Thời gian gần đây, nhiều vụ việc tin tin đồn thất thiệt xảy ra khiến dư luận xôn xao, nhiều vụ đã gây ảnh hưởng, thiệt hại cho cá nhân, đơn vị.
Đơn cử, chiều 20/7, Phạm Thị Mùi (SN 1990, trú tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) đăng tải những hình ảnh kèm nội dung không đúng về việc máy bay bị rơi ở Nội Bài. Nội dung này nhanh chóng được chia sẻ trên các trang mạng xã hội gây xôn xao dư luận.
Ngay sau đó, đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, khẳng định việc máy bay rơi là bịa đặt và đã có văn bản gửi Ủy ban An ninh hàng không Quốc gia, đồng thời đề nghị công an điều tra làm rõ người tung tin đồn máy bay rơi ở Nội Bài. Hiện cơ quan chức năng đang hoàn thiện hồ sơ xử lý Phạm Thị Mùi.
|
Tin đồn thất thiệt rơi máy bay ở Nội Bài. Ảnh chụp màn hình. |
Tương tự, hôm qua (9/8),
tin đồn ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị bắt giữ được cho rằng đã khiến cổ phiếu của ngân hàng này lao dốc trên sàn chứng khoán.
Trao đổi với PV, luật sư Quách Thành Lực – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, hiện nay tin đồn thất thiệt thường phản ánh những sự kiện, thông tin không có thực trong cuộc sống nhưng có tính chất ảnh hưởng đến tâm lý xã hội. Những thông tin này khi loan truyền gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác.
“Tùy mức độ nghiêm trọng của hành vi tung tin đồn thất thiệt mà cơ quan có thẩm quyền có thể xử lý hành chính hoặc hình sự với người bịa đặt, loan truyền những tin đồn thất thiệt đó. Những tin đồn thất thiệt thường được đưa lên mạng viễn thông, internet, mạng xã hội, trang tin điện tử, mạng xã hội” – luật sư Lực cho biết.
Cũng theo luật sư Lực, trong thời đại thông tin như hiện nay, việc đánh giá, phân tích giữa tin đồn thất thiệt, bia đặt, vu khống với những ý kiến, quan điểm suy luận trái chiều của những cá nhân tiến bộ đòi hỏi các cơ quan chức năng phải hết sức cẩn trọng. Hạn chế và xử lý tin đồn thất thiệt nhưng cũng phải tránh can thiệp quá sâu vào quyền tự do báo chí, tự do thông tin của cá nhân.
Chỉ khởi tố khi bị hại yêu cầu
Luật sư Quách Thành Lực cho biết thêm, theo khoản 3 điều 64 174/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Với mức độ nghiêm trọng hơn của hành vi tung tin đồn thất thiệt thì người tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử lý hình sự về tội Vu khống theo điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009. Nếu hành vi phạm tội thuộc khoản 1 điều 122 thì Cơ quan có thẩm quyền chỉ khởi tố khi người bị hại có yêu cầu.