Vợ chồng anh H.V.M (42 tuổi, ở Hà Nội) đã có 14 năm chung sống với nhau, hai con của anh M đều đã lớn nên cuộc sống gia đình cũng bớt vất vả hơn. Anh M cho biết, để “hâm nóng” tình cảm, mỗi năm gia đình anh tổ chức đi du lịch 2 lần vào dịp hè và nghỉ Tết.
Trong lần đi du lịch gần đây nhất, con trai 9 tuổi của anh M bị ốm, sốt nên phải vào viện khám, làm xét nghiệm máu vì nghi bị sốt xuất huyết. Tại đây, dù tình trạng bệnh không quá lo ngại, nhưng điều anh cảm thấy nghi ngờ nhất là con anh nhóm máu B, trong khi anh nhóm máu O, còn vợ anh nhóm máu B.
“Tôi nghe rất nhiều người nói, con khác nhóm máu bố nhiều khả năng không phải là con mình”, anh M chia sẻ và cho biết, anh đưa con gái lớn đi xét nghiệm, kết quả là mang nhóm máu O giống mình. “Điều này càng làm tôi thêm nghi ngờ”, anh nói.
Sau một thời gian suy nghĩ, anh quyết định “lật bài ngửa” với vợ, chính điều này khiến hai vợ chồng xảy ra cuộc cãi vã nảy lửa. Kết quả, cả hai thống nhất lấy mẫu đi xét nghiệm ADN xác định huyết thống cha-con.
Sau khi có kết quả xét nghiệm, người chồng chỉ biết xấu hổ vì đã nghi oan cho vợ. Ảnh minh họa.
Tại trung tâm xét nghiệm, dù được các chuyên gia chia sẻ, tư vấn rất nhiều vì việc làm này có thể sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, anh M vẫn kiên quyết làm xét nghiệm, với lý do: “Nếu là con mình thì càng vui chứ sao, nhưng nhỡ “nuôi con tu hú” thì mới đáng lo ngại”.
Quá sốt ruột về kết quả, anh M đăng ký gói lấy kết quả nhanh nhất, vài tiếng sau khi cầm kết quả trên tay, anh M “mừng rơi nước mắt”, khi anh và con trai có cùng huyết thống cha-con. Sau phút vui mừng ấy, anh M sắc mặt trầm lại, nặng trĩu nhìn về phía vợ không biết nói lời nào vì xấu hổ. Khi đó, vợ anh M bật khóc chạy ra ngoài trung tâm xét nghiệm.
Đại tá Hà Quốc Khanh, cố vấn cao cấp tại công ty phân tích di truyền, nguyên giám đốc Trung tâm Giám định AND (Bộ Công an) cho biết, những trường hợp như trên không hề hiếm gặp, khi họ chỉ nhìn vẻ bề ngoài, nhóm máu hoặc đôi khi chỉ vì lời bàn tán của bạn bè dẫn tới sự nghi ngờ huyết thống với con và đưa đi xét nghiệm ADN.
Ông Khanh cho biết, về mặt khoa học việc tính nhóm máu có thể dự đoán được khả năng mối quan hệ huyết thống cha-con, tuy nhiên độ chính xác rất thấp và không được chấp nhận cho mục đích pháp lý.
Đại tá Hà Quốc Khanh cho biết, việc nhìn nhóm máu để xác định quan hệ huyết thống không được chấp nhận cho mục đích pháp lý. Ảnh: Lê Phương.
Bởi không phải trường hợp nào nhóm máu của con cũng giống nhóm máu của bố mẹ, vì đó chỉ là biểu hiện của gen, trong khi nhóm máu còn phụ thuộc vào tình trạng trội hoặc lặn trong hệ thống nhóm máu A-B-O.
Theo đó, gen quy định nhóm máu A và B là trội so với nhóm O. Chẳng hạn người có nhóm máu A thì kiểu gen có thể là AA hoặc AO, ngược lại người có nhóm máu O kiểu gen chỉ là OO. Do vậy việc con có cùng hay khác nhóm máu với bố mẹ không giải đáp được câu hỏi đứa con đó có cùng huyết thống hay không. Trừ khi bố mẹ cùng có nhóm máu O mà con lại có nhóm máu A, B hoặc AB thì sẽ là không có quan hệ huyết thống.
Từ trường hợp trên, chuyên gia Hà Quốc Khanh khuyến cáo, để không xảy ra tình huống khó cho cả hai, tốt nhất vợ chồng hãy chung thủy với nhau. Tất nhiên, khi thấy nghi ngờ thì cần xét nghiệm ADN để xác định huyết thống một cách chính xác nhất, nhưng nên có những căn cứ cụ thể, xác đáng.
“Việc chỉ nhìn vào ngoại hình, nhóm máu để nghi ngờ huyết thống là điều không nên, bởi như vậy nguy cơ làm tan vỡ hạnh phúc gia đình là rất lớn. Đó là chưa kể, với những trẻ đã lớn, đủ nhận thức thì điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý đưa trẻ rất nhiều”, ông Khanh khuyên.