Cây xanh TP.HCM: “Quỵ ngã” không vì dông gió

Google News

Do biến đổi khí hậu, bão nhiệt đới đã bắt đầu "thăm viếng" khu vực Nam Bộ khiến nhiều cây xanh bị bật gốc.

- Do biến đổi khí hậu, bão nhiệt đới đã bắt đầu "thăm viếng" khu vực Nam Bộ khiến nhiều cây xanh bị bật gốc. Thêm vào đó, sự tác động xấu của con người nên nhiều hệ cây xanh đường phố TP.HCM đang dần lụi tàn.

Cây lim không còn đứng vững

Chỉ dẫn cho chúng tôi hình ảnh những cây xanh bị bão càn quét làm bật gốc, TS Lê Minh Trung, Phó phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH Một thành viên Công viên Cây xanh TP.HCM tiếc nuối: Cây lim xẹt là một trong các loài cây chủ lực chiếm số lượng lớn trong hệ thống cây xanh đô thị TP.HCM thế nhưng trong dông bão vừa qua nó lại là cây bật gốc nhiều nhất. Sọ khỉ cũng là cây được chọn làm cây đường phố từ lâu, nhưng tới nay cũng khó chống chọi với thiên nhiên khác nghiệt.

Về nguyên nhân khiến cây xanh bật gốc, TS Lê Minh Trung lý giải: Những năm gần đây có nhiều cơn bão thất thường ảnh hưởng đến Nam Bộ, gây mưa dông kèm gió giật xảy ra trên diện rộng tại TP.HCM khiến cây xanh trên nhiều tuyến đường ngã đổ. Mặt khác, phải kể đến tác động của con người khi chỉnh trang đô thị đã không quan tâm đúng mức đến cây xanh. Khi nâng đường và vỉa hè chống ngập đã bê tông hóa phần gốc, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây, hạn chế sự phát triển của rễ cây.
 
Trong quá trình thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác đã tác động đến rễ bên của cây làm cho rễ bị xén cụt,thế đứng của cây thiếu bền vững không đảm bảo an toàn, nhất là khu vực trung tâm nội thành.

Ngoài ra, do quá trình ngập úng kéo dài làm cho nền đất mềm, giảm khả năng bám chặt của rễ. Ngập úng làm ngộp phần rễ dưới đất, hệ rễ bị suy yếu. Biểu hiện của tình trạng ngập úng là lá vàng nhanh và rụng hằng loạt. Ngoài ra, điều kiện ngập úng kỵ khí tạo điều kiện cho các vi khuẩn và nấm bệnh phát triển xâm nhiễm vào rễ gây bệnh thối rễ, gặp dông lốc thì sẽ bị bật gốc...

Một trong những nguyên nhân khiến cây xanh ở khu vực trung tâm thành phố đổ nhiều hơn địa bàn khác còn bởi quá trình đô thị hóa nhiều nhà cao tầng tạo những khu vực chịu ảnh hưởng của hiệu ứng đường hầm, tác hại lốc xoáy làm tăng dao động của cành nhánh và hướng gió thường xuyên thay đổi đột ngột.

Cây lim trên đường Mạc Đĩnh Chi bị đổ gục.
Cây lim trên đường Mạc Đĩnh Chi bị đổ gục.

Chọn cây trồng thích nghi

TS Đinh Quang Diệp, Khoa Môi trường và Tài Nguyên, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho rằng, ngoài việc quy hoạch và đầu tư xây dựng các vành đai xanh chung quanh thành phố, nên phát triển các mảng xanh ở đô thị và vùng ven đô để trang trí thay cho các công trình bị bê tông hóa giúp thẩm thấu nước xuống đất góp phần chống ngập và bảo tồn nguồn nước ngầm, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Cây lim đổ rõ ràng không thích ứng được với điều kiện đất đai đô thị.
 
Xu hướng hiện nay trên thế giới là chọn loại cây trồng đô thị không quá cao, nên chọn những loài cây có chiều cao không quá 15m, có sức chống chịu tốt, hệ rễ khoẻ, cây có cành nhánh dẻo dai chịu được gió bão. Một số loài cây trồng mới được đề nghị trồng tại TP.HCM là gáng hương, lát hoa, sấu và kèn hồng...

Ngoài ra, công tác cắt tỉa cành định kỳ đúng cách cũng là việc làm quan trọng giúp cân bằng cho cây chống gãy đổ. Như cây sọ khỉ là loài cây có tán lá phát triển nhanh. Trong quá trình chăm sóc cây cần quan tâm tới khâu tỉa thưa vòm lá vì tán cây rậm rạp, nặng nề, không thông thoáng sẽ rễ bật gốc khi gió mạnh. Bên cạnh đó là ý thức cộng đồng dân cư, cần chung tay bảo vệ cây xanh, có trách nhiệm với cộng đồng, phát hiện những xâm hại đối với cây xanh đô thị.

Ông Đặng Văn Thành, nguyên Phó ban Chỉ đạo Nông nghiệp - Nông thôn TPHCM mách nước: Trong điều kiện quỹ đất cho cây xanh có giới hạn nên hình thành mảng xanh nhiều tầng theo chiều sâu và chiều cao. Mảng xanh này có thể gồm 2 hay 3 tầng, tầng 1 cây cao lớn, tầng 2 cây vừa, tầng 3 cây nhỏ với những loài cây đa niên chịu bóng, cuối cùng là tầng thảm như dáng, dương xỉ... có khả năng chịu bóng ở dưới tán rừng.

Trong cơn bão số 1 năm 2012 TPHCM có 683 cây xanh bật gốc. Trong đó 208 cây lim xẹt, chiếm tỷ lệ 30,45%), sọ khỉ 118 cây, sao đen 82 cây, sò đo cam 34 cây, phượng vỹ 34 cây, bằng lăng 31 cây, me chua 20 cây. Quận 1 có số lượng cây đổ nhiều nhất 117 cây chiếm 17,42%, tiếp đến là quận Thủ Đức 83 cây chiếm tỷ lệ 12,15%.
(Nguồn từ Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP.HCM)

Hương Nguyên
[links()]

Bình luận(0)