1. THỊT BÒ SỐT VANG
Nguyên liệu
- Thịt bò phần có nhiều gân: 500gr
- Cà chua: 3 quả
- Tương cà (ketchup): 1/3 bát con (bát ăn cơm)
- Rượu vang chát (đỏ)
- Lá nguyệt quế: 3 lá nhỏ (có thể thay bằng quế và hồi)
- Hành tây: ½ củ nhỏ
- Gừng, hành, tỏi, rau mùi
- Bơ, hạt nêm, gia vị, bột nghệ, hạt tiêu, đường
Cách chọn thịt bò: Thịt bò để làm món sốt vang nên chọn phần thịt có nhiều gân như bắp bò chẳng hạn thì khi ninh lên thịt bò vừa dai mềm lại có chút giòn giòn sẽ hấp dẫn hơn nhiều.
Cách chọn rượu: Nấu thịt bò sốt vang để thơm và ngon hãy sử dụng rượu vang đỏ thay vì dùng rượu vang trắng, vì rượu vang đỏ dậy mùi hơn rất nhiều.
- Bên cạnh đó bạn có thể thay thế cà chua tươi bằng nước sốt cà chua để nước sốt vang có phần hấp dẫn.
Cách làm:
- Thịt bò rửa sạch, cho vào nồi nước lạnh (nước ngập miếng bò) rồi cho lên bếp đun nóng lên (chứ không sôi). Lúc này, bề mặt thịt sẽ nóng và ngưng kết lại, làm cho mùi gây trong miếng thịt giảm đi. Cách làm này chỉ nên dành cho món bò nấu, hầm, thái miếng lớn như bò sốt vang...
- Hoặc có thể nướng một củ gừng cho chín, sau đó cạo lớp vỏ cháy, giã nhuyễn gừng và xát lên thịt bò. Xả lại bằng nước lạnh.
- Lạng bỏ những phần mỡ bám trên miếng thịt nếu có, sau đó thái miếng vuông quân cờ. Hoặc bạn có thể thái thịt bò rồi chần qua với nước sôi có bỏ vài miếng gừng giã dập cũng được.
- Ướp thịt với 1 thìa gia vị, 1 thìa hạt nêm, 1 thìa đường, 1 thìa bột nghệ, ½ thìa hạt tiêu (dùng thìa cà phê) và 2 thìa ăn cơm rượu vang từ 30 phút đến 2 tiếng.
- Đun chảy một chút bơ, cho tỏi vào phi thơm rồi cho thịt bò vào xào qua cho miếng thịt săn lại.
- Lấy 1 cái chảo khác, đun chảy bơ cho hành tây vào phi thơm, tiếp đến cho cà chua vào đun chín mềm rồi dùng muôi dằm nhuyễn.
- Thêm nước vào nồi thịt bò, đun sôi rồi hớt bỏ bọt nếu có. Sau đó cho cà chua đã xào nhuyễn vào. Cho lá nguyệt quế vào, vặn nhỏ lửa, cứ đun liu riu cho đến khi thịt bò chín mềm (nước cạn thì lại cho thêm nước sôi vào, ninh cho thịt càng chín mềm thì càng ngon).
- Sau cùng, cho tương cà vào, thêm 2 – 3 thìa rượu vang, đun thêm 1 phút nữa rồi cho rau mùi thái nhỏ vào. Nêm thêm hạt nêm, gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp.
- Thịt bò sốt vang có nước sốt sánh, màu hơi nâu đỏ, đẹp mắt. Thịt bò sốt vang là những miếng thịt bò thơm, mềm, ngọt thịt đậm đà, ăn tới đâu là bạn có thể cảm nhận mùi hương hấp dẫn tới đó. Thịt bò sốt vang ăn cùng với phở, bún, cơm hoặc bánh mì đều rất ngon.
2. NGAN GIẢ CẦY
Món này có vị thơm ngon khá đặc biệt và ít béo, mùi thơm đặc trưng của sả, riềng và mắm tôm thấm đẫm vào từng miếng thịt ngan rất hấp dẫn.
Nguyên liệu: Ngan, riềng, sả, mẻ, mắm tôm, gia vị
Cách làm:
- Ngan các bạn chọn loại ngan già, dày thịt và ít mỡ. Ngan làm sạch, nướng qua trên lửa cho xém phần da ngan, tạo cho da ngan có cảm giác giòn và thơm.
