Gặp thầy giáo 30 năm làm bạn với trẻ em đường phố ở Sài Gòn, giúp nhiều "học sinh" đổi đời nhờ lòng tận tâm

Google News

Nhìn lại hành trình 30 năm làm bạn, làm thầy của những đứa trẻ lang thang, phiêu bạc hay có cả trường hợp vướng vào vòng lao lý, thầy Hải - giáo viên đường phố khẳng định đây là một hành trình rực rỡ, ở đó có tiếng cười và những lần tức giận…

Kéo hàng trăm trẻ em đường phố thoát khỏi “vòng xoáy cuộc đời”

Người ta thường nói: “Sài Gòn hoa lệ, hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo”. Đâu đó, trên đường phố nhộn nhịp phồn hoa chúng ta lại vô tình bắt gặp những hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn, cuộc đời gắn liền với khói bụi đường phố hay chọn một góc vỉa hè, dựng tạm một cái chòi cũng có thể trở thành nơi sinh hoạt, ngủ nghỉ. Đặc biệt, những đứa trẻ đáng ra đang ở tuổi ăn học, vì hoàn cảnh bắt buộc nên phải tự thân ra đời, bươn chải từ bé. 

Nhìn thấy những đứa trẻ lang thang ngoài đường, mưu sinh bằng đủ loại nghề khác nhau, thầy Trần Minh Hải (53 tuổi) không khỏi cảm động và muốn giúp sắp nhỏ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hơn ai hết, thầy Hải thấu hiểu và đồng cảm với chúng. Bởi lẽ, thầy từng sinh ra trong gia đình nghèo khó, từng sống trong thời đại mà tivi truyền hình, các món đồ chơi là thứ xa xỉ.

Ban đầu, khi đọc được tin tuyển "giáo dục viên đường phố" trên mảnh báo gói xôi, thầy Hải quyết định gác lại công việc cơ khí và ứng tuyển vào vị trí này. Tò mò - háo hức - hồi hộp là những tính từ có thể miêu tả được tâm trạng lúc đấy của thầy Hải. Sau một tháng chờ đợi, thầy Hải nhận được thông báo là 1 trong 30 người trúng tuyển, tham gia dự án hỗ trợ trẻ đường phố. 

Khi quyết định đặt bút viết đơn xin việc muốn trở thành giáo dục viên đường phố, thầy Hải chẳng chần chừ suy nghĩ và cũng chẳng quan tâm đến mức thu nhập của công việc này… 

Ban đầu, thầy Hải tiếp cận trẻ em đường phố bằng bản năng và kinh nghiệm đúc kết từ cuộc sống của mình. Sau đó, thầy Hải có cơ hội tham gia lớp học của các chuyên gia UNICEF dạy về kỹ năng, phương pháp giáo dục cho trẻ em. Sau đó, thầy Hải nhận được học bổng 3 tháng, học về “phương pháp phát triển cộng đồng” ở Philippines. Nhờ thế, người thầy này có kiến thức, kỹ năng dạy trẻ bài bản, chính chuyên, có mục tiêu định hướng rõ ràng.

Tính đến nay đã bước sang năm 31 hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, thầy Hải vẫn hừng hực khí thế như ngày đầu. Cứ mỗi lần đứng lớp, thầy lại cảm thấy phấn khởi vì truyền dạy nhiều kiến thức, kỹ năng để các em ứng xử, giao tiếp trong xã hội hay cách bảo vệ chính mình trước những cám dỗ, thói hư tật xấu của cuộc đời.

Nói về bí quyết để thuyết phục, lấy được lòng tin của trẻ em đường phố, thầy Hải khẳng định là do “trời ban”: “Tôi tiếp xúc, trò chuyện được với các bé là do bản năng của con người. Tôi tiếp cận tụi nhỏ bằng trái tim chân thành, bằng sự chân thật của chính mình để tạo sự tin tưởng với các bé. Từ đó, chúng sẽ thoải mái chia sẻ những câu chuyện của riêng mình”.

Bắt đầu công việc từ năm 1991, đến nay đã hơn 30 năm, dạy cho nhiều thế hệ thành tài, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Hành trình làm bạn, làm thầy của những đứa trẻ đường phố, đối với thầy Hải không quá khó nhưng cũng chẳng dễ dàng. Theo thầy, khi trở thành người hoạt động trong lĩnh vực xã hội cần đầu tư thời gian, công sức để nghiên cứu cuộc sống của một đối tượng mà bản thân dự định tiếp cận, giúp đỡ. “Như tôi muốn giúp đỡ một đứa trẻ đường phố, cũng phải tốn cả tuần để theo dõi, quan sát xem chúng hoạt động ở đâu, công việc thế nào... Từ đó tôi tìm cách bắt chuyện để không bị khoảng cách với chúng” - thầy Hải chia sẻ. 

Hạnh phúc khi còn được dạy, giúp trẻ đường phố “đổi đời’

Trong hơn 30 năm qua, thầy đã giúp đỡ được rất nhiều trường hợp để các em thay đổi cuộc sống của chính mình. Từ những đứa trẻ đường phố hay trường hợp "vô công rỗi nghề" mà nay đã có người thành công trong cuộc sống, có công việc ổn định, giám đốc công ty làm thầy Hải không khỏi tự hào.

Điển hình như anh Phong, nay đã trở thành giám đốc của một công ty sửa chữa ô tô. Thầy Hải cho biết anh Phong là trường hợp đặc biệt mà trong suốt 30 năm qua khiến thầy không thể nào quên.

Khi đang đảm nhận nhiệm vụ tại CLB Cầu Muối, thầy Hải vừa sắm một chiếc xe đạp bằng tiền 2 tháng lương tích góp thì bị anh Phong dùng gậy đập nát. Lý do là vì thầy Hải hiểu nhầm Phong ra khỏi nhà lúc nửa đêm để đi trộm đồ nên trách mắng và khóa cửa để giữ chân. Lúc đó, thầy Hải trong lòng tức giận nhưng cố giữ bình tĩnh để xử lý vụ việc. Sau đó, thầy mới hiểu ra do bản thân mình có sai sót, không khéo léo trong xử lý tình huống. Vì thế, hai thầy trò cùng ngồi xuống để tâm sự để thấu hiểu nhau hơn. 

Nhờ thế, hai thầy trò gắn kết hơn và đến nay anh Phong đã có gia đình lẫn sự nghiệp vẫn không quên hình ảnh người thầy đường phố năm ấy đã giúp cuộc sống của mình thay đổi theo hướng tích cực hơn. Hai thầy trò vẫn giữ liên lạc sau hàng chục năm, anh Phong còn hay chở thầy Hải đến thăm những đứa trẻ năm xưa, tất cả đã trở thành kỷ niệm đẹp của hai thầy trò.

Ở hiện tại, cuộc sống của thầy rất đơn giản, vừa dạy kỹ năng sống cho trẻ, vừa dạy cho các giáo viên, người học theo đuổi ngành Công tác xã hội tại trường đại học, cao đẳng. Và hơn hết thầy Hải còn là người chồng, người cha chăm sóc, vun vén tình yêu cho gia đình nhỏ của mình. 

Tuy cuộc sống có bận rộn nhưng đối với thầy Hải công việc là cuộc sống. Nên thầy thấy thoải mái, không chịu nhiều áp lực vì đây chính là đam mê của thầy.

Bản thân thầy Hải cũng không cần học trò của mình đền ơn đáp nghĩa. Đối với thầy, chỉ cần các em sống tốt, hoà nhập được với cộng đồng và có công việc làm ổn định thì đó là món quà lớn nhất.

Đã hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, thầy Hải cho biết chưa tính đến chuyện về hưu. Dẫu biết, đến một thời điểm nhất định cũng sẽ phải gác lại việc giảng dạy, quay về tổ ấm của mình. Song, đối với thầy khi còn sức khoẻ và cảm xúc thì vẫn tiếp tục hỗ trợ trẻ em đường phố. 

Về thu nhập của mình, thầy khẳng định vẫn đủ để sống và chăm lo cho gia đình. “Có thể tiền lương của mình không đủ trở thành đại gia nhưng đủ để sống và cảm thấy hạnh phúc vì điều đó”, thầy Hải vui vẻ nói.

Hơn hết, hạnh phúc đối với người thầy đường phố là được làm điều mình mong muốn, không chỉ cho bản thân mà còn giúp được các trẻ em đường phố thay đổi cuộc sống. 

Khi được vinh dự mời về các tỉnh thành để chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, tiếp cận trẻ em đường phố, thầy Hải thấy rất vui và không khỏi tự hào khi đây là tín hiệu tốt vì xã hội dần quan tâm đến việc phát triển kỹ năng sống cho trẻ. 

Sau hơn 30 năm hoạt động trong nghề, thầy Hải có dịp đi hết 63 tỉnh thành của Việt Nam và 27 quốc gia trên thế giới. Từ đó, thầy cũng học được nhiều phương pháp giáo dục có hiệu quả, đẩy mạnh yếu tố thực hành khi thầy Hải đứng lớp giảng dạy cho những cô cậu học trò của mình.

Với nhiều đóng góp, thầy được nhận bằng khen của UBND TP.HCM, UBND tỉnh Vĩnh Long, UBND TP. Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp). Hiện tại, thầy Hải không còn trực tiếp giúp đỡ trẻ em đường phố như trước mà đang tập trung đầu tư vào những phương án lâu dài để giúp đỡ các em. Đặc biệt là dự án phòng chống xâm hại trẻ em. 

Hành trình 30 năm qua, đôi chân của thầy Hải chưa bao giờ biết mỏi. Bởi lẽ, khi nhìn thấy những đứa trẻ mình cưu mang, dạy dỗ năm ấy đã có nghề nghiệp ổn định, không quay lại con đường lầm lỡ đã truyền thêm động lực và “máu nghề” giúp thầy Hải tiếp tục công việc mà mình tâm huyết, từng bỏ tất cả để theo đuổi…

TẤN PHƯỚC

Bình luận(0)