8 mẹo tiết kiệm này sẽ khiến bạn tiếc hùi hụi vì không biết sớm hơn

Google News

Bằng cách giảm dòng tiền chi ra và tập trung nhiều tiền hơn cho các mục tiêu tài chính, bạn sẽ thành công hơn trong việc tiết kiệm, tăng giá trị ròng của mình và tạo dựng sự giàu có.

Dưới đây là 8 cách cắt giảm chi tiêu giúp bạn giữ nhiều tiền hơn trong túi thay vì chi tiêu ngay mỗi khi có thu nhập phát sinh:

1. Theo dõi chi tiêu của bạn

Khi bạn ăn kiêng, một trong những điều bạn thường được yêu cầu làm là tính toán lượng calo. Quá trình này cho bạn biết liệu bạn có đang ăn uống quá mức hay không, giúp bạn chú ý hơn đến những gì mình đang nạp vào người.

Điều tương tự cũng nên áp dụng với việc đồng tiền của bạn. Nếu bạn không biết tiền của mình sẽ đi đâu, bạn có thể sẽ chi không ít tiền cho những khoản không cần thiết. Khi bạn thực hiện theo dõi chi tiêu, bạn có thể nhanh chóng tìm thấy vấn đề và cân nhắc mua hàng cẩn thận hơn.

Theo dõi chi tiêu của bạn trong ít nhất 30-60 ngày thường là bước đầu tiên trong việc lập ngân sách. Hoạt động này cho bạn biết bạn cần cắt giảm khoản nào, ở đâu.

2. Lập ngân sách

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát chi tiêu, sử dụng ngân sách để đặt giới hạn là một cách tốt để bạn bắt đầu. Bạn sẽ xác định số tiền mình cần tiết kiệm, số tiền dành cho mỗi chi phí cố định và số tiền bạn sẽ dành cho các chi phí tùy chọn hoặc biến đổi như giải trí, hàng tạp hóa và ăn tối.

Nếu bạn không muốn trải qua quá trình tính toán ngân sách chi tiết, bạn có thể sử dụng phương pháp đơn giản như quy tắc 50-30-20 (phân bổ 50% thu nhập cho nhu cầu, 30% thu nhập cho mong muốn và 20% thu nhập cho tiết kiệm).

3. Thiết lập quy tắc 24 giờ cho việc mua hàng

Một cách tốt khác để đảm bảo bạn không chi tiêu thiếu suy nghĩ là buộc bản thân phải trì hoãn trước khi mua đồ. Khi bạn thiết lập quy tắc 24 giờ, bạn sẽ phải dừng lại để suy nghĩ trong một ngày trước khi mua thứ gì đó mà bạn muốn. Bạn cũng có thể đặt ra quy tắc rằng với mỗi 1 triệu đồng chi phí, bạn sẽ phải chờ 24 giờ. Điều này có nghĩa là nếu muốn mua một chiếc túi 2 triệu đồng, bạn sẽ phải trì hoãn và nghĩ về việc mua này ít nhất 2 ngày trước khi quay lại.

Quy tắc 24 giờ hiệu quả không chỉ vì nó khiến bạn nhận ra liệu mình có thực sự cần sản phẩm đó mà còn giúp bạn bình tĩnh hơn, có thời gian để tìm nơi mua sắm với giá tốt nhất.

4. Có những ngày không tiêu xài hoang phí

Một trong những cách tốt nhất để cắt giảm chi tiêu đơn giản là quyết định rằng bạn sẽ không mua bất cứ thứ gì. Tất nhiên, bạn không thể làm điều này mãi mãi nhưng hoàn toàn có thể nhắm đến một số ngày nhất định.

Vào ngày không chi tiêu, bạn cam kết sẽ không mua gì cả. 1 tháng không chi tiêu có nghĩa là bạn cam kết không mua bất cứ thứ gì ngoài những thứ thiết yếu (như thức ăn để nấu ở nhà). Những ngày không chi tiêu không chỉ giúp bạn tiết kiệm tiền mà còn có thể giúp thay đổi suy nghĩ của bạn về lâu về dài. Bạn sẽ phá vỡ thói quen chi tiêu của mình và bắt đầu đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo hơn để đáp ứng nhu cầu thay vì lúc nào cũng mặc định là mua những thứ mới.

