8 căn bệnh thường gặp ở giáo viên, hóa ra công việc không "nhàn" như nhiều người vẫn nghĩ

Google News

Giáo viên là nghề rất cao quý, được ví như người đưa đò giúp học sinh cập bến bờ tri thức. Ngoài sự tận tâm, việc đứng trên bục giảng suốt thời gian dài cũng đặt ra nhiều thách thức về mặt sức khoẻ cho các thầy cô giáo. Hiểu rõ về bệnh nghề nghiệp sẽ giúp các thầy cô có thêm bí quyết để bảo vệ sức khoẻ một cách tốt nhất.

Dưới đây là 8 căn bệnh thường gặp của giáo viên, mọi người cần chú ý để có biện pháp phòng ngừa và chữa trị hiệu quả, tránh những tổn thương nghiêm trọng về mặt sức khoẻ. 

Viêm thanh quản

Có thể xem giọng nói là một trong những "công cụ làm việc" của giáo viên. Tuy nhiên, do tính chất công việc giảng dạy đòi hỏi phải sử dụng giọng nói liên tục. Đôi khi, còn phải điều chỉnh âm lượng cao hơn để học sinh nghe rõ. Điều này tạo ra áp lực lớn lên dây thanh quản, dễ dẫn đến viêm nhiễm hoặc tổn thương. 

Thêm vào đó, lịch làm việc dày đặc khiến giáo viên ít có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi giọng nói nên càng làm tăng nguy cơ viêm thanh quản. 

Lịch làm việc dày đặc khiến giáo viên không có thời gian phục hồi giọng nói. (Ảnh minh họa). 

Các bệnh về đường hô hấp

Do tính chất công việc thường xuyên tiếp xúc với môi trường lớp học có nhiều bụi phấn và không khí khép kín khiến đường hô hấp của giáo viên bị căng thẳng, dễ dẫn đến viêm nhiễm.

Chưa kể, nhiều lớp học còn sử dụng điều hòa nhiệt độ, không khí trở nên khô cũng là nguyên nhân dẫn đến kích ứng niêm mạc hô hấp. Ngoài ra, môi trường lớp học đông đúc, nơi học sinh thường xuyên ho hoặc cảm cúm, cũng tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus lây lan, tăng nguy cơ mắc các bệnh như: viêm họng, viêm phế quản, cảm lạnh,... 

Stress

Áp lực do khối lượng công việc lớn, từ việc soạn giáo án, giảng dạy đến việc quản lý lớp học hay giải quyết các vấn đề của học sinh cùng với việc thường xuyên chịu sự giám sát, kỳ vọng cao từ phụ huynh, nhà trường và xã hội khiến người giáo viên chịu nhiều gánh nặng tinh thần.

Tình trạng làm việc căng thẳng kéo dài nhưng không có đủ thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân làm cho nhiều giáo viên rơi vào tình trạng căng thẳng, dẫn đến stress và suy nhược thần kinh. Về lâu dài, có thể gây mất ngủ, mệt mỏi, lo âu và thậm chí là trầm cảm.

Áp lực từ công việc giảng dạy khiến giáo viên dễ bị stress. (Ảnh minh họa).

Các vấn đề về mắt

Quá trình giảng dạy trên lớp buộc giáo viên phải nhìn và đọc tài liệu liên tục trong thời gian dài. Việc nhìn gần và điều tiết mắt liên tục khiến mắt dễ bị căng thẳng, mỏi mệt, đặc biệt khi giáo viên phải làm việc trong ánh sáng không đủ hoặc ánh sáng phản chiếu từ bảng đen.

Bên cạnh đó, không chỉ bụi phấn hoặc bụi từ sách vở có thể gây kích ứng, khô và đỏ mắt. Mà việc sử dụng điều hòa trong lớp học cũng làm không khí khô hơn, làm giảm độ ẩm tự nhiên trên bề mặt mắt, dễ gây khô mắt. 

Đặc biệt, việc thiếu thời gian nghỉ ngơi hợp lý khiến mắt không có đủ thời gian phục hồi, dẫn đến các vấn đề như: mỏi mắt, khô mắt và tăng nguy cơ mắc các tật khúc xạ.

Đau nhức xương khớp

Đặc thù công việc đòi hỏi giáo viên phải đứng hoặc ngồi trong thời gian dài với tư thế ít thay đổi. Việc đứng giảng liên tục nhiều giờ dễ tạo áp lực lên cột sống, khớp gối và hông, gây đau nhức ở các vùng này. 

Đồng thời, khi chấm bài hoặc soạn giáo án, giáo viên phải ngồi nhiều giờ, thường trong tư thế cúi xuống bàn, làm căng cơ vùng cổ, vai và lưng, dẫn đến tình trạng đau nhức các khớp.

Ngoài ra, tư thế làm việc không đúng cũng khiến các khớp xương của giáo viên chịu áp lực lớn, dễ dẫn đến các vấn đề về cột sống cũng như xương khớp, tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính về xương khớp như: thoái hóa đốt sống cổ hoặc cột sống lưng.

Đứng ngồi liên tục khiến giáo viên dễ mắc các bệnh về xương khớp. (Ảnh minh họa).

Đau nhức cơ bắp

Bên cạnh đau xương khớp, việc đứng lâu, thường xuyên di chuyển trong lớp còn gây áp lực lớn lên các cơ bắp ở chân và lưng, làm cho cơ bị căng thẳng, mỏi mệt. Mặt khác, khi phải cúi hoặc ngồi lâu trong tư thế không thoải mái, các cơ vùng cổ, vai và lưng dễ bị co cứng, dẫn đến đau nhức.

Thêm vào đó, áp lực công việc và căng thẳng tinh thần cũng có thể làm các cơ co cứng do tác động từ hệ thần kinh. Điều này làm tăng nguy cơ đau nhức cơ bắp và mệt mỏi về thể chất.

Rối loạn tiêu hóa

Trên thực tế rất nhiều giáo viên mắc phải các bệnh có liên quan đến đường tiêu hóa, phổ biến nhất đau dạ dày. Bệnh hình thành do lịch trình làm việc bận rộn, áp lực công việc cao, phải dạy liên tục trong nhiều giờ khiến nhiều giáo viên thường ăn vội vàng hoặc bỏ bữa, dẫn đến việc tiêu hóa không hiệu quả, gây các vấn đề như: đau dạ dày, đầy hơi, khó tiêu,...

Ngoài ra, căng thẳng từ công việc giảng dạy cùng với trách nhiệm quản lý lớp học cũng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Khi căng thẳng, cơ thể tiết ra nhiều hormone cortisol, làm giảm hiệu quả hoạt động của hệ tiêu hóa, dễ gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng và các triệu chứng của viêm loét dạ dày.

Rất nhiều giáo viên mắc bệnh đau dạ dày. (Ảnh minh họa).

Bệnh về da

Mặc dù làm việc trong môi trường kín nhưng giáo viên rất dễ mắc các bệnh về da. Bụi phấn trong lớp học có thể gây kích ứng da, đặc biệt là những người có làn da nhạy cảm, dễ dẫn đến các vấn đề như: viêm da, dị ứng, mẩn đỏ hoặc ngứa,... 

Ngoài ra, làm việc trong phòng có điều hòa thường xuyên cũng làm da mất đi độ ẩm tự nhiên, dẫn đến tình trạng khô da, bong tróc hoặc nứt nẻ. Căng thẳng trong công việc cũng làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến da dễ bị mụn và các vấn đề khác.

AN THANH

Bình luận(0)