Cây sanh hay còn được gọi là cây xanh, cây gừa..., có tên khoa học là Ficus Benjamina L và được trồng nhiều ở các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Lào,… Ở Việt Nam, cây sanh mọc dại trong rừng, hay ở các miền quê. Cây này nằm trong bộ Tứ Linh (cùng với cây đa, cây si, cây sung), những năm gần đây thường được ưa chuộng trồng làm cây cảnh bonsai trang trí có giá trị nghệ thuật cao.
Theo ý nghĩa phong thủy, cây sanh có nhiều cành lá sum suê, rậm rạp mang đến tài lộc, may mắn cho gia chủ. Ngoài ra, cây sanh còn có ý nghĩa tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, sự hòa thuận của các thành viên trong gia đình.
Cây sanh bonsai tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở
Để cây sanh bonsai có kiểu dáng đẹp, mang tính nghệ thuật, chủ nhân cần chăm chút, thường xuyên cắt tỉa để tạo hình đẹp cho cây. Các kiểu tán lá phổ biến của cây sanh gồm: Tán lá tròn đầy, tán lá thoáng, tán lá phá cách... Mỗi bonsai cảnh có kích thước và giá trị khác nhau.
Với quyết tâm theo đuổi nghề trồng kiểng, thầy giáo âm nhạc Nguyễn Đại Thụ (28 tuổi, Hà Nội) đã chọn khởi nghiệp với bonsai cây sanh. Thế nhưng trước đó, công việc này bị gia đình anh ngăn cấm bởi cho rằng nghề này vất vả, nặng nhọc.
Dù vậy, anh Thụ vẫn quyết tâm nghỉ việc, dành thời gian để ngắm cây, xem người khác làm kiểng, tìm hiểu kiến thức về bonsai thêm trên mạng và sách báo. Ban đầu, anh sưu tầm và tạo ra hàng trăm cây bonsai nhỏ để bàn rồi đăng bán thử lên mạng xã hội. Nhiều người biết đến anh từ đó và đặt hàng mua bonsai.
Sau khi tích lũy được một số vốn, anh Thụ phát triển thêm cây bonsai to, giá trị cao, trong đó tập trung chủ đạo là bonsai sanh. Dòng kiểng này được ưa chuộng và đa dạng dáng thế, có nhiều dòng như: Sanh quê Nam Định, Tích Giang, Nam Điền và nhiều vùng miền khác nhau.
Anh Nguyễn Đại Thụ chọn khởi nghiệp với bonsai cây sanh
Hiện anh Thụ sở hữu khoảng 300 bonsai sanh bao gồm phôi và cây hoàn thiện, đa dạng về hình dáng như trực, hoành, song thụ, thác đổ... có giá trị từ vài trăm nghìn đồng đến trăm triệu đồng. "Tôi kiếm thêm được tiền triệu mỗi tháng nhờ bán hàng chục bonsai sanh từ phôi đến thành phẩm, đỉnh điểm có tháng thu về 100 triệu đồng”, anh bộc bạch.
Thực tế, trên mạng xã hội có không ít các hội nhóm chuyên bán bonsai sanh và chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc. Theo đó, nhiều nhà vườn nhỏ lẻ bán đủ loại cây sanh tuyển chọn, sanh kiểng và bonsai dáng đẹp. Các cây bonsai được tạo dáng công phu để trang trí nhà ở, biệt thự, nhà thờ họ, công trình tâm linh... Tùy theo chiều cao, đường kính gốc mức giá trung bình dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
Bên cạnh đó, một số cây sanh được định giá "khủng" lên tới tiền tỷ khiến không ít người ngỡ ngàng. Giá trị của cây bonsai một phần nằm ở độ khó khi tạo tác mà chỉ những nghệ nhân có kỹ thuật tay nghề cao mới làm được.
Năm 2021, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chính thức xác nhận kỷ lục cây sanh bonsai của ông Nguyễn Phước Lộc ở ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp có đường kính tán lớn nhất Việt Nam.
Cây sanh bonsai được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chính thức xác nhận kỷ lục
Cây sanh này cao trên 5m, đường kính tán 6.2m, bề hoành gốc 3.5m được ông Lộc mua về từ một nhà vườn ở tỉnh Tiền Giang vào năm 2004. Để có được cây sanh bonsai đạt giá trị thẩm mỹ cao, ông phải chăm sóc, chiết, uốn cành, cắt tỉa, chỉnh sửa tạo dáng cho đến nay mới được bộ tán lớn và xác lập kỷ lục.
Ông Nguyễn Phước Lộc cho biết, cây này có tuổi thọ hơn 120 năm, trị giá khoảng 12 tỷ đồng. Cây đang được trưng bày trên mảnh đất của ông làm điểm cho du khách đến tham quan tìm hiểu, chụp ảnh lưu niệm.
Tác phẩm sanh cổ “Mộc thạch nghênh phong” cũng khiến dân tình choáng váng bởi giá trị tới mức đổi được 8 lô đất. Tác phẩm này thuộc quyền sở hữu của ông Bùi Văn Thái (Hoàng Mai, Hà Nội). Theo ông, tác phẩm có nguồn gốc từ gia đình quý tộc thời phong kiến. Trải qua thăng trầm của lịch sử, dấu tích của thời gian chính là sự tương giao hòa hợp, cây và đá nương tựa vào nhau trường tồn cùng thời gian.
Tác phẩm sanh cổ “Mộc thạch nghênh phong”
Cây cảnh sanh cổ được uốn theo thế "Mộc thạch nghênh phong". Cây cao 3m, trồng trong một chiếc chậu có kích thước lớn, chu vi của cả bộ rễ ôm đá này lên đến 5,5m. Ngày 18/12/2010, tác phẩm được tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là "Cây sanh ôm đá nghệ thuật lớn, cổ nhất châu Á".