Thời gian gần đây, nhiều độc giả thắc mắc về việc nghệ sĩ Trấn Thành lâu không xuất hiện trên truyền hình, liệu có phải đang gặp vấn đề gì về sức khỏe hay cuộc sống. Mới đây Trấn Thành đã lên tiếng xác nhận, bản thân bị giãn tĩnh mạch ở chân, và một trong số nguyên nhân là anh thường đứng lâu trong nhiều năm nên hiện các bác sĩ khuyên cần nghỉ ngơi.
Vậy căn bệnh Trấn Thành mắc nguy hiểm thế nào, có thể gây biến chứng gì với sức khỏe nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời? Bác sĩ Ngô Tuấn Anh (BV Trung ương Quân đội 108) cho biết, suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là bệnh ít nguy hiểm đến tính mạng, nhưng có thể gây đau tức ở cẳng chân, ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như khả năng lao động, sinh hoạt.
Ca sĩ Trấn Thành cho biết do thường xuyên đứng lâu nên bị suy giãn tĩnh mạch. (Ảnh minh họa)
Theo bác sĩ Tuấn Anh, trong một số trường hợp, bệnh có thể dẫn đến hình thành các cục máu đông và gây tắc mạch tại chỗ hoặc di chuyển gây tắc mạch phổi, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Tổn thương có thể gặp ở tĩnh mạch nông, tĩnh mạch xiên, tĩnh mạch sâu hoặc ở cả 3 hệ tĩnh mạch của chi dưới. Trường hợp bệnh tiến triển nặng hình thành nên các cục huyết khối nếu di chuyển vào phổi có thể gây thuyên tắc phổi, thậm chí dẫn tới tử vong.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TP HCM cho biết, ai cũng có thể bị suy giãn tĩnh mạch chân, nhưng nhóm thường gặp là những người trên 50 tuổi, phụ nữ gặp nhiều hơn nam giới. Nhóm nghề nghiệp thường phải đứng nhiều, ngồi nhiều dễ có nguy cơ mắc bệnh cao. Đặc biệt, những người thừa cân béo phì có nguy cơ mắc giãn tĩnh mạch chân cao hơn người bình thường, hoặc chị em có thói quen đi giày cao gót cũng dễ mắc hơn người đi giày thấp.
Phụ nữ thường xuyên đi giày cao gót có thể tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch chân. (Ảnh minh họa)
Để phòng tránh căn bệnh này, PGS Nguyễn Hoài Nam cho biết, trước hết mọi người cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ như người thừa cân béo phì cần giảm cân, không nên ngồi quá lâu, nên đứng lên đi lại sau 30 phút, không nên thường xuyên đi giày cao gót, mặc quần áo quá bó sát. Với những người có nguy cơ cao mắc suy giãn tĩnh mạch chân khi có triệu chứng như đau ở bắp chân sau, hay mỏi chân, chuột rút vào ban đêm thì nên đi khám chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Ngô Tuấn Anh cho biết, khi mắc suy giãn tĩnh mạch mãn tính chi dưới cần được điều trị tại các trung tâm chuyên sâu về bệnh này. Trước hết, cần điều trị nội khoa với các thuốc làm bền thành mạch nhưng phần lớn chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu của giãn tĩnh mạch. Ngoài ra, có thể kết hợp với một loại tất đặc biệt, gọi là “tất y khoa” sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh và giảm các triệu chứng.
Một số trường hợp khi cần thiết, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật lấy bỏ các tĩnh mạch bị giãn. Đây là phương pháp điều trị khá triệt để, có tỷ lệ tái phát thấp và hiện nay được áp dụng ở nhiều trung tâm trong nước. Ngoài ra, hiện nay người ta còn áp dụng phương pháp can thiệp nội mạch loại bỏ tĩnh mạch suy bằng tiêm chất tạo bọt; điều trị bằng laser nội mạch hay phương pháp dùng năng lượng sóng có tần số radio... có tỷ lệ thành công rất cao, điều trị triệt để được tĩnh mạch bị suy, an toàn, ít tai biến và có tính thẩm mỹ cao.