Chiều 4/2, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã chính thức có thông cáo gửi báo chí để thông tin về vụ việc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đề xuất chủ trương nhập khẩu 160 toa xe hàng của Trung Quốc đã qua sử dụng được các cơ quan thông tấn báo chí liên tục đăng tải trong 2 ngày qua gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng tới uy tín của ngành đường sắt.
Về nguồn gốc của việc đề xuất nhập toa xe cũ Trung Quốc, theo VNR, năm 2013, Cục Đường sắt Côn Minh (Trung Quốc) chủ trương hạn chế vận chuyển hàng hóa bằng tuyến đường sắt khổ 1 m để chuyển sang khổ 1,435 m và mời các công ty đường sắt nước ta khảo sát, nghiên cứu việc mua lại các đầu máy, toa xe này phục vụ nhu cầu vận chuyển trong nước.
Đây là thời điểm ngành đường sắt đang thiếu toa xe hàng do nhu cầu vận tải hàng hóa liên tục tăng cao, vì vậy VNR đã giới thiệu 2 đơn vị trong tổng công ty là Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải và Thương mại đường sắt sang Trung Quốc khảo sát, tìm hiểu về tình trạng chất lượng kỹ thuật, giá trị còn lại và giá cả của các toa xe này để báo cáo VNR xem xét cho chủ trương.
|
Đổi mới, hiện đại hoá ngành đường sắt là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của lãnh đạo Bộ GTVT cũng như ngành đường sắt. Việc nhập toa xe cũ về để khai thác là không thể chấp nhận |
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của các cơ quan thông tấn, báo chí và chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng chiều ngày 3/2, VNR đã tổ chức cuộc họp Hội đồng thành viên (HĐTV) khẩn cấp, yêu cầu người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội báo cáo giải trình toàn bộ quá trình liên quan đến việc khảo sát, đề xuất việc mua, nhập khẩu toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc.
Chiều ngày 4/2, VNR đã tổ chức họp HĐTV để làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chấp hành sự chỉ đạo của Tổng công ty đối với việc đầu tư toa xe trong đó có việc nghiên cứu khảo sát đầu tư mua toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc.
Kết luận tại cuộc họp khẳng định VNR không có bất cứ văn bản nào cho phép đầu tư cũng như chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhập khẩu toa xe hàng của Trung Quốc đã qua sử dụng. “Văn bản số 1442/ĐS-VTĐM ngày 3/6/2015 đơn thuần là văn bản hành chính nhằm trao đổi thông tin giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam với Cục Đường sắt Côn Minh (Trung Quốc) (văn bản đề rõ là gửi Cục Đường sắt Côn Minh) và không phải là văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư” - thông cáo của VNR nêu rõ.
VNR khẳng định việc đề xuất chủ trương nhập khẩu 160 toa xe hàng của Công ty Vận tải Đường sắt Hà Nội mới chỉ đang trong giai đoạn khảo sát, nghiên cứu, chưa được HĐQT Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội và HĐTV VNR xem xét quyết định. “Vì vậy, việc đầu tư nhập khẩu toa xe hàng của Trung Quốc đã qua sử dụng hiện mới dừng ở bước khảo sát, nghiên cứu” - thông cáo của VNR cho hay.
VNR đã yêu cầu Người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội thực hiện biểu quyết tại HĐQT Công ty để hủy bỏ toàn bộ hoạt động khảo sát, nghiên cứu việc mua toa xe hàng đã qua sử dụng của Cục Đường sắt Côn Minh do Công ty làm chủ đầu tư.
Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến hoạt động khảo sát, nghiên cứu việc mua, nhập khẩu toa xe hàng đã qua sử dụng của Cục Đường sắt Côn Minh - Trung Quốc.
Về công tác nhân sự, miễn nhiệm người đại diện 35% vốn của Tổng công ty tại Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đối với ông Nguyễn Viết Hiệp. Giao cho người đại diện phần vốn tại Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội biểu quyết tại HĐQT Công ty để ông Nguyễn Viết Hiệp thôi giữ chức Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và điều động, bố trí làm Phó Trưởng ban Ban Vận tải Tổng công ty.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, ngày 3/2, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã ký văn bản số 1484/BGTVT-TCCB về kiểm điểm cán bộ thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong việc giao cho các đơn vị đường sắt trực tiếp thương thảo, ký hợp đồng và làm thủ tục mua toa xe đã qua sử dụng của Trung Quốc.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo rõ về Công văn số 1442/ĐS-VTĐM ngày 3-6-2015 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gửi Cục Đường sắt Côn Minh (Trung Quốc) trước ngày 4/2/2016.
Tổ chức kiểm điểm nghiêm, làm rõ trách nhiệm của HĐTV, Ban Lãnh đạo và các cán bộ liên quan thuộc Tổng công ty trong việc giao cho các đơn vị đường sắt trực tiếp thương thảo, ký hợp đồng và làm thủ tục mua toa xe đã qua sử dụng của Trung Quốc.
Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho ông Nguyễn Viết Hiệp thôi làm Người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội; chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cách chức Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Viết Hiệp.
Bộ GTVT cũng yêu cầu HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xử lý kỷ luật nghiêm những cán bộ có liên quan.