Cây mọc dại tưởng không ăn được, nay thành đặc sản làm nhiều món ngon, vừa lạ miệng vừa tốt cho sức khoẻ

Google News

Không chỉ là món ăn ngon, lạ miệng, theo dân gian, cây rau mã đề còn là bài thuốc quý. 

Nhiều loại rau cỏ mọc dại quanh ta không chỉ làm thành món ăn ngon mà còn là bài thuốc tốt cho sức khỏe. Trong số đó phải kể tới rau mã đề. 

Với bất cứ ai lớn lên ở các miền quê Việt Nam, rau mã đề là cái tên thân thuộc, dân dã. Theo tìm hiểu, rau mã đề còn có tên gọi khác là mã tiền xá, tên khoa học là Plantago asiatica. Đây là cây thân thảo, sống lâu năm, tái sinh bằng nhánh và hạt, thân cao khoảng 10-15cm. Lá mọc thành cụm từ gốc, gân lá nổi rõ trên phiến lá hình thìa hoặc hình trứng rất dễ nhận biết. Một cây mã đề có thể sản sinh hàng ngàn hạt, hạt khuếch tán nhờ gió rồi mọc lên rất nhiều cây con ở xung quanh.

Cây mã đề được tìm thấy trong nhiều môi trường sống khác nhau, từ những vùng ẩm ướt ở đồng bằng, vùng ven biển cho đến núi cao. Trước đây, bất cứ chỗ nào có đất trống như ven đường, sau vườn, bờ ao đều thấy có sự xuất hiện của cây mã đề. Nếu đất nhiều dinh dưỡng và ẩm thì lá và bông mã đề càng lớn. Thế nhưng, ít ai biết được rằng rau mã đề có thể sử dụng như một loại rau ăn.

Cây mã đề mọc dại ở khắp nơi

"Một lần về quê của bạn đại học ở Hà Tĩnh, mình bất ngờ khi rau mã đề được nấu cùng với thịt băm và tôm đồng, rau này cứng và dai nhưng nấu kĩ một tí ăn bùi bùi, có mùi thơm đặc trưng, rất ngon miệng. 

Cây này mình không còn lạ gì, chỉ cần vài cây mọc trong vườn thì một thời gian sau sẽ thành cả đám to, vì hạt của chúng bay ra thành cây non. Trước đây mẹ mình hay hái cây mã đề phơi khô, cả hạt để sắc nước uống cho uống cho đỡ rôm sảy chứ không biết rau này có thể dùng như một loại rau ăn", bạn Quỳnh Anh (36 tuổi) kể. 

Không chỉ Quỳnh Anh, nhiều người khác cũng bất ngờ khi giờ đây mã đề trở thành một loại rau đặc sản được người thành phố ưa chuộng. Tại một số khu chợ dân sinh và trên chợ mạng, rau mã đề được bán với giá khoảng vài chục nghìn đồng/kg. Người bán giới thiệu rau này có thể xào, nấu canh hay nhúng lẩu đều rất ngon và lạ miệng. Vì tò mò nên nhiều chị em thành phố đặt mua về ăn thử. 

Được biết, lá mã đề có nhiều dinh dưỡng và hoạt chất sinh học tốt cho cơ thể. 100 g lá chứa một lượng vitamin A tương đương với củ cà rốt. Toàn thân chứa một glucozit gọi là aucubin hay rinantin còn gọi là aucubozit. Trong lá có chất nhầy, chất đắng, carotin, vitamin C, vitamin K yếu tố T. Trong hạt chứa chất nhầy, axit plantenolic, adnin và cholin. Theo kinh nghiệm của dân gian, các bộ phận của cây mã đề đều có tác dụng chữa được các bệnh thường gặp trong cuộc sống hàng ngày khá hiệu quả và an toàn. Trong đông y, mã đề có tính hàn, vị ngọt, không độc, lợi về kinh can, thận và tiểu trường. Cả lá và hạt mã đề đều có tác dụng lợi tiểu, lợi mật.

