Chuyến thăm góp phần đưa quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam - Hà Lan ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai bên đã trao đổi về tình hình mỗi nước, các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương thời gian tới cũng như các vấn đề quốc tế, khu vực hai bên cùng quan tâm.
Ngay sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã ký “Thỏa thuận đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực” và chứng kiến lễ ký “Bản ghi nhớ hợp tác phát triển dự án kho cảng nhập khí hóa lỏng Sơn Mỹ tại Việt Nam” và “Hợp đồng khung mua bán khí thiên nhiên hóa lỏng cho dự án kho cảng Thị Vải” giữa Tổng công ty Khí Việt Nam và Tập đoàn Shell của Hà Lan.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte duyệt đội danh dự tại Phủ chủ tịch.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là một mối quan hệ hiệu quả và đặc biệt năng động. Hà Lan là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất của Việt Nam và là đối tác thương mại đứng thứ 3 của châu Âu đối với Việt Nam. Hai bên hợp tác trong khuôn khổ đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, triển khai các chương trình, dự án cụ thể.
Đặc biệt, nhân dịp này, hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược về nông nghiệp, an ninh lương thực. Đây sẽ là một trọng tâm hợp tác quan trọng trong thời gian tới. Bên cạnh đó còn có các lĩnh vực hợp tác ưu tiên khác như dầu khí, cảng biển, đóng tàu, dịch vụ hậu cần đang mở ra nhiều triển vọng và cơ hội cho hai nước.
Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi thường xuyên giữa đoàn các cấp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước kết nối đối tác, nâng cao hiệu quả kinh doanh và đầu tư, tiếp tục thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực ưu tiên gồm thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, năng lượng, kinh tế biển, đóng tàu, quốc phòng và hợp tác giữa các địa phương hai nước.
Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác giữa hai nước trên các diễn đàn và tổ chức quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc, ASEAN, EU.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bày tỏ sự tin tưởng sâu sắc rằng kết quả của cuộc hội đàm hôm nay, những văn kiện quan trọng vừa ký kết cũng như các cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước sẽ góp phần đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hà Lan tiếp tục phát triển sâu rộng và thiết thực, đáp ứng nhu cầu của mỗi nước, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhân dân hai nước và góp phần tích cực vào hòa bình hợp tác ổn định, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
|
Hà Lan hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu, sau Đức và Anh. Năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 3,6 tỷ USD.
|
Hà Lan ủng hộ tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN
Về tình hình biển Đông, Việt Nam và Hà Lan cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc về những căng thẳng hiện nay đang diễn ra. Thủ tướng Hà Lan khẳng định lập trường phù hợp với tuyên bố của Liên minh châu Âu vào ngày 8/5/2014 và ủng hộ nội dung tuyên bố của các ngoại trưởng ASEAN ngày 10/5/2014 về tình hình tại biển Đông.
Theo đó, thúc giục các bên liên quan hành động trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982; thực hiện kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.
Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông cũng như việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông và sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ nguyên tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Chiều cùng ngày (16/6), Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte có buổi gặp xã giao với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.