- Chặt ngan thành miếng vừa ăn, ướp ngan với riềng, mẻ, mắm tôm, sả và gia vị trong vòng 20 phút.
- Cho nồi ngan lên bếp đun với lửa vừa, khi nồi ngan sôi các bạn đậy vung đun nhỏ lửa đến khi thịt ngan mềm và nước ngan sánh lại thì tắt bếp. Với cách làm đơn giản như vậy mình đã có món ngan nấu giả cầy thơm ngon rồi, măm thôi.
3. BA CHỈ KHO DƯA
Nguyên liệu:
- 300g thịt ba chỉ
- 250g dưa cải chua.
- Hành khô, nước màu dừa (nước hàng), muối, nước mắm, tiêu, đường.
Cách làm:
- Thịt ba chỉ rửa sạch, để ráo, thái miếng.
- Hành khô bóc vỏ, rửa sạch, đập giập, bằm nhỏ.
- Dưa cải chua rửa sơ, vắt nhẹ cho dưa ra bớt nước để khi kho dưa giòn hơn.
- Sau đó ướp thịt ba chỉ với xíu muối, tiêu, nước màu dừa, xíu đường và hành khô băm nhỏ ở trên để khoảng 15-20 phút.
- Cho thịt đã ướp ở trên vào nồi kho, đảo cho thịt săn lại. Thêm 1 chén nước sôi vào nồi, kho nhỏ lửa khoảng 10 phút. Sau đó cho dưa vào đảo đều, kho thêm khoảng 12-15 phút.
- Tắt bếp, thêm 1/2 thìa nước mắm cho thơm, đảo đều nêm nếm vừa ăn là được. Tuỳ vào bạn muốn ăn thịt mềm hay không thì tăng giảm thời gian kho tuỳ ý nhưng dưa cải nên kho trong thời gian khoảng 15 phút để dưa ngấm gia vị và vẫn giữ được độ giòn.
Món này ăn với cơm trắng thực sự ngon đặc biệt trong những ngày trời mát mẻ như thế này.
4. DẠ DÀY HEO NHỒI HÚNG CHÓ
Chuẩn bị:
- 1 cái dạ dày heo to, dày, có nhiều phần đen
- 10 ngọn rau húng quế
- 1 gói bột cà ri ông đầu bếp
- 1 ít tiêu hạt có tiêu xanh càng tốt
- 1 ít húng đỏ ăn kèm
- Hành khô
- Gia vị: Muối, mì chính (tùy ý), nước mắm, hạt nêm (tùy ý)
Cách làm:
Bước 1: Làm sạch dạ dày
Dạ dày heo mua về muốn sạch, bạn có thể rửa như sau. Dùng dao lọc hết các phần mỡ thừa bám xung quanh dạ dày. Sau đó dùng kéo cắt nhẹ phần dạ dày và lộn mặt sau đó cắt bỏ hết tạp chất bên trong. Dùng dao cạo sạch phần vàng trên đầu dạ dày.
Lộn mặt bên ngoài dạ dày để phần nhẵn hướng ra bên ngoài. Lưu ý, mùi hôi của dạ dày xuất phát từ chất nhầy nên chỉ cần làm sạch lớp chất nhầy này dạ dày sẽ không còn mùi khó chịu.
Cho dạ dày vào trong một cái nồi to hoặc chậu, rồi cho lượng bột mì thích hợp vào. Tốt nhất bạn nên rải đều bột mì này lên từng phần của dạ dày lợn và bắt đầu xoa đều tay, nhất là đối với mặt bên trong. Đối với phần dạ dày nhăn hơn, bạn cũng phải rắc thêm bột mì lên, rồi xoa mạnh tay.
Lưu ý, khi lộn mặt trong của dạ dày, lúc rắc bột mì, nên cho thêm 3 muỗng canh dấm, 1 muỗng canh muối vào, bóp rồi để yên từ 1-2 phút. Giấm cũng giúp bột mì khử mùi hôi. Muối giúp khử trùng.
Nhiều người không hiểu tại sao lại dùng bột mì để rửa lòng lợn. Bột mì có khả năng hấp thu mạnh nên có thể hút sạch hết chất bẩn, nhờn bám trên dạ dày, còn giấm có tác dụng khử mùi tanh, muối khử trùng. Vì vậy khi rửa lòng lợn, bạn hãy cho bột mì và giấm và chút muối vào nhé.
Sau đó, rửa dạ dày với nước sạch vài lần là xong.