Những tác dụng của cây mã đề:

+ Chữa bệnh về thận và đường tiết niệu

Cây mã đề được xem là thần dược chữa các bệnh như viêm cầu thận cấp tính, mãn tính, viêm bàng quang cấp tính, viêm đường tiết niệu… Hay các bệnh về lợi tiểu như chứng bí tiểu tiện, đi tiểu ra máu…

+ Các bệnh về đường tiêu hóa

Cây này có thể chữa một số bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, lỵ cấp tính và mãn tính cũng như giúp cải thiện các chức năng của hệ tiêu hóa.

+ Chữa các bệnh về gan, mật và phổi

Đây là các chứng bệnh liên quan đến việc nóng trong với tính hàn mát của mình cây mã đề sẽ giúp trị các bệnh ho, tiêu đờm, nóng gan mật cũng như viêm phế quản khá hiệu quả.

Theo thông tin trên báo SKĐS, đây là một số bài thuốc từ cây mã đề:

- Thuốc lợi tiểu: Xa tiền tử (hạt mã đề) 10g, kim tiền thảo 10g, cam thảo 2g, nước 600ml (3 bát). Sắc và giữ sôi trong nửa giờ. Chia 3 lần uống trong ngày.

- Chữa ho tiêu đờm: Xa tiền thảo (cây mã đề) 10g, cam thảo 5g, vỏ quýt 10g, cát cánh 2g, nước 400ml. Đun sôi trong nửa giờ. Chia 3 lần uống trong ngày. Nếu không có cam thảo, thì có thể thay bằng đường cho đủ ngọt mà uống.

- Trị lipid máu cao: Mã đề 8g, mộc hương, thảo quyết minh, tang ký sinh, mỗi thứ 6g, hà thủ ô đỏ, hoàng tinh, kim anh tử, sơn tra mỗi thứ 3g. Tất cả nấu với nước thành cao, rồi trộn với bột gạo làm thành viên, mỗi viên tương đương với 1,1g dược liệu. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 5 - 8 viên.

- Chữa gan nhiễm mỡ: Mã đề 20g, hà thủ ô (sống), thảo quyết minh, đan sâm, hoàng kỳ mỗi vị 15g; sơn tra (sống) 30g, hổ trượng 15g, hà diệp 15g. Sắc nước uống, ngày một thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

- Trị bệnh đái tháo đường: Mã đề 15g, ổi xanh ½ quả, ngọc trúc, sa uyển tử, bạch tật lê, tang bạch bì, câu kỷ tử, hoài sơn mỗi thứ 12g, râu ngô 9g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm. Uống liền 7 ngày. Kiêng thức ăn lạnh và cay, thịt dê, thịt cừu.

- Chữa tiểu tiện khó, đái dắt, đái buốt: Mã đề 12g, sa tiền tử 10g, thông thảo 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

Lưu ý khi sử dụng rau mã đề

+ Tránh sử dụng mã đề như nước giải khát hàng ngày

Nhiều người cho rằng mã đề có tính mát, tốt cho gan nên có thể phơi khô sắc uống như trà thay nước hàng ngày để bảo vệ gan. Tuy nhiên, sử dụng mã đề quá thường xuyên không phải là điều tốt, thậm chí là gây hại.

+ Tránh dùng mã đề buổi tối

Mã đề có tác dụng lợi tiểu. Do đó, tránh sử dụng mã đề vào buổi tối, đặc biệt là việc sắc nước uống. Mã đề có thể gây đi tiểu nhiều lần vào ban đêm và ảnh hưởng giấc ngủ. 

+ Thận trọng khi dùng cho phụ nữ mang thai

Mã đề không nên dùng cho phụ nữ mang thai giai đoạn đầu. Các thành phần trong mã đề không tốt cho cả mẹ và bé.

H.A

Bình luận(0)