Khi nói đến biệt thự cổ ở phố cổ Hà Nội, mọi người thường nghĩ ngay đến địa chỉ 44 Hàng Bè (Hoàn Kiếm), nơi có ngôi biệt thự 100 năm tuổi, rộng 800m2 đang tọa lạc. Ngồi biệt thự này được cụ Trương Trọng Vọng – một doanh nhân thầu khoán giàu nhất phố cổ một thời xây dựng từ đầu thế kỷ 20 với nhiều vật liệu, nội thất được nhập từ nước ngoài về. Ngày nay, ngôi biệt thự này đang được quản lý bởi bà Lê Thanh Thủy (SN 1955), cháu ngoại cụ Vọng.
Bà Thủy chia sẻ, rất nhiều khách trong và ngoài nước tìm đến ngôi biệt thự này để thăm quan vì sự bề thế, cổ kính và nổi tiếng khi xuất hiện trong những bộ phim như: Hà Nội mùa đông năm 46, Tuổi thanh xuân, Mùa lá rụng trong vườn, Khép mắt chờ ngày mai, Hương ngọc lan.... Thế nhưng ít ai biết được rằng, nơi đây từng là lớp học của bao thế hệ học trò, hiện dấu vết thời gian của những lớp học xưa vẫn còn nguyên vẹn nhưng không mấy ai chú ý.
Mọi người thường biết đến ngôi biệt thự ở 44 Hàng Bè qua những bộ phim nổi tiếng, hoặc về sự bề thế nhưng ít ai biết đây còn là trường học có từ những năm 60 của thế kỷ trước.
Vào những năm 1960 của thế kỷ trước, mẹ bà Thủy là cụ Trương Thị Mô (nay đã mất) khi đó là chủ sở hữu ngôi nhà này. Bà đã hiến một phần căn biệt thự cho nhà nước, mục đích là để làm lớp học cho ngành giáo dục. Kể từ đó đến tận những năm 2000, lớp học luôn được duy trì, tiếng trống trường luôn rộn rã và không biết bao nhiêu thế hệ học trò đã được học tập tại nơi này.
“Tôi là chủ nhà và cũng là học sinh học trong chính ngôi biệt thự của gia đình. Đến thế hệ của con trai tôi (sinh năm 1990) sau đó lớn lên cũng học tại nơi đây. Như vậy, cả hai mẹ con đều học chung trường, mà trường lại chính là ngôi nhà mình đang ở”, bà Thủy chia sẻ.
Điều vô cùng đặc biệt nữa mà bà Thủy lần đầu tiên tiết lộ, đó là con trai và con dâu hiện tại của bà thủa nhỏ quen biết nhau từ lớp học này, rồi khi lớn lại nên vợ, thành chồng. “Hai vợ chồng con trai tôi thi thoảng vẫn nhớ về những kỷ niệm thời thơ bé học chung nơi đây, rồi duyên số giờ lại về ở chung nhà. Hai đứa còn chụp bộ ảnh cưới tại chính ngôi trường-căn nhà nơi chúng từng gắn bó. Nhiều người vẫn trêu vui rằng, chủ nhà lấy học sinh”, bà Thủy tâm sự.
Bà Thủy xem lại ảnh cưới của con trai mình chụp ngay tại ngôi biệt thự và cũng là trường học nơi con trai và con dâu bà theo học thủa nhỏ.
Những năm 1960 khi được đóng hai vai vừa là học sinh, vừa là chủ nhà bà Thủy nhớ lại, bản thân được các bạn gọi là tiểu thư, vì sáng có người giúp việc cho ăn cơm, trưa có người nấu cơm ăn sau giờ tan học. Chỉ có điều ngày đó nếp sống người Hà Nội xưa rất gia phong, khuôn phép, các bạn cùng lớp cũng không được lên nhà chơi.
“Đến thế hệ con trai tôi học, lũ trẻ chơi đùa chạy nhảy khắp nơi. Lúc đó mợ (mẹ) tôi cũng nhiều tuổi rồi, quý lũ trẻ và muốn chúng lên chơi cho vui cửa, vui nhà”, bà Thủy nhớ lại.
Giờ đây, khi các lớp học tạm đóng cửa vì trường lớp trên địa bàn được xây dựng khang trang hơn, nhưng vẫn có rất nhiều thế hệ học trò trở về đây xin được chụp ảnh để lưu giữ lại kỷ niệm tuổi học sinh một thời. “Rất nhiều người tìm đến chụp ảnh, tôi cứ nghĩ đó là khách tham quan, hỏi ra mới biết là học sinh từng học ở đây. Khi nghe họ chia sẻ về chuyện trường, chuyện lớp và chuyện mẹ tôi (khi ấy là chủ nhà) quý người, trọng tình nghĩa khiến tôi cảm động vô cùng”, bà Thủy tâm sự.
Những bảng tên lớp, trống trường và khẩu hiệu vẫn còn giữ lại để các thếhệ quay về và ghi lại những kỷ niệm nơi mình từng theo học.
Dù các lớp học đã đóng cửa, nhưng vẫn còn đó những biển lớp học từ xưa, hay biển phòng y tế, phòng hội đồng, hay chiếc trống trường ở hiên hè và cả những câu khẩu hiệu đã nhuốm màu thời gian. Bà Thủy cũng cho biết, dù lớp học không còn hoạt động nhưng gia đình bà đã giao toàn bộ các phòng học cho quận Hoàn Kiếm quản lý và sử dụng, dù tất cả vẫn nằm trong khuôn viên ngôi biệt thự do ông ngoại bà xây dựng. Bà cho rằng, đây là sự đóng góp của cậu, của mợ (bố-mẹ) bà cho nhà nước, cho xã hội để trẻ có nơi để học con chữ, học văn hóa, góp phần dựng xây quê hương, đất nước.