Bắc một nồi nước vừa, thêm muối trắng đun sôi thì cho dạ dày vào luộc khoảng 5 phút. Vớt ra rửa thật sạch rồi lộn phần có màng mỡ ra ngoài.
Bước 2: Nhồi rau húng quế
Rau húng quế rửa sạch nhồi căng vào dạ dày thêm tiêu và chút muối, dùng chỉ trắng khâu miệng dạ dày lại.
Bước 3: Luộc dạ dày
Cho dạ dày vào luộc với nước có muối, hành khô cả vỏ. Luộc sôi lửa vừa 35 phút.
Bước 4: Ướp dạ dày
Dạ dày luộc xong, vớt ra ướp với bột cà ri, nước mắm, hạt nêm, dầu ăn, tiêu xay trong 20 phút.
Bước 5: Nướng dạ dày
Làm nóng nồi chiên không dầu rồi cho dạ dày vào quay. Để nhiệt 200 độ C và kiểm tra liên tục. Vì dạ dày đã chín nên cho vào nồi chiên không dầu chỉ để làm vàng giòn mặt ngoài. Nhớ phết dầu ăn liên tục để tránh bị khô.
Khi dạ dày đã vàng đều 2 mặt thì mang thái ăn nóng. Dạ dày nhồi húng quế nướng chấm với muối tiêu chanh hoặc mắm tôm kèm húng quế, húng đỏ vô cùng hấp dẫn. Dạ dày nướng thơm nức, giòn giòn quyện lẫn mùi thơm của húng quế quyến rũ vô cùng, chẳng ai có thể cưỡng lại được!
5. CÁ CHIÊN SỐT CHUA NGỌT
Nguyên liệu:
- Cá chẽm 1 con khoảng 1,2kg – 1,5 kg
- Trứng gà 1 quả
- Bột chiên giòn - tương ớt - dầu hào - mật ong - mứt dâu - hành, tỏi - tiêu - ớt - muối - đường - hạt nêm - nước mắm - dầu ăn...
Cách làm:
Bước 1. Sơ chế cá:
- Cá sau khi mổ đem rửa sạch với rượu và muối, sau đó cắt rời phần đầu cá và thân cá.
- Tiếp theo lọc bỏ phần xương cá ở giữa và 2 bên bụng cá nhưng không làm đứt rời phần thịt cá hai bên ra khỏi đuôi cá.
- Lật mặt thịt bên trong cá ra, dùng dao sắc khứa nhẹ trên thịt cá theo chiều dọc và ngang tạo thành các phần thịt nhỏ hình carô. Sau đó lật ngược đuôi cá lên trên như hình. Lưu ý: Khi khứa cá cần nhẹ tay, nếu mạnh tay một chút, thịt cá bị đứt sẽ không tạo hình được.
Bước 2. Ướp cá
- Để cá khô và ráo nước rồi ướp vào cá một xíu muối, thoa một lớp trứng lên khắp cá rồi lăn cá qua bột chiên giòn.
Bước 3. Chiên cá
- Dùng một cái chảo to đun sôi nhiều dầu và cho cá vào chiên. Lưu ý: khi cho cá vào phải cố định đầu cá để tạo hình cho cá đẹp mắt. Dầu tốt nhất nên ngập cá để đỡ phải lật làm nát cá.
- Chiên cá lần đầu với lửa vừa, khi cá chín vớt ra để nguội và chiên tiếp lần nữa với lủa to để giữ độ giòn cho cá. Sau đó nhẹ nhàng vớt cá ra đĩa.
Bước 4. Làm nước sốt
- Phi thơm hành, tỏi, cho vào ½ muỗng canh rượu, 1 muỗng canh tương cà, ½ muỗng canh mật ong, ½ muỗng canh đường, ½ muỗng canh nướng mắm, ½ muỗng canh dầu hào, 1 muỗng cà phê mứt dâu, 1 bát nước lọc, 1 muỗng canh giấm trắng, 1 ít bột năng để tạo độ sánh. Đun sôi, nêm lại cho vừa khẩu vị thì tắt bếp.
Bước 5. Thưởng thức
Xếp cá ra đĩa, trang trí thêm rau cho bắt mắt, rưới nước sốt lên cá, thêm 1 ít rau thì là và thưởng thúc thôi. Cá chín, giòn và thơm, tạo hình cá cứng cáp, không bị vỡ, nước sốt có độ sánh vừa phải và vừa ăn theo khẩu vị mỗi người.