đây người dân chỉ cần ốm sốt sẵn sàng mua thuốc với liều lượng 5-7 ngày, kết hợp các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng. Bây giờ họ chỉ mua thuốc điều trị cho 2-3 ngày về uống.
Điều đó dẫn đến các nhà thuốc bán lẻ không bán được doanh số cao, tồn đọng nhiều. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc bổ sung và nhập thêm hàng mới.
“Bên cạnh đấy, cùng một loại thuốc lại có nhiều đơn vị sản xuất và phân phối nên sự cạnh tranh cao. Mình và đồng nghiệp rất khó khăn trong việc chào hàng, giới thiệu sản phẩm.
Ngoài ra, chính sách quản lý của nhà nước đang thắt chặt, yêu cầu chất lượng và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến giá thành của dược phẩm. Thuốc giá cao người bệnh cũng hạn chế mua hoặc tìm mặt hàng có giá thấp hơn”, Mai Hưng chia sẻ.
Về thu nhập của nhân viên môi giới thuốc, chàng trai 27 tuổi khẳng định không hề cao như “lời đồn”. Thực tế công việc này được tính theo mức: lương cứng: 5.000.000 đồng/tháng + hoa hồng và đợt này cắt giảm lương cứng còn 4.500.000 đồng/tháng.
“Từ đầu năm nay, doanh số của mình giảm sút do ảnh hưởng của kinh tế. Từ đó thu nhập hàng tháng cũng giảm đáng kể”, Mai Hưng nói.
Cũng theo chàng trai, dù lương cứng thấp nhưng tháng nào anh cũng phải tự bỏ tiền túi để ôm hàng với hi vọng hoa hồng cao hơn mức quy định. Song anh ôm hoài cũng xảy ra rủi ro mà chỉ người trong nghề mới thấu hiểu.
“Mình ôm hàng và chấp nhận khách hàng cứ lấy bán, bao giờ có tiền trả sau cũng được. Nhưng họ không bán được lại trả về, mình thành người ở giữa vì cũng không thể trả lại công ty. Giờ mình chỉ mong kinh tế phục hồi để các ngành nghề dịch vụ khởi sắc dần dần, lao động mới có việc làm ổn định”, chàng trai bộc bạch.