Men dọc Quốc lộ 1 từ Đồng Tháp lên TP.HCM, chúng ta không khó gặp cảnh cặp vợ chồng chở nhau trên chiếc xe gắn máy cũ kỹ, đằng sau chất đầy nồi niêu xoong chảo cùng chiếc chuồng nhốt 9 chú chó. Đó là cặp đôi anh Sơn – chị Thu, từng được mệnh danh là “đại gia” khi có cuộc sống sung túc, sẵn sàng buông bỏ để về quê sống cùng đàn chó bị bỏ rơi.
Anh Sơn tâm sự: “Tôi đã ngoài 50 tuổi, còn đây là Thu – người vợ thứ 2, chung sống được 25 năm. Tôi có một con riêng với người vợ đầu tiên, hiện tại cháu có sự nghiệp thành đạt.
Xưa tôi cũng thuộc diện có của ăn của để trong vùng. Sau đó tôi nguyện bán tài sản để lo cho đàn chó mà 2 vợ chồng nuôi cũng như nhận cưu mang chó vô gia cư”.
Người đàn ông bán xong xuôi tài sản liền dắt díu vợ về quê ngoại sinh sống. Tại đây họ làm đủ thứ nghề để có thể kiếm được tiền mua thức ăn cho đàn chó. Thậm chí họ nguyện ăn ít để nhường phần cơm và cá thịt cho những chú chó mà bản thân luôn coi là con cháu trong nhà.
Vợ chồng anh Sơn rong ruổi trên mọi nẻo đường cùng đàn chó.
“Xưa tôi là người cực kỳ sợ chó. Còn con tôi không thích chó xuất hiện trong nhà. Song kể từ khi cưới Thu làm vợ, tôi đã có suy nghĩ khác và dần yêu mến loài động vật này.
Thu vốn là người có tình cảm với chó, yêu thương chúng như con của mình. Tôi ở cùng dần cũng “lây” tính đó. Tôi đợi con vô đại học mới quyết định nhận chó về nuôi. Tôi với vợ còn sẵn sàng cho người ta ký gửi chó không lấy phí. Họ nói gửi 2-3 ngày đi công chuyện rồi biệt tăm, để lại chú chó cho chúng tôi chăm sóc. Dần dần chúng tôi nuôi cả một đàn chó”, anh Sơn nói.
Lúc này con của anh Sơn không chấp nhận cha và dì nuôi chó. Cặp đôi đành đưa nhau về Đồng Tháp, tìm kiếm nơi rộng rãi để có thể thỏa sức chăm lo cho đàn chó.
“Chúng tôi đã đặt tên cho từng con chó, như: Cừu, Na, Bích, Gấu, Nai, Nhím, Mập, Lu Oanh… Tôi nghĩ con người có tên gọi, hà cớ loài chó lại không? Vì thế tôi quyết định đặt cho từng đứa một cái tên, gắn liền với thứ gì đó liên quan đến chúng. Ví dụ như con Lu Oanh, sở dĩ tên vậy thì chủ cũ của nó tên Oanh, không nuôi được nên nhờ vợ chồng tôi chăm sóc giùm”, người đàn ông nói.
Nhắc đến chuyện vì sao lại lang thang giữa đường phố như vậy, anh Sơn thẳng thắn cho biết hai vợ chồng ở quê một thời gian muốn thay đổi môi trường sống nên về lại Sài Gòn. Anh cột chuồng chó vào xe gắn máy, thêm nồi niêu để tiện nấu ăn trên đường đi.
“Chúng tôi cứ đi, đến bữa là dừng xe, ghé vào nhà dân xin nước để nấu cơm, chế biến đồ ăn. Tôi đã trang bị sẵn bếp ga mini, nồi niêu ở đây. Còn thức ăn chuẩn bị sẵn trứng hoặc ai cho gì thì xin nấy.
Chúng tôi già rồi, ăn uống không mấy quan trọng. Song đàn chó vẫn phải đủ đầy ngày 3 bữa mới không kêu. Tôi tính đến Sài Gòn sẽ tìm nơi cho thuê trọ chứa chó để thuê. Lúc đó tôi sẽ đi làm mướn kiếm tiền lo cho chúng”, anh Sơn nói.
Nhiều người khuyên anh Sơn – chị Thu hãy bán đàn chó cho lò mổ. Khi đó cặp đôi sẽ có vài chục triệu đồng “dắt lưng”, lấy vốn làm ăn. Nhưng anh dứt khoát từ chối lời khuyên đó, có tiền tỷ cũng không bao giờ làm điều sai trái với lương tâm.
“Họ nói vậy, tôi khẳng định đây là con là cháu trong nhà. Tôi không thể bán được như vậy. Tôi thà ăn uống cực khổ, ngủ ngoài đường cũng không làm điều đó.
Ai từng nuôi thú cưng sẽ phần nào hiểu được tâm tư của tôi. Sáng nay cũng có người cho tôi 100.000 đồng vì thấy tội quá. Sau đó họ khuyên tôi nên bán đàn chó đi để rảnh thân. Tôi chỉ cười vì có nói sao họ cũng không cùng quan điểm sống”, anh Sơn cho hay.
Vừa dứt lời, anh Sơn cho biết thi thoảng con có gọi điện khuyên vợ chồng anh quay trở về nhà sống cảnh sung túc. Anh từ chối vì không muốn bỏ đàn chó, cũng không muốn tình cảm cha con sứt mẻ thêm.
“Tôi biết con rất thương vợ chồng tôi. Con muốn cha mẹ được hưởng cuộc sống nhung lụa toan về già. Nhưng tôi không thể bỏ rơi đàn chó được. Qua đây tôi hi vọng con sẽ cảm thông với quyết định của tôi và dì Thu”, người đàn ông bộc bạch.