TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng Khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, khi thời tiết lạnh, hệ hô hấp là cơ quan bị tấn công đầu tiên, với các bệnh thường gặp như cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi… nặng hơn là viêm phế quản, viêm phổi.
“Tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng do không khí lạnh, trong đó có bệnh về đường hô hấp. Tuy nhiên, trẻ nhỏ, người cao tuổi có nguy cơ cao hơn cả vì sức đề kháng yếu hơn những đối tượng khác. Với những người mắc bệnh lý nền, khi trời lạnh dễ tái phát một số bệnh mạn tính như bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Những bệnh này rất dễ gây biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là suy hô hấp cấp tính. Nếu cấp cứu không kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh”, bác sĩ Hưng cảnh báo.
Để phòng bệnh, ngoài vấn đề giữ ấm cơ thể, quản lý bệnh nền tốt, bác sĩ Hưng cho rằng, chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng là một cách phòng bệnh hiệu quả. Theo đó, khi ăn đủ và đa dạng dinh dưỡng, sẽ giúp tăng sức đề kháng, đảm bảo năng lượng để cơ thể chống lại giá lạnh, từ đó giúp bảo vệ cơ thể được tốt hơn.
Trong chế độ ăn cần cân đối đạm thực vật và đạm động vật. Ảnh minh họa.
Theo tư vấn của bác sĩ Hưng, về chế độ dinh dưỡng, bất kể nhóm tuổi nào cũng cần phải tuân thủ việc ăn đủ các nhóm chất thiết yếu đó là tinh bột, chất đạm, chất béo, và nhóm rau xanh, quả chín. Mỗi nhóm chất có vai trò khác nhau trong việc bảo vệ cơ thể, nếu ăn không đầy đủ sẽ làm giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ bệnh tật nhiều hơn.
Trong các nhóm chất, bác sĩ Hưng lưu ý mọi người về chất đạm, vì có hai nguồn cung cấp chính là đạm động vật và thực vật. Mỗi loại đạm đều có tác dụng khác nhau với cơ thể, vì thế nên ăn cân bằng hai nguồn đạm này.
“Việc nhiều người sợ chất đạm, chất béo động vật vì cho rằng không tốt cho sức khỏe là chưa chính xác. Trong chất đạm có nguồn gốc động vật có chứa đầy đủ các acid amin thiết yếu và có giá trị sinh học cao, chính vì vậy, sẽ giúp tham gia miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Vì vậy, nên cung cấp đủ, cân đối chất đạm sẽ phòng bệnh tốt nhất. Đạm có nhiều trong các loại thực phẩm như: cá, tôm, trứng, thịt đỏ...”, bác sĩ Hưng tư vấn.
Ngoài ra, trong thực đơn hàng ngày, mọi người cần bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều chất chống ô xy hóa như vitamin A, bởi vitamin A có vai trò tăng cường tế bào biểu mô của hệ hô hấp, tăng cường chất dịch nhày của hệ hô hấp. Những chất dịch nhày này ngăn ngừa sự tấn công, bám dính của virus, vi khuẩn.
Các loại gia vị có nhiều kháng sinh tự nhiên, tốt cho sức khỏe vào mùa lạnh nhưng mọi người ít dùng. Ảnh minh họa.
Các loại vitamin A có nhiều trong các loại rau màu xanh thẫm, quả màu đỏ, vàng như quả đu đủ, dưa hấu, quả hồng, cà chua, rau dền đỏ, bưởi, cam, quýt... Theo Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, mỗi người trưởng thành nên ăn ít nhất 400gram rau xanh, quả chín mỗi ngày là tốt nhất.
Về thực hành ăn uống, bác sĩ Hưng cho rằng, trong mùa lạnh mọi người nên ăn thức ăn nóng, tránh đồ lạnh để bảo vệ đường hô hấp được tốt nhất. Ngoài ra, cần ăn nhiều các loại rau củ gia vị như gừng, nghệ, hành, tỏi, các loại rau thơm… đây đều là những thực phẩm rẻ tiền, nhưng ít người sử dụng. “Đa số các loại rau củ làm gia vị có nhiều kháng sinh tự nhiên, chất chống ô xy hóa nên giúp tăng miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi virus, vi khuẩn tốt hơn”, ông Hưng nói.
Cuối cùng, bác sĩ Hưng tư vấn, mọi người hãy uống đủ nước trong mùa đông, vì nước sẽ giúp quá trình trao đổi chất được tốt hơn, hạn chế khô da, giúp đào thải các chất độc tố ra khỏi cơ thể.