5. Biến tiết kiệm thành trò chơi

Việc đặt ra ngân sách và giới hạn chi tiêu có thể khiến bạn thấy thật nhàm chán nhưng nó sẽ thú vị hơn nhiều lần khi bạn biến tiết kiệm tiền thành một trò chơi. Có rất nhiều cách để bạn thực hiện như:

Chuẩn bị một lọ thủy tinh to và tiết kiệm những đồng tiền lẻ (chẳng hạn từ 10 nghìn đồng trở xuống) mỗi ngày. Chẳng bao lâu nữa, bạn sẽ thấy hũ tiền đó của mình gom lại thành một khoản kha khá mà chi tiêu hàng ngày không bị ảnh hưởng.

Tự thưởng cho mình khi đạt được các mốc tiết kiệm. Khi bạn đạt được 10 ngày không chi tiêu trong vòng một tháng, hãy làm điều gì đó thú vị và ít tốn kém để tự thưởng cho mình (như spa tại nhà hoặc đi ăn trưa với bạn bè).

Rủ bạn bè cùng tham gia các thử thách tiết kiệm, chẳng hạn không chi tiêu (ngoài các nhu cầu cơ bản) trong 1 tuần, ai chi ít nhất cho giải trí…

6. Tránh mua sắm khi đói, luôn rõ ràng về thứ bạn cần mua

Khi đi mua sắm với một chiếc bụng đói, bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng tiêu dùng quá mức. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một người mua sắm ở cửa hàng bách hóa khi đang đói chi nhiều hơn 60% cho các sản phẩm ngoài thực phẩm so với những người mua sắm khi không đói.

Cùng với đó, lập danh sách cho những mặt hàng cần mua sẽ giúp bạn tránh mua sắm bốc đồng. Đi mua sắm với danh sách cũng sẽ giúp bạn sắp xếp thời gian mua sắm tốt hơn, tận dụng các mặt hàng đang được giảm giá, tránh ảnh hưởng bởi những thứ khác mà bạn nhìn thấy trên đường đi.

7. Thiết lập quy tắc một vào/một ra

Bạn có thể đáp ứng đa phần các nhu cầu của mình ngay bây giờ. Để đảm bảo bạn không mua những món đồ không cần thiết, hãy thiết lập quy tắc mua một, loại một. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ loại bỏ một món đồ cũ khi mua một món đồ mới.

Quy tắc này sẽ không hiệu quả với mọi thứ (bạn sẽ không loại bỏ gia vị này chỉ vì bạn muốn mua một gia vị mới) nhưng nó hiệu quả với hầu hết các giao dịch mua hàng ngày. Bạn có thể bán hoặc tặng những món đồ cũ kia để bù đắp chi phí cho những món đồ mới, hạn chế tình trạng đồ đạc chất đống trong nhà, không biết mình đã mua những gì.

8. Đặt giới hạn chi tiêu cho mỗi lần sử dụng

Một cách tiết kiệm hay khác là đặt giới hạn cho mỗi lần sử dụng và tìm hiểu xem chi phí cho mỗi lần sử dụng mặt hàng bạn đang cân nhắc là bao nhiêu.

Ví dụ: Bạn có thể đặt giới hạn cho mỗi lần sử dụng của mình ở mức 10 nghìn đồng.

Khi bạn cân nhắc một sản phẩm nào đó, hãy nghĩ xem bạn sẽ sử dụng sản phẩm đó bao nhiêu lần và chia ra xem số tiền bạn chi ra cho mỗi lần sử dụng có phù hợp với giới hạn bạn đặt ra hay không.

Nếu bạn đang nghĩ đến việc mua một chiếc TV trị giá 5 triệu đồng và bạn sẽ sử dụng một lần mỗi ngày trong 2 năm tới, chi phí mỗi lần sử dụng của bạn là 6,8 nghìn đồng, thấp hơn mức tối đa 10 nghìn đồng của bạn.

BẢO ANH.

Bình luận